Harry Houdini tại Mỹ năm 1898. Ảnh: New York Daily News.
Nhà ảo thuật Ấn Độ Chanchal Lahiri, có nghệ danh là "pháp sư Mandrake", ngày 16/6 biểu diễn tiết mục tự giải thoát trong tình trạng tay chân bị trói bằng dây thừng và xích, cố định bằng 6 ổ khóa, thả người xuống một nhánh của sông Hằng ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal. Tiết mục của ông lấy cảm hứng từ ảo thuật gia lừng danh Harry Houdini. Tuy nhiên, thay vì phá khóa thành công và nổi lên khỏi mặt nước như Houdini từng làm, Lahiri thiệt mạng và được tìm thấy một ngày sau đó.
Harry Houdini là nhà ảo thuật người Mỹ gốc Hungary nổi tiếng với những tiết mục trốn thoát trong tình huống kịch tính như trói tay lơ lửng trên không trung hay bị nhốt vào thùng kín thả xuống nước. Ông có tên khai sinh là Erik Weisz, sinh năm 1874 ở Budapest. Gia đình ông di cư đến Mỹ vào năm 1878. Ông lấy nghệ danh Harry Houdini theo tên nhà ảo thuật người nổi tiếng người Pháp Jean Eugène Robert-Houdin sau khi đọc tự truyện của ông này năm 1890.
Houdini bắt đầu sự nghiệp ảo thuật vào năm 1981, chủ yếu biểu diễn các tiết mục với lá bài nhưng không thu được thành công. Ông sau đó chuyển sang các tiết mục trốn thoát và gây tiếng vang lớn với những màn trình diễn táo bạo ở Mỹ và châu Âu từ năm 1900. Ông có biệt danh là "Vua còng tay" vì đã thách thức cảnh sát ở nhiều thành phố còng tay, nhốt ông vào buồng giam rồi sau đó tự thoát ra thành công. Trong nhiều năm, Houdini là người biểu diễn được trả thù lao cao nhất trên sâu khấu tạp kỹ ở Mỹ.\
Một trong những tiết mục nổi tiếng nhất của Houdini là "Trốn thoát bình sữa", lần đầu được biểu diễn vào năm 1908. Houdini bị còng tay và nhốt bên trong một bình sữa quá khổ (người phương Tây thường vận chuyển sữa trong các bình kim loại cao, hình nón hoặc trụ). Một tấm màn được che trước bình sữa trong khi Houdini tìm cách thoát ra. Để tăng hiệu ứng biểu diễn, Houdini yêu cầu khán giả nín thở cùng mình khi ông ở trong bình sữa.
Tiết mục này được quảng cáo với những áp phích "thất bại đồng nghĩa với chết đuối". Houdini sau này thay đổi một số chi tiết để làm tiết mục thêm khó hơn như khóa thùng sữa trong một cái rương gỗ hay trói nó bằng nhiều xiềng xích hơn. Màn ảo thuật này được Houdini thường xuyên trình diễn trong 4 năm.
Vì có nhiều ảo thuật gia khác bắt chước tiết mục "Trốn thoát thùng sữa", Houdini năm 1912 "trình làng" tiết mục mới gọi là "Buồng tra tấn nước" ở Busch, Berlin. Chân của Houdini bị giữ trong một chiếc cùm và ông bị thả trong tư thế lộn ngược vào một bể kính chứa đầy nước. Màn trốn thoát của Houdini trong tiết mục này cũng diễn ra sau một tấm màn. Đây là tiết mục làm nên thương hiệu cho Houdini và ông thường xuyên biểu diễn nó cho đến khi qua đời.
Không chỉ biểu diễn trên sân khấu, Houdini còn thực hiện các tiết mục trên đường phố như treo người trong tư thế lộn ngược trên cần cẩu hay tòa nhà cao tầng trong khi mặc áo trói tay (áo thường dùng cho bệnh nhân tâm thần, có hai ống tay dài để có thể trói lại). Houdini liên tục vung mình trên không trung để cởi được áo. Ông nhiều lần thu hút hàng chục nghìn người đến xem, khiến giao thông bị đình trệ.
Tại New York, Houdini năm 1923 hoặc 1924 treo mình lơ lửng trên một chiếc cần cẩu được sử dụng để xây dựng đường tàu điện ngầm. Ông mất hai phút 37 giây để cởi được áo.
Tiết mục cởi áo trói tay trên không trung của Harry Houdini. Video: Fantasma Magic.
Một trong những pha nguy hiểm nổi tiếng nhất của Houdini là thoát khỏi thùng chìm dưới nước. Ông bị còng tay, xích chân, ngồi vào một chiếc thùng được đóng kín nắp bằng đinh, trói bằng dây thừng và thả xuống nước. Ông lần đầu biểu diễn tiết mục tại sông Đông của New York vào ngày 7/7/1912. Sau khi chiếc thùng được buộc với hơn 90 cân chì chìm xuống nước, Houdini mất 57 giây để trốn thoát. Houdini nhiều lần biểu diễn tiết mục này và còn thực hiện trên sân khấu với một bể nước 21.000 lít được chế tạo đặc biệt.
Ảo thuật gia thực hiện ít nhất ba phiên bản tiết mục "chôn sống" trong sự nghiệp của mình và từng một lần suýt chết. Năm 1915, Houdini được chôn xuống một cái hố sâu 1,8 m ở gần Santa Ana, California. Ông kiệt sức và hoảng loạn khi cố gắng đào đất để trồi lên kêu cứu. Khi bàn tay của Houdini vươn được lên trên mặt đất, ông bất tỉnh và các trợ lý kéo ông lên. Houdini viết trong nhật ký rằng cuộc trốn thoát này "rất nguy hiểm" và "sức nặng của đất thật chết chóc".
Houdini là người phản đối thuyết tâm linh và dành nhiều thời gian để vạch trần mánh khóe của những nhà ngoại cảm, bà đồng hay những người tuyên bố sở hữu sức mạnh siêu nhiên. Quan điểm này đã khiến ông thực hiện phiên bản "chôn sống" thứ hai - một thử nghiệm sức bền để vạch trần nghệ sĩ huyền bí Ai Cập Rahman Bey, người tuyên bố sử dụng sức mạnh siêu nhiên để ở trong một chiếc quan tài kín dưới nước trong một giờ tại khách sạn Dalton ở New York.
Ngày 5/8/1926, Houdini vượt qua thành tích của Bey vào khi nằm trong một chiếc quan tài kín chìm dưới bể bơi khách sạn Shelton của New York trong 1,5 giờ. Houdini tuyên bố ông không sử dụng bất kỳ mánh khóe hay sức mạnh siêu nhiên nào mà chỉ kiểm soát hơi thở.
Màn "chôn sống" cuối cùng là tiết mục Houdini trốn thoát khi mặc áo trói tay, nằm trong quan tài bị bịt kín và chôn trong một cái bể lớn chứa đầy cát. Mặc dù các áp phích quảng cáo về tiết mục này được phát ra, không rõ liệu Houdini có từng biểu diễn nó trên sân khấu hay không.
Tiết mục này được lên kế hoạch là màn chính cho mùa diễn năm 1927 của Houdini nhưng ông qua đời vào ngày 31/10/1926 tại Detroit ở tuổi 52. Chiếc quan tài mà Houdini cho chế tạo để phục vụ tiết mục đã được dùng để đưa thi thể ông từ Detroit về New York.
Houdini chết do viêm phúc mạc vì vỡ ruột thừa. Một số người cho rằng cái chết của Houdini liên quan đến vụ sinh viên Đại học McGill Jocelyn Gordon Whitehead đấm liên tiếp vào bụng ông tại phòng thay đồ trong Nhà hát Công chúa ở Montreal ngày 22/10/1926.
Whitehead hỏi Houdini rằng "ông có tin vào phép màu của Kinh thánh không" và "có đúng là những cú đấm vào bụng không làm ông đau không". Whitehead sau đó liên tiếp giáng cú đấm vào bụng Houdini. Ảo thuật gia khi đó đang ngả người trên ghế, ông đã bị gãy mắt cá chân trong khi biểu diễn vài ngày trước đó. Jacques Price, nhân chứng có mặt trong phòng, kể rằng Whitehead đã ra đòn khi Houdini chưa chuẩn bị chống đỡ và ảo thuật gia nhăn mặt sau mỗi cú đánh. Nếu xương mắt cá chân của Houdini không bị gãy, ông có thể đứng lên và vào tư thế tốt hơn để đỡ đòn.
Trong suốt tối hôm đó, Houdini biểu diễn trong đau lớn. Ông không thể ngủ nhưng không đến bệnh viện dù liên tục đau bụng trong hai ngày tiếp theo. Khi Houdini đến gặp bác sĩ, ông sốt 39 độ C, bị viêm ruột thừa cấp tính và được khuyên phẫu thuật ngay lập tức. Tuy nhiên, Houdini phớt lờ lời khuyên và tiếp tục trình diễn.
Khi Houdini đến nhà hát Garrick ở Detroit, Michigan ngày 24/10/1926, ông sốt 40 độ C nhưng vẫn lên sân khấu. Ông ngất trong chương trình nhưng sau đó tỉnh lại và tiếp tục trình diễn. Đó là lần biểu diễn cuối cùng trước khi Houdini qua đời ở bệnh viện Grace tại Detroit.
Không rõ liệu sự cố phòng thay đồ có phải là nguyên nhân chính gây ra cái chết của Houdini hay không, vì mối liên quan giữa chấn thương và viêm ruột thừa là không chắc chắn. Có giả thuyết cho rằng những cú dấm đã khiến Houdini tưởng rằng ông bị đau bụng do chấn thương thay vì đau ruột thừa nên chủ quan, không chịu đến bệnh viện.
Whitehead không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng sau khi nghe lời kể từ nhân chứng, công ty bảo hiểm của Houdini kết luận cái chết của ông là do sự cố trong phòng thay đồ.
Các tiết mục của Houdini đã truyền cảm hứng cho nhiều ảo thuật gia sau này. Tuy nhiên, Lahiri đã chịu kết cục bi thảm khi học theo ông. Cảnh sát cho biết Lahiri phạm nhiều sai lầm như không giải thích rõ toàn bộ kế hoạch cho nhóm trợ lý, mặc quần áo quá cồng kềnh, khiến việc bơi trong dòng nước mạnh trở nên vô cùng khó khăn.
Trước khi thực hiện màn biểu diễn "tử thần", Lahiri đã thừa nhận rằng tiết mục này rất khó. "Nếu tôi có thể thoát ra được, đó là phép thuật, nhưng nếu tôi không thể, đó sẽ là thảm kịch", ông nói với đám đông.