Lãnh đạo Mỹ - Trung sắp gặp nhau: Đường chia 3 ngả

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một sự kiện tại Bắc Kinh năm 2017 ảnh: NYT
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một sự kiện tại Bắc Kinh năm 2017 ảnh: NYT
TP - Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây ra tâm lý không kỳ vọng đột phá từ cuộc gặp của lãnh đạo 2 nước tại thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tuần tới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều đã bày tỏ sẵn sàng gặp nhau vào cuối tháng này.

Thị trường toàn cầu đang chờ đợi một kết quả tích cực có thể giúp bắc cầu khoảng cách ngày càng lớn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng có khả năng tiến trình đàm phán thương mại đang đi theo lộ trình đáng lo hơn, dẫn đến nguy cơ căng thẳng tiếp tục gia tăng và đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, ngân hàng Morgan Stanley đánh giá. Hãng này đánh giá cuộc gặp sắp tới là sự kiện “đường chia 3 ngả”.

Cuộc gặp tới sẽ là cơ hội đầu tiên để ông Trump và ông Tập gặp nhau kể từ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, rồi sau đó Trung Quốc đáp trả. Ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc còn lại nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.

Đánh giá của Morgan Stanley dự đoán 3 khả năng: (1) hai bên cùng tiến tới một thỏa thuận, đẩy lùi các rủi ro kinh tế; (2) một sự tạm dừng bất định, ban đầu có thể trấn an, nhưng sau đó gây thất vọng đối với giới đầu tư; (3) căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng.

Nếu hai nước đi theo con đường đầu tiên, giới đầu tư kỳ vọng hai bên sẽ sớm có giải pháp sau thượng đỉnh lần này. Nếu theo con đường thứ hai, tình trạng bất định sẽ kéo dài thêm 3-4 tháng nữa. Nếu khả năng thứ ba xảy ra, 300 tỷ USD hàng Trung Quốc còn lại sẽ bị tăng thuế lên mức 25%, gây thêm rủi ro cho kinh tế toàn cầu.

Dù ít có khả năng lãnh đạo hai nước sẽ thống nhất được một thỏa thuận ngay tại thượng đỉnh lần này, nhưng một cuộc gặp như vậy được cho là tín hiệu hai bên đang đi đến thỏa thuận. Tuy nhiên, với một người khó đoán và sẵn sàng đi ngược dư luận như ông Trump, khả năng thứ ba cũng dễ xảy ra, theo Morgan Stanley.

Sức ép lớn

Trước thềm cuộc gặp, ông Trump đang chịu sức ép không nhỏ từ các doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại vì cuộc đối đầu thương mại. Hơn 600 công ty và hiệp hội thương mại, trong đó có những tên tuổi lớn như Walmart, Costco và Target, trong tháng này cùng gửi thư kiến nghị lên Nhà Trắng để kêu gọi chấm dứt chiến tranh thương mại.

Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson vừa công bố một báo cáo nói rằng trong năm qua, Bắc Kinh một mặt tăng thuế lên hàng Mỹ để trả đũa, mặt khác hạ thuế đối với hàng hóa đến từ các nước cạnh tranh với Mỹ, khiến các công ty Mỹ rơi vào tình thế cạnh tranh bất lợi hơn.

Theo báo cáo, mức thuế bình quân của Trung Quốc lên hàng Mỹ tăng từ 8% vào đầu năm 2018 lên 20,7% trong tháng này. Mức thuế bình quân của Trung Quốc áp lên hàng hóa của tất cả các nước khác giảm từ 8% vào đầu năm 2018 xuống 6,7% vào cuối năm ngoái, và được duy trì cho đến nay.

Tăng thuế lên hàng Mỹ khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc phải chịu thêm chi phí khi nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng họ có lựa chọn khác là không làm ăn với các nhà cung cấp Mỹ nữa vì có thể nhập sản phẩm tương tự từ các nước khác với giá thấp hơn.

Báo cáo cho rằng cách làm của Trung Quốc khiến các nhà xuất khẩu Mỹ rơi vào tình thế bất lợi nhiều hơn trước các đối thủ từ Canada, Nhật Bản, châu Âu và những nước khác.

Cho đến nay, chính quyền Trump vẫn chưa thể hiện dấu hiệu sẽ nhượng bộ. Tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 18/6, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định chính quyền Trump sẽ duy trì quan điểm cứng rắn. Với các biện pháp thuế đã được áp dụng, chính quyền đã chuẩn bị để tiếp tục hành động “nếu một số vấn đề cụ thể không được giải quyết một cách thỏa đáng”, ông Lighthizer nói.

 Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wibur Ross cuối tuần qua cũng hạ thấp khả năng đạt được thỏa thuận lớn trong tương lai gần. “Tôi nghĩ kết quả tốt nhất mà hai bên có thể đạt được bên lề G20 có thể là đồng ý sẽ nối lại đàm phán”,  với những quy tắc và lịch trình mới, ông Ross nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Wall Street Journal.

Cũng có những chỉ dấu cho thấy chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến kéo dài, bất chấp dấu hiệu kinh tế phát triển chậm lại. Tạp chí Cầu Thị thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa viết trong bài bình luận đăng tuần này rằng Trung Quốc đã chuẩn bị để “chiến đấu đến phút cuối”. Còn tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng thỏa hiệp với Mỹ là điều “ngu xuẩn và ngây thơ”.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.