Hội thảo có sự tham gia của hơn 1.000 người, từ các siêu đầu bếp uy tín, nổi tiếng trên thế giới cùng đội ngũ chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học.
TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang cho rằng, bánh mì là nét văn hóa ẩm thực hết sức đặc trưng với mỗi cá nhân Việt Nam và cũng là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt lẫn du khách quốc tế. Đối với du khách, đến Việt Nam và thưởng thức bánh mì là sự cảm nhận một cách rõ nét văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Còn người Việt khi đi đâu xa cũng sẽ luôn nhớ về ẩm thực Việt Nam, trong đó có món bánh mì...
“Vua bánh mì” Kao Siêu Lực cho rằng, công thức làm bánh cần được lan truyền, chia sẻ rộng rãi. Ngay cả đối với món bánh mì thanh long độc nhất vô nhị, ông cũng chia sẻ công thức lên mạng để có thêm nhiều người cùng tham gia giải cứu nông sản, giúp đỡ người nông dân. Đồng thời, lan tỏa văn hóa bánh mì và hình thành nên món ăn độc đáo của người Việt.
Ông Gunther Koerffer, Chủ tịch Liên đoàn bánh mì và bánh ngọt thế giới cho biết, chúng ta có thể thấy rằng bánh mì Việt Nam có mặt trên nhiều nơi như Anh, Đan Mạch, Thụy Sĩ... chứng tỏ bánh mì được yêu thích ở nhiều nơi.
Chia sẻ lý do bán bánh mì và cà phê tại cửa hàng ở Tokyo, thông qua truyền hình trực tiếp, ông Matsuo Tomoyuki, Giám đốc điều hành Tập đoàn Văn hóa thực phẩm Nhật Bản, Chủ tịch Hội Văn hóa ẩm thực Việt - Nhật cho biết, ông muốn khách hàng Nhật của mình không chỉ tận hưởng món ăn mà còn tận hưởng văn hóa ẩm thực Việt Nam, chất liệu văn hóa Việt Nam. Việc thưởng thức bánh mì với cà phê một mình hay ngồi với những người bạn là một điều tuyệt vời và phổ biến ở Việt Nam. Sự kết hợp nhiều hương vị đa dạng trong ổ bánh mì là một điều không thể bỏ qua...