Lãnh đạo Masan: Chúng ta đang đi đúng hướng!

Giữ vững vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng tiêu dùng luôn là mục tiêu của Masan.
Giữ vững vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng tiêu dùng luôn là mục tiêu của Masan.
TP - Khủng hoảng sâu rộng chưa từng có trong ngành chăn nuôi heo đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của Masan thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang lạc quan bởi thời kỳ khó khăn đã qua đi và nhiều yếu tố thuận lợi bắt đầu hé mở. 

Ngày 31/10, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN, “Masan” và “Công ty”),  công bố kết quả kinh doanh  9 tháng đầu năm 2017.  

Kỳ vọng thị trường thịt heo hồi phục

Theo BCTC của Masan, doanh thu thuần hợp nhất trong 9 tháng đầu năm giảm 8,9% còn 27.451 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số giảm 34,4% còn 1.213 tỷ đồng. Mức giảm này đến từ chiến lược giảm hàng tồn kho trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống và các khoản đầu tư một lần nhằm hợp nhất thị trường nguồn dinh dưỡng từ thịt trong bối cảnh khủng hoảng giá heo. Kết quả kinh doanh Quý 3/2017 cho thấy các chỉ số cơ bản đang cải thiện. Lợi nhuận của Quý 3/2017 giảm 6,8% so với cùng kỳ (so với mức giảm 56,0% trong sáu tháng đầu năm 2017).

Cùng đó, Masan Nutri-Science (“MNS”) tiếp tục làm giảm kết quả kinh doanh hợp nhất của Masan trong bối cảnh giá heo hơi giảm mạnh trong thời gian dài. Tuy nhiên, MNS đã gia tăng thị phần đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2017 với thị phần của thức ăn cho heo tăng từ khoảng 30% lên khoảng 39%. Ban Giám đốc đang đặt mục tiêu đạt khoảng 50% thị phần vào cuối năm. Thị trường heo hơi được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong vòng 3-6 tháng tới nhằm đón đầu nhu cầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên Đán. Với thị phần lớn hơn và thị trường hồi phục sẽ giúp MNS đạt tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Phân tích, đánh giá và dự báo tài chính sơ bộ cho năm 2018, Masan cho biết doanh thu cho lĩnh vực thực phẩm - đồ uống ổn định trở lại với biên lợi nhuận tăng trong khi hàng tồn kho đã giảm. Do đó, biên EBITDA tăng gần gấp đôi từ 12,7% trong sáu tháng đầu năm 2017 lên 25,2% trong Quý 3/2017 do các khoản chi phí đầu tư một lần cho nỗ lực giảm hàng tồn kho đã giảm.

Trong cơ cấu nguồn thu của Masan, Techcombank tiếp tục có được tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào mảng bán lẻ và thu nhập từ phí. Quý III/2017, Techcombank ghi nhận 2.106 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế, tăng 65% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Techcombank đạt 4.840 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 3.890 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 70%. Techcombank cũng là ngân hàng thứ hai sau Vietcombank tự lấy lại nợ xấu đã bán cho VAMC về xử lý.

 Mua lại cổ phần nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cổ đông

Một ưu điểm nữa được nhắc tới đó là giá vonfram phục hồi dẫn đến mức doanh thu kỷ lục tại MSR. Giá vonfram tăng vọt từ 191 USD/mtu vào đầu năm lên mức cao nhất đạt 310 USD/mtu trong suốt quý 3 năm 2017. Ban Giám đốc tin rằng cầu sẽ tiếp tục vượt cung trong trung hạn, lợi nhuận thuần sẽ tăng mạnh từ Quý 4/2017 trở đi.

Triển vọng năm 2017 và 2018, Ban Giám đốc dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2017 sẽ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2016 do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận trong năm 2017 được kỳ vọng là sẽ tương đương với năm 2016 nhờ vào quản lý hoạt động kinh doanh tốt và thu nhập tài chính một lần từ việc Masan bán một số trái phiếu chuyển đổi của Techcombank (“TCB”). Ban Giám đốc ước tính tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho 2018 sẽ ở mức hai chữ số.

Quyết định mua lại 10% cổ phần phổ thông của Masan đến từ sự tin tưởng của Ban Giám đốc vào những nền tảng tăng trưởng và sự phục hồi của giá heo: Theo Ban Giám đốc, các nền tảng tăng trưởng, khả năng sinh lời trong dài hạn và vị thế dẫn đầu thị trường của Masan chưa được thể hiện đầy đủ. “Việc mua lại cổ phần được thực hiện trên kế hoạch phân bổ vốn một cách thận trọng và đảm bảo mang lại lợi nhuận cao cho các cổ đông. Bước đi này sẽ đem lại sự linh hoạt cho kế hoạch huy động vốn trong khi hạn chế tối đa việc pha loãng số lượng cổ phần của các cổ đông hiện hữu, điều này đã được chứng minh khi TCB mua lại cổ phần thời gian gần đây”, một lãnh đạo công ty chia sẻ.

Việc mua lại cổ phiếu MSN lần này được tài trợ từ lượng tiền mặt hiện có và tiền thu được từ việc bán một số trái phiếu chuyển đổi của TCB, giúp mua lại lượng lớn cổ phiếu MSN mà vẫn không làm ảnh hưởng đến chỉ số Nợ/EBITDA. Công ty đặt mục tiêu giảm xuống còn dưới 3x vào cuối năm 2018 so với 4x vào cuối năm 2017. Việc giảm nợ là một ưu tiên chiến lược để cải thiện biên lợi nhuận.     

“Chúng ta đang đi đúng hướng. Những quyết định quan trọng mà chúng tôi đã thực hiện trong nửa đầu năm 2017 khẳng định và tăng cường vị thế của các nền tảng hoạt động hiện có, cũng như giúp giữ vững vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng tiêu dùng.  Khủng hoảng sâu rộng chưa từng có trong ngành chăn nuôi heo rồi cũng sẽ chấm dứt, và giai đoạn phát triển mới đang bắt đầu”.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Masan Group

MỚI - NÓNG