Làng cổ Đường Lâm, bao giờ hết khổ?

Bên trong một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm. Ảnh: Cao Lâm.
Bên trong một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm. Ảnh: Cao Lâm.
TP - Sau hàng chục năm được công nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, nhiều người dân hồ hởi hy vọng về một sự đổi đời, khởi sắc của du lịch. Thế nhưng đến nay mới có 17 trên tổng số 956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa và vô số những bất cập xung quanh câu chuyện trùng tu làng cổ Đường Lâm.

17 trên tổng số 956 ngôi nhà được trùng tu

Mới đây, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã tổ chức cuộc họp để thông báo tiến độ tu bổ nhà cổ. Bà Bùi Thị Thành (người dân thôn Cam Lâm) cho biết, ngôi nhà cổ nơi gia đình bà sinh sống đang bị xuống cấp. Cửa, cột đa phần đã bị mọt, tường đất đầy vết rạn, mái ngói nứt vỡ… Dù nhiều lần xin hỗ trợ kinh phí tu bổ theo diện nhà cổ nhưng chưa được xét đến. Nhiều hộ ở Đường Lâm cũng đang có nhu cầu sửa chữa, cải thiện điều kiện sống.

Bên cạnh những hộ dân xin có cơ chế sửa chữa, cũng có những gia đình từ chối hỗ trợ tu sửa nhà. Ông Trương Văn Bản (thôn Cam Thịnh) cho hay, đơn vị thi công tu bổ rất tùy tiện, cột hỏng đến đâu chắp vá đến đó. “Đơn giản như hàng cột có tuổi đời hàng trăm năm mới có dấu hiệu hỏng, thì gỗ thay thế mới được vài năm đã cong vênh, mối mọt. Mái nhà cũng vậy, mới được vài năm đã có hiện tượng trồi sụt ngói gây dột”, ông Bản bức xúc.

Năm 2006, khi Đường Lâm nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, nhiều người dân hồ hởi hy vọng về một sự đổi đời, khởi sắc của du lịch. Hơn cả, đó là đời sống người dân được cải thiện. Thế nhưng 12 năm trôi qua, đến nay chỉ có 17 trên tổng số 956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa. Đỉnh điểm, năm 2013, hàng chục hộ dân Đường lâm đã làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích. Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội khi đó đã xuống tận nơi để lắng nghe ý kiến của người dân, cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ cơ chế tu sửa nhà cổ. Thế nhưng sau 5 năm, cuộc sống của người dân làng cổ hầu như không có gì thay đổi.

Chỉ 10% số hộ có thu nhập từ du lịch

Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn cho biết, yêu cầu đặt ra là bảo tồn nguyên trạng, nhưng nhiều vật liệu cổ giờ không còn nữa. Đời sống thay đổi, nhu cầu cũng đổi thay nhưng sự bất tiện về sinh hoạt tại nhà cổ chưa thể hóa giải. Với những gia đình muốn tự sửa chữa, Ban Quản lý chỉ còn cách tích cực vận động, đồng thời giám sát quá trình thi công nhằm tránh sai sót làm mất đi giá trị di sản. Tuy nhiên, đó là việc khó, bởi nhà cổ thuộc sở hữu cá nhân và người dân vẫn đang sống trong đó.

Theo ông Sơn, để quản lý trật tự xây dựng, Ban Quản lý đã triển khai dự án mô hình 20 mẫu nhà truyền thống, hỗ trợ kinh phí thiết kế nhằm bảo đảm sự hài hòa về kiến trúc, cảnh quan. Tuy nhiên, số hộ gia đình theo nhà mẫu chưa nhiều, khiến kiến trúc vẫn còn chưa đồng đều. “Chi phí xây dựng theo mẫu cũng khá cao, nếu nhà nước hỗ trợ 1 phần thì dự án sẽ đạt hiệu quả hơn”, ông Sơn nói.

Vấn đề mấu chốt cũng được đặt ra đó là sau hơn 10 năm được công nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, trung bình mỗi năm làng cổ Đường Lâm đón hơn 17 vạn khách, nhưng mới chỉ có 10% số hộ có thu nhập từ du lịch. Điều này do hệ thống sản phẩm, dịch vụ chưa hiệu quả khiến du lịch còn nghèo nàn, kém hấp dẫn…

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản về việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm. Việc điều chỉnh được triển khai theo hướng thu hẹp diện tích bảo vệ, khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh. Điều này sẽ giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được thực hiện tập trung, hiệu quả hơn.

Về thời gian triển khai việc khoanh vùng, lãnh đạo Sở cho rằng việc này phụ thuộc vào Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. Đại diện Thị xã Sơn Tây cho biết thêm, việc khoanh vùng đang được thực hiện tích cực, sau đó sẽ sớm gửi danh sách cho UBND thành phố và các sở ngành liên quan để thẩm định.

MỚI - NÓNG