“Từ ngày cây cầu cũ bị đứt dây cáp, sàn cầu mục nát không còn đảm bảo an toàn cho người qua lại nên chính quyền đã treo bảng cấm đi lại. Do không có cầu nên việc vận chuyển lu đi bán rất khó khăn. Tụi tui phải chuyển lu xuống ghe nhỏ để đưa ra ngoài bán, công lao bỏ ra gấp 3 lần mà công việc thì chậm hơn, lời lãi chẳng có bao nhiêu, bà con cơ cực lắm, nhiều người tính bỏ nghề…”. Đây là tâm sự của ông Nguyễn Văn Hòa, 56 tuổi, ở ấp Quý An Hòa, xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Xã Hòa Lợi được biết đến là một làng nghề sản xuất lu truyền thống, cha truyền con nối. Làng nghề ngày càng phát triển, những chiếc lu để trữ nước giếng, nước mưa nhằm phục vụ sinh hoạt trong gia đình đã có mặt ở hầu khắp các địa phương ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất hiện nay của bà con là việc vận chuyển lu đi bán rất khó khăn do cây cầu duy nhất trong xã đã bị xuống cấp nghiêm trọng, sàn cầu đã bị mục nát, dây cáp bị đứt nhiều lần, thân cầu bị rung lắc, không thể vận chuyển đồ nặng trên cây cầu này được.
Hiện nay, bà con phải bỏ công vận chuyển lu xuống ghe để mang đi bán. Không những thế, cây cầu còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp khi nông sản trong vùng sản xuất ra rất khó tiêu thụ, do việc vận chuyển khó khăn, thương lái vào mua ép giá.
Đặc biệt, cây cầu còn là nỗi ám ảnh tính mạng của hơn 11.000 người dân trong xã. “Mấy đứa trẻ ở đây đi học là phải có người lớn đưa qua cầu vì cây cầu rung lắc, sàn bị mục rồi, không cẩn thận là rớt xuống cầu ngay. Mới đây, đứa cháu trai 3 tuổi của tôi đi qua cầu bị rớt, may mà rớt trúng sợi dây nên còn đu đeo trên cầu, chỉ bị gãy tay thôi chứ rớt xuống nước chắc chết rồi”, ông Trần Văn Hoàng (48 tuổi) ở ấp Quý An Hòa chia sẻ với chúng tôi trong lo âu.
Cùng hiện trạng “sống chung với lũ” như trên là nhân dân xã An Nhơn. Hơn 8.000 hộ dân rải khắp tuyến của xã cũng mong mỏi một cây cầu để đi lại. Việc sinh hoạt, sản xuất đều trông chờ vào ghe, thuyền để qua sông; kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Tương lai của địa phương cũng ảnh hưởng khi trẻ nhỏ đi học phải dùng đò hoặc được bố mẹ đưa bằng xe máy theo đường vòng xa hàng chục km. Dù biết cây cầu là rất bức thiết với người dân nhưng chính quyền xã cũng đành chịu vì ngân sách khó khăn.
Những khó khăn của người dân Hoà Lợi và An Nhơn được hoá giải thông quan chương trình “Nhịp cầu ước mơ” được tổ chức vào ngày 6/3/2016 vừa qua. Thông qua những trò chơi của chương trình, một trong hai xã có thể sở hữu cây cầu thép dây văng trị giá khoảng 700 triệu đồng do nhãn hàng Nước tăng lực Number 1 tài trợ. Xã thua cuộc sẽ nhận được phần thưởng 50 triệu đồng nộp về Quỹ Hỗ trợ người nghèo của xã. Hiện cuộc thi đã kết thúc với phần thi sôi động, đầy quyết tâm vươn lên và thắm tình đoàn kết ở huyện Thanh Phú. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn giữ bí mật để tạo sự hấp dẫn trong lễ công bố chính thức trong buổi phát sóng về cuộc thi trong những ngày sắp tới.
Box: Bằng sự đồng cảm và trăn trở về cách thức giúp người dân thoát nghèo bền vững theo phương châm “trao cần câu hơn xâu cá”, Tập đoàn Number 1 đã triển khai chương trình “Nhịp cầu ước mơ” xây dựng cầu dây văng cho các xã nghèo ở vùng sâu vùng xa từ cuối năm 2015.
Với việc triển khai mỗi tháng xây dựng một cây cầu, đến thời điểm hiện tại Tập đoàn Number 1 đã triển khai xây dựng được 6 cây cầu thép dây văng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long. Các cây cầu ở Tiền Giang, An Giang và Cần Thơ đã được khánh thành trước tết Nguyên đán 2016, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con.