Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang)

TPO - Dựa vào lợi thế nguồn lâm sản dồi dào, sẵn có của địa phương, nhiều hộ gia đình tại thôn Đồng Cướm (xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) đã mở xưởng chế biến gỗ, sản xuất ván bóc với quy mô lớn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. 
Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 1

Dưới cái nắng hè gay gắt, những người công nhân làm việc trong các công xưởng ván bóc vẫn miệt mài làm việc. Kể từ khi các xưởng sản xuất ván bóc ra đời, chất lượng đời sống của người dân Đồng Cướm được nâng cao. Người trồng rừng có đầu ra cho sản phẩm, người dân có công ăn việc làm ổn định, có nguồn thu để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 2

Bà Triệu Thị Loan (67 tuổi) cho biết bà đã gắn bó với công việc phơi và xếp ván bóc được 7 năm nay. Công việc hàng ngày của bà là đem những tấm ván mới bóc ra để phơi, khi khô thì xếp thành từng tệp khoảng 20 tờ và bó lại cất vào kho. Với công việc như vậy, mỗi tháng bà Loan được trả khoảng 3 triệu đồng.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 3

Chia sẻ về công việc, bà Loan cho hay công việc có vậy nhưng rất vất vả, nhất là vào những hôm trời nắng nóng. Tuy nhiên, những người như bà Loan chỉ làm bán thời gian nên linh hoạt, bao giờ có việc thì ra làm và công tính theo sản phẩm. Bà Loan cho biết những hôm vào mùa, bà có thể nghỉ làm để cày cấy hoặc gặt lúa, lúc nào xong việc nhà việc đồng thì lại đến để làm việc. Hoặc cũng có những hôm nắng quá, 15h bà mới bắt đầu đi đến xưởng để bắt đầu công việc.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 4

Lương của những người lao động bán thời gian được khoán theo sản phẩm, cứ hoàn thành một bó khoảng 20 tờ ván mỏng sẽ được trả công từ 4.000-5.000 đồng.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 5

Anh Triệu Đinh Thìn - chủ xưởng ván bóc - cho biết anh đã gắn bó với nghề làm lâm sản 15 năm nay, nhưng chỉ mới đầu tư máy móc sản xuất ván bóc được khoảng 6 năm.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 6

Với chi phí đầu tư ban đầu gần 700 triệu đồng, anh đã đầu tư mua máy cắt gỗ, máy bóc ván và máy cắt ván tự động, thuê đất và dựng xưởng. Diện tích xưởng của anh Thìn rộng đến 10.000 m2 trong đó một phần để xây dựng xưởng và một phần để nguyên vật liệu cũng như phơi ván sau khi bóc.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 7Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 8Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 9

Gỗ sản xuất tại xưởng có khoảng một nửa là anh Thìn mua đồi rồi cho người cắt, còn lại là mua từ người dân địa phương. Để sản xuất ván ép thường dùng đến 2 loại gỗ là gỗ keo và gỗ mỡ. Trong 100 khối thì có khoảng 70 khối gỗ keo và 30 khối gỗ cây mỡ. Gỗ mỡ là loại gỗ không để được lâu nên nếu có nhập về xưởng thì xưởng sẽ tập trung làm xong gỗ mỡ trước rồi mới làm đến gỗ keo.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 10

Ván bóc sau khi hoàn thiện sẽ được bó thành từng bó rồi cất vào kho đợi người đến lấy. Hơn 70% số lượng ván làm ra được các công ty thương mại đến lấy. Kể về những ngày đầu khởi nghiệp với nghề ván bóc, anh Thìn cho biết khó khăn nhất vẫn là đi tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng làm dần nên thương hiệu cũng dần ổn định hơn và được nhiều người biết đến. Người nào mua lần đầu đến tận xưởng để xem sản phẩm, những người mua quen 1-2 lần rồi thì chỉ cần trao đổi qua điện thoại.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 11

Những sản phẩm loại sau khi bóc như đầu mẩu, lõi nhỏ xưởng sẽ cho đi băm để bán gỗ dăm. Mọi phế phẩm của gỗ đều có thể tận dụng được hết nên việc xử lý rác thải của xưởng cũng không quá khó khăn. Việc bán gỗ dăm cũng đem lại cho xưởng một nguồn thu không nhỏ. Ván thường có 2 loại. Ván loại 1 giá thường rơi vào khoảng 2,6-2,7 triệu đồng/khối (một khối có khoảng 720 tờ), ván loại 2 còn được gọi là ván BC có giá dao động từ 1,5-1,7 triệu đồng/khối tùy từng thời điểm. Mỗi tháng xưởng xuất khối đi khoảng 50-70 khối.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 12Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 13

Hiện tại công xưởng của anh Thìn có khoảng 40 công nhân chủ yếu là người dân trong thôn, trong đó có khoảng 20 người làm việc thường xuyên tại xưởng, còn lại là công nhân làm thời vụ. Sản phẩm sản xuất ra chỉ bán chạy trong khoảng 4 tháng/năm nhưng xưởng vẫn phải duy trì việc làm đều đặn để giữ công nhân. "Làm ván rất khó, cần kỹ thuật cao. Người chỉnh máy phải đặt đúng ly như thế nào cho chuẩn thì mới chạy được. Chỉ cần đặt sai một ly là hỏng hết sản phẩm. Dày một tí cũng không được, mỏng một tí cũng không được. Độ dày tiêu chuẩn tại xưởng chỉ có 2 loại là loại ly 6 và ly 9".

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 14

Nhờ đầu tư máy móc hiện đại, mỗi năm xưởng của anh Thìn thu về khoảng vài trăm triệu đồng: "Nói vài trăm triệu đồng thì nhiều nhưng cũng chỉ đủ để bù cho lúc nọ lúc kia. Chứ nếu làm dễ quá thì ai cũng làm được hết", anh Thìn bộc bạch.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 15

Anh Thìn cho biết nghề làm ván bóc 2 năm trở lại đây khó khăn. Trước kia trong thôn Đồng Cướm có khoảng 15 xưởng sản xuất ván ép nhưng 2 năm vừa qua đã có đến 4 xưởng đóng cửa, bán máy vì thua lỗ.

Làng nghề làm ván bóc Đồng Cướm (Tuyên Quang) ảnh 16

"Hiện tại những xưởng ván bóc trên địa bàn thôn Đồng Cướm đều có quy mô hộ gia đình. Đầu ra cho sản phẩm những năm gần đây còn bấp bênh, chủng loại, giá cả đều phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của bên mua, bên cạnh đó sức ép của thị trường tiêu thụ cũng lớn. Như vậy rất khó khăn cho việc duy trì nghề của người dân", anh Thìn chia sẻ.