Lạng Sơn: Tập trung khắc phục hậu quả sau lũ

Rác dồn ứ gây ô nhiễm môi trường ở cổng chợ Đông Kinh
Rác dồn ứ gây ô nhiễm môi trường ở cổng chợ Đông Kinh
TP - Sau ba ngày lũ hoành hành, người dân Lạng Sơn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mất mát. UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành liên tiếp 2 văn bản, đốc thúc các ngành chức năng trên địa bàn báo cáo nhanh tình hình thiệt hại và khẩn trương cứu trợ người dân, sớm ổn định cuộc sống.

Thêm nhiều người chết


Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, tính đến chiều 21/7, có thêm 2 người chết vì bão lũ ở huyện Hữu Lũng. Đó là ông Triệu Văn Bởi (SN 1987, trú tại xã Hòa Lạc) và cháu Hà Kiều Anh (18 tháng tuổi, trú tại xã Hoà Thắng). Ông Bởi thiệt mạng vì mải làm ngoài đồng bên bờ suối, nước dâng cao, không chạy kịp. Trường hợp cháu Kiều Anh, được bà bế ra suối chơi, không may trượt chân ngã, cháu văng khỏi tay, nước cuốn đi.

Chiều 21/7, người dân phát hiện một thi thể nam giới còn trẻ trong đống đổ nát ở một khu phố giữa TP Lạng Sơn. Danh tính người xấu số này sau đó được xác định là Phan Thanh Thiên Sơn (22 tuổi, trú tại phố Nhị Thanh, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn). 

Trước đó anh Sơn đi xem nước lũ ở khu vực phường Vĩnh Trại, sau đó mất tích. Cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Sơn.

Như vậy, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến nay đã có 6 người chết, mất tích.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Huyện vùng cao Tràng Định có địa hình lòng chảo, thấp; là điểm cuối cùng của sông Kỳ Cùng trước khi chảy ngược sang Trung Quốc. Cơn bão số 2 vừa qua, Tràng Định là địa phương chịu nhiều thiệt hại, với trên 2.300 hộ dân bị ngập, ảnh hưởng nhà cửa, phải đi sơ tán. 

Bên cạnh sông Kỳ Cùng, địa phương này còn có sông Văn Mịch, Bắc Khê cùng 7 con suối lớn nhỏ, đã nhấn chìm hàng ngàn ha hoa màu. Đến trưa 21/7, vẫn còn 2 xã bị chia cắt là Hùng Việt và Đề Thám.

Trực tiếp chỉ đạo tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Vy Văn Thành yêu cầu cấp ủy, chính quyền đoàn thể nỗ lực hơn nữa, giúp đỡ nhân dân, cương quyết không để người dân nào đói, rét. Đặc biệt, chú ý đến các hồ đập, hồ chứa trên địa bàn; sẵn sàng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và canh tác nông nghiệp cho bà con nông dân.

Tại TP Lạng Sơn, khi trời nắng ráo, nước rút, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân đồng loạt ra quân, tập trung nhân lực, dọn dẹp trụ sở, nhà cửa, kho tàng.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, sáng 21/7, hàng chục cơ quan tại khu vực Tỉnh ủy Lạng Sơn (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn) đã triệu tập cán bộ, nhân viên đến sớm để tiến hành công tác khắc phục hậu quả. 

Chị Phạm Thị Huyền, Chánh văn phòng Tỉnh Đoàn Lạng Sơn cho biết, gần 20 ĐVTN là cán bộ, nhân viên cơ quan đã chung tay dọn rác thải, bùn đất trong khu vực trụ sở Tỉnh Đoàn và đoạn đường “Thanh niên tự quản” trước cổng cơ quan.

Tuy nhiên, ở một số nơi, nước sạch bị cắt, chưa được khắc phục nên khó khăn trong công việc dọn dẹp. Một số cơ quan như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn đến 18 giờ chiều 21/7, nước vẫn chưa rút hẳn. Cơ quan đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ dùng xẻng, xe cải tiến múc nước, dọn đất đổ đi.

Tương tự, tại chợ Đông Kinh, Giếng Vuông ở trung tâm TP Lạng Sơn, rác thải tập trung nhiều tại cổng chợ, gây ô nhiễm môi trường. Các ngành chức năng tích cực huy động lực lượng sớm di chuyển số rác trên vào vị trí tập kết, tiêu hủy. Các hộ dân cũng tập trung vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. Đa số các gia đình bị ngập lụt đã trở lại nhà, ổn định cuộc sống.

Công an tỉnh Lạng Sơn huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ về địa bàn cơ sở giúp dân. Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lũ lụt, mất cảnh giác để trộm cắp, hôi của. Tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.