'Làng khoa bảng' Quỳnh Đôi nguy cơ biến mất: Xã lý giải chọn tên mới Quỳnh An

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lý giải việc chọn tên mới để đặt cho 2 xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi sau sáp nhập, lãnh đạo địa phương cho hay, tên Quỳnh An có ý nghĩa hài hòa, bình an và vừa có tên của tỉnh, vừa có tên của huyện ghép vào.

Ngày 24/4, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, hiện huyện này đã có báo cáo nhanh lên tỉnh về việc dự kiến đặt tên mới cho 2 xã Quỳnh ĐôiQuỳnh Hậu sau sáp nhập.

'Làng khoa bảng' Quỳnh Đôi nguy cơ biến mất: Xã lý giải chọn tên mới Quỳnh An ảnh 1

Cổng làng xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm, hiện địa phương này đang tiếp tục tuyên truyền vận động theo hướng giữ nguyên tên Quỳnh Đôi sau sáp nhập 2 xã. Trong trường hợp không được, huyện sẽ báo cáo lên tỉnh xin ý kiến và có các phương án dự phòng, trong đó có phương án lấy tên Quỳnh An để đặt tên mới cho 2 xã sau sáp nhập.

“Tên Quỳnh An do 2 xã thống nhất và lựa chọn nhưng chưa quyết định. Ngày 3-5/5 tới đây sẽ lấy ý kiến cử tri nhân dân trên địa bàn toàn huyện về việc đặt tên các xã sau sáp nhập”, ông Nguyễn Xuân Dinh nói.

Ông Trần Đức Hữu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu cho biết, sau khi tỉnh Nghệ An yêu cầu làm lại quy trình chọn tên, Ban thường vụ 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu đã làm việc với tổ công tác, Ban Chỉ đạo của huyện để họp bàn.

'Làng khoa bảng' Quỳnh Đôi nguy cơ biến mất: Xã lý giải chọn tên mới Quỳnh An ảnh 2

Xã Quỳnh Đôi là quê hương Bà chúa thơ Nôm - nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Việc chọn tên mới cho xã được dựa trên 3 phương án gồm: Thứ nhất ưu tiên lấy 1 trong 2 tên gọi cũ của xã trước khi sáp nhập. Tuy nhiên, phương án này không thực hiện được vì nếu lấy tên Quỳnh Đôi thì xã Quỳnh Hậu không đồng tình, còn lấy tên Quỳnh Hậu thì xã Quỳnh Đôi không đồng ý.

Thứ 2, việc chọn tên dựa trên tên gọi cũ của 2 xã trước đây. Tuy nhiên, từ trước đến nay 2 xã chưa sáp nhập, không có tên gọi chung nên phương án này không thực hiện được.

Thứ 3, đặt tên xã mới với tiêu chí phải có chữ Quỳnh trong tên của huyện Quỳnh Lưu. Tại buổi họp, Ban thường vụ 2 xã và tổ công tác đưa ra 3 tên gồm: Quỳnh Phú, Quỳnh An và Quỳnh Hương. Đối với tên Quỳnh Phú được lý giải là sự giàu có, trù phú với mong muốn sau khi sáp nhập 2 xã cùng phát triển, giàu mạnh. Tên Quỳnh Hương là hương hoa, hương thơm với ý nghĩa tươi đẹp.

Còn tên Quỳnh An được lý giải là an nhiên, an vui, bình an với mong muốn nhân dân 2 xã đoàn kết, xây dựng quê hương bình yên và phát triển. Tên Quỳnh An đồng thời có ý nghĩa là có chữ Quỳnh của huyện Quỳnh Lưu và chữ An của tỉnh Nghệ An ghép lại với nhau. Việc ghép tên tỉnh và tên huyện với mong muốn 2 xã ngày càng lớn mạnh, phát triển, giàu có, tươi đẹp hơn.

Sau khi bàn bạc, Ban thường vụ 2 xã đã thống nhất phương án nếu đặt tên mới sẽ chọn tên Quỳnh An để đặt.

“Tên Quỳnh An đẹp và có ý nghĩa, hài hòa với 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu. Dù chưa lấy ý kiến nhưng qua tham khảo thì nhân dân xã Quỳnh Hậu đồng tình rất cao với tên gọi này. Cái tên vừa có cả chữ của tên tỉnh và tên huyện, vừa ngắn gọn, ý nghĩa, súc tích”, Chủ tịch xã Quỳnh Hậu nói và cho biết, trước đó từng có ý kiến ghép cả 2 tên xã Quỳnh Hậu Quỳnh Đôi để đặt cho tên xã mới. Tuy nhiên việc ghép tên sợ vướng mắc vì tên quá dài, sẽ ảnh hưởng đến làm thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân sau này.

'Làng khoa bảng' Quỳnh Đôi nguy cơ biến mất: Xã lý giải chọn tên mới Quỳnh An ảnh 3

Hiện quy trình đặt tên mới cho 2 xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu sau sáp nhập đang được thực hiện.

Được biết, xã Quỳnh Đôi có quy mô dân số khoảng 6000 người. Xã này được biết đến là một xã có khoa bảng nhiều nhất nước với nhiều người đỗ đạt thành danh, có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng. Tiêu biểu trong đó là Hoàng giáp Thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm.

Còn xã Quỳnh Hậu có quy mô dân số khoảng 9.000 người. Năm 2023, thu nhập bình quân của xã Quỳnh Hậu đạt 70 triệu đồng/1 người/năm, đứng top đầu của huyện. Về giáo dục đứng thứ 2 của huyện Quỳnh Lưu.

MỚI - NÓNG