Lắng nghe ý kiến nhân dân để lựa chọn cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, cần thực hiện đúng các nguyên lý, nguyên tắc, phương pháp đánh giá cán bộ; đặc biệt phải mở rộng, phát huy dân chủ, lắng nghe các ý kiến góp ý, trong đó quan trọng là ý kiến của nhân dân để lựa chọn các cán bộ có tài, có đức một cách chính xác, hướng tới phục vụ sự nghiệp chung, phục vụ nhân dân.
Lắng nghe ý kiến nhân dân để lựa chọn cán bộ ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư khoá XIV phải thật sự là những cán bộ tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. ẢNH: TTXVN

Thưa ông, mới đây, trong bài phát biểu tại phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến vấn đề, cán bộ cấp chiến lược “phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đảng ta luôn luôn định hướng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, vừa hồng vừa chuyên, vừa có tâm vừa có tầm. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, yếu tố đức phải là đầu tiên: Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Trong tài và đức thì đức phải là yếu tố đầu tiên, làm người phải có đức. Thực tế, trong thời gian vừa qua, có không ít cán bộ của chúng ta có tài năng, nhưng thiếu sự rèn luyện, bị suy thoái về đạo đức nên mất hết tất cả, không những ảnh hưởng đến sự nghiệp cá nhân mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu về người cán bộ phải vừa có tài, vừa có đức, trong đó đức phải là trụ cột, là cốt lõi, là số 1; bên cạnh đó phải có tài năng. Từ trước đến nay chúng ta cũng đều có quan điểm như vậy về công tác cán bộ. Trong quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ đều chú ý đến quan điểm này. Tuy nhiên, vừa qua, một số cán bộ bị sa vào con đường tiêu cực, đó là điều rất đáng tiếc. Vì thế, càng cần phải nhấn mạnh yếu tố đạo đức, tăng cường bồi dưỡng về đạo đức, tài năng, năng lực của cán bộ. Nếu cán bộ không có đạo đức, sa vào tiêu cực, tham nhũng, thoái hoá, biến chất thì rất nguy hiểm cho Đảng, cho xã hội.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc lựa chọn cán bộ có tài, có đức đòi hỏi người làm công tác cán bộ “phải có con mắt tinh đời”. Việc này không hề đơn giản, thưa ông?

Người làm công tác tổ chức cán bộ phải luôn luôn có biện pháp theo dõi, đánh giá, phân loại cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ rồi, đạo đức cán bộ là phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Người cán bộ phải vì cái chung, vì lợi ích chung chứ không phải vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Điều này thể hiện rất rõ trong quá trình làm việc. Cán bộ hăng hái, trách nhiệm, phát huy năng lực vì lợi ích chung sẽ khác với vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Nếu sa vào lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì sớm muộn anh sẽ bị tha hóa. Đánh giá cán bộ cần xem xét các biểu hiện đó, đánh giá hiệu quả công việc, nhưng cũng cần tính đến động cơ vì cái chung hay vì lợi ích riêng.

Trong vấn đề đánh giá cán bộ, phải phát huy dân chủ, lắng nghe các ý kiến của cơ quan, đơn vị, nhân dân nơi cán bộ công tác. Cần mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến đa chiều, ý kiến của nhân dân để lựa chọn cán bộ. Nếu cán bộ hết mình phục vụ cho sự nghiệp chung, phục vụ nhân dân, được nhân dân đánh giá tốt thì là sự lựa chọn chính xác. Cán bộ làm công tác tổ chức nhân sự cũng cần phải có cái tâm trong sáng, vì việc chung, vì công việc mà bố trí người, chứ không phải vì người mà xét duyệt công việc…

Lắng nghe ý kiến nhân dân để lựa chọn cán bộ ảnh 2
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Trách nhiệm của người đứng đầu

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói, các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi giới thiệu về nhân sự quy hoạch. Việc này có ý nghĩa như thế nào trong công tác cán bộ, theo ông?

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về tất cả các công việc chung của cơ quan, đơn vị mình phụ trách, trong đó có công tác cán bộ. Công tác tổ chức cán bộ rất quan trọng. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm cán bộ. Nếu anh không thực hiện tốt công tác này, cán bộ do anh giới thiệu có vấn đề gì thì anh phải chịu trách nhiệm. Thực tế vừa qua, có nhiều trường hợp cán bộ trong ngành, lĩnh vực có sai phạm, người đứng đầu ngành đó, lĩnh vực đó chịu trách nhiệm người đứng đầu, xin thôi không làm nhiệm vụ nữa.

Tôi nghĩ rằng, cần tiếp tục gắn trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu liên quan công tác đề bạt, giới thiệu nhân sự cấp uỷ các cấp. Người có quyền hạn phải gắn liền với trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm cho đúng. Quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Chúng ta hay nói đến văn hoá từ chức. Thực tế vừa qua đã có những trường hợp cán bộ cấp dưới của anh làm sai, có vi phạm thì anh cũng có trách nhiệm liên quan, đã xin thôi không làm nhiệm vụ nữa.

“Vừa qua, một số cán bộ bị sa vào con đường tiêu cực, đó là điều rất đáng tiếc. Vì thế, càng cần phải nhấn mạnh yếu tố đạo đức, tăng cường bồi dưỡng về đạo đức, tài năng, năng lực của cán bộ. Nếu cán bộ không có đạo đức, sa vào tiêu cực, tham nhũng, thoái hóa, biến chất thì rất nguy hiểm cho Đảng, cho xã hội”.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Theo Tổng Bí thư, nếu để lọt những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan lãnh đạo sẽ là tai họa cho Đảng, tạo điều kiện cho họ gây hại cho dân, cho nước nhiều hơn. Vậy, làm thế nào để không lọt những cán bộ không xứng đáng vào cấp ủy các cấp?

Cán bộ vào ban chấp hành cấp uỷ các cấp phải là những cán bộ tinh hoa, phải vừa có đức, vừa có tài. Đội ngũ cán bộ vào Ban chấp hành T.Ư - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng - liên quan đến sự phát triển của đất nước, vận mệnh của Đảng, của dân tộc thì càng phải là những người tinh hoa nhất, có năng lực, trình độ cao nhất.

Chúng ta đã thực hiện công tác quy hoạch cán bộ qua rất nhiều bước, nhiều khâu, liên tục mở các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn, cán bộ cấp chiến lược. Quá trình này luôn luôn có việc sàng lọc cán bộ, nhưng thực tế hiện nay vẫn có những cán bộ ở trong cơ quan lãnh đạo dính sai phạm phải xử lý. Cũng có thể lý giải, trước đây người ta tốt, nhưng khi ở vị trí nhất định nào đó, họ bị tha hoá bởi quyền lực. Cũng có những trường hợp có thể có sai phạm từ trước nhưng vẫn lọt vào các cơ quan này mà sau này mới phát hiện ra.

Vấn đề như tôi nói ở trên, trong công tác tổ chức cán bộ cần có các biện pháp theo dõi, đánh giá từ sớm, để phát hiện kịp thời các trường hợp có vấn đề. Cần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của người dân, lắng nghe ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác. Người làm công tác cán bộ cũng phải có tâm, làm vì việc chung, vì công việc mà chọn người chứ không phải vì người mà xem xét công việc. Khi cán bộ có vấn đề, có vết gợn thì phải xem xét một cách thấu đáo, có bằng chứng cụ thể…

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG