Phải đánh giá chính xác để lựa chọn đúng cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai, để đổi mới phương thức lãnh đạo, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh. Công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; đồng thời phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực...

Chiều 17/6, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Tổ chức T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị- những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Phải đánh giá chính xác để lựa chọn đúng cán bộ ảnh 1

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: PV

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng cho biết, việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới là một nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế.

Đòi hỏi này hoàn toàn phù hợp với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới.

Tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, xác định là một trong những yếu tố hàng đầu, quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, là chìa khóa cho sự ổn định và phát triển.

Theo bà Tuyến, từ thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X), Đảng bộ Hà Nội rút ra 4 bài học kinh nghiệm, đề xuất 5 vấn đề trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Bà Tuyến nêu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, tránh khuynh hướng cấp ủy buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp, coi đây là khâu quan trọng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể; thực hiện tốt nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan, một trong những nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo quan trọng nhất là ban hành nghị quyết. Cách đây 20 năm Vĩnh Phúc còn là tỉnh nghèo, khi đó, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế lấy công nghiệp làm trọng tâm và nền tảng để phát triển. Nhờ đó, sau hơn 10 năm thực hiện, tỉnh đã tự cân đối ngân sách và có phần đóng góp cho trung ương. Kinh nghiệm của tỉnh là khi ban hành nghị quyết phải lựa chọn những vấn đề khó, vấn đề mới; mọi chủ trương, chính sách phải xác định rõ “dân là gốc”, người dân phải được thụ hưởng thành quả.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư khẳng định, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ con người cán bộ; muốn vậy phải đánh giá chính xác, lựa chọn đúng cán bộ; phải quan tâm xây dựng cơ chế, môi trường để cán bộ yên tâm cống hiến, hết lòng hết sức vì nhiệm vụ.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng đề nghị phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; trong đó, đối với các chức danh không gắn với cấp ủy nên tổ chức thi tuyển hoặc mở rộng quy hoạch.

Kết luận hội thảo, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho rằng, qua các tham luận tại hội thảo, Ban Chỉ đạo Đề án T.Ư 6 đã rút ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với T.Ư.

Cụ thể, đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong quá trình đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó.

Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; phát huy vai trò của người đứng đầu cũng như tính tới việc cho phép người đứng đầu có thêm một số thẩm quyền.

Để đổi mới phương thức lãnh đạo, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh. Công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; đồng thời phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực...

Một vấn đề nữa, đổi mới phương thức lãnh đạo cần phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng loại hình tổ chức Đảng trong MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, đơn vị kinh tế...

Theo bà Mai, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải hiện diện trong chỉ đạo hằng ngày của từng tổ chức Đảng, từng cấp ủy; cụ thể hóa bằng phong cách làm việc, lề lối làm việc ngày càng hiện đại...

Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Ban Chỉ đạo Đề án T.Ư 6 sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả trình Ban Chấp hành T.Ư xem xét, cho ý kiến.

MỚI - NÓNG