Lạnh căm căm

TP - Xao động nhỏ đang dấy lên trong lòng nhiều người Đà Nẵng, khi hôm qua ông lão đẩy xe bán bánh xoài, bánh tiêu qua đời ở tuổi 91. Đó là những người cả tuổi thơ chạy theo chiếc xe đẩy của ông lão. Thương cảm, bâng khuâng, tiếc nuối. Một đời người vô danh nghèo khó ấy đã âm thầm trở thành một phần ký ức sâu nặng của nhiều thế hệ cư dân thành phố nhỏ này.

Những di sản mất đi, phần trống rỗng để lại sẽ còn lớn đến mức nào?

Ông lão bán bánh xoài, bánh tiêu mới mấy ngày trước còn lập cập đẩy xe đi trong mưa gió, rồi bị nhiễm lạnh, lặng lẽ ra đi. Ông lão suốt hơn 40 năm gánh nước giếng Bá Lễ nơi phố cổ Faifo mất cũng đã tròn năm rồi. Đến tận 90 tuổi còn đánh trần quần cộc gánh nước thuê giao cho các hàng quán. Giờ còn ai gánh nước Bá Lễ nữa? Nước giếng Chăm cổ xưa nơi hẻm nhỏ ấy chính là một thứ biểu tượng của ký ức. Mang phong vị và hình bóng tiền nhân xa xưa nay đã mất. Chấm phá, nêm nếm hương vị thời gian vào tô mỳ Quảng, cao lầu...

Lạnh căm căm. Cái lạnh toát ra từ nhiệt độ cả nước nhiều nơi đang xuống dưới 10 độ, ở những vùng núi cao đã có mưa tuyết. Lạnh từ những ngày cuối cùng của năm 2020 – năm của nhiều thứ thật “đáng quên”. Sau những tháng ngày dịch dã, bão dông, sau bao nỗi ngang trái, bề bộn của đời sống, làm xáo trộn mọi thói quen lẫn cảm xúc. Lạnh với bao nỗi lo toan đang sừng sững đợi phía trước.

Lạnh với thời khắc tuyệt vọng đến khó tin của không ít số phận trên đời này. Ớn lạnh khi đọc cái tin hồi tuần trước có người đàn ông ở Hà Nội ôm ba đứa con nhỏ định nhảy cầu Long Biên tự tử. Nhìn hình ảnh mấy đứa bé ngơ ngác ngồi bên nhau, bên cạnh người bố cúi gục đầu khi được các anh công an giải cứu đưa về, suốt nhiều ngày tôi ám ảnh. Không sao hình dung được bi kịch nào ghê gớm có thể dồn đuổi con người ta đến vậy.

Nỗi u minh đời sống nhiều khi bất lực không thể lý giải. Như những dòng tuyệt mệnh mà cô bé lớp 10 ở An Giang mới đây để lại cho thầy cô giáo trước khi uống thuốc tự tử trong nhà vệ sinh của trường. “Sau cái chết của em xin nhà trường đừng bao giờ tin vào những việc chưa rõ ràng và bạo lực tinh thần với các bạn khác...”. Việc gì chưa rõ ràng? Loài người còn khiếm khuyết điều gì từ bàn tay nhào nặn của tạo hóa, để có thể thực sự thấu hiểu nhau? Hay là mỗi người đã tự đánh mất tố chất đó trong hành trình đua vượt lên nhau, để lại khoảng trống rỗng như một thứ di sản thiêng liêng tan vào cát bụi không gì bù lấp nổi?

“Con người là tinh hoa của nhau” là tên cuốn sách, cũng là ý tưởng đầy chất khai minh của học giả Nguyễn Trần Bạt – người vừa qua đời trong một đêm lạnh Hà Nội cũng với cơn đột quỵ không lường trước. Chợt nghĩ, nếu tinh hoa con người (vốn được thừa hưởng từ di sản tiền nhân và tạo hóa) không thuộc về sẻ chia giữa con người với con người, thì mỗi một thứ “tinh hoa” rời rã, phân tán của mỗi cá thể, chỉ như sự xếp lớp giai tầng, khu biệt ứng xử trong xã hội, sẽ có ý nghĩa gì? Trước sự lạnh giá dần dần của cõi nhân gian này.

MỚI - NÓNG