Làn sóng hủy niêm yết

Làn sóng hủy niêm yết
TP - Thị trường chứng khoán (TTCK) luôn được xem là kênh “dẫn” vốn tốt cho doanh nghiệp. Chưa kể, khi cổ phiếu được niêm yết trên sàn, đa số cổ đông đều hài lòng vì tính minh bạch trong kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nhưng gần đây, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn rời sàn, huỷ niêm yết. Vì sao?

> Ngăn chặn “chiêu” bán khống

Lũ lượt rời sàn

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo về quyết định hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ cổ phiếu đang niêm yết của CTCP Gò Đàng (AGD) tại Đại hội bất thường ngày 5 -10.

Biên bản họp và nghị quyết Đại hội được thông qua không nêu rõ lý do tại sao công ty lại quyết định hủy niêm yết.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT công ty cùng vợ nắm 42,11% cổ phần không lên tiếng giải thích trước sự thắc mắc của cổ đông và giới đầu tư.

Nếu bảo vì lỗ thì cũng không phải. AGD là một DN hoạt động trong ngành thủy sản với kết quả kinh doanh không tồi. Dù TTCK khó khăn, nhưng cổ phiếu AGD vẫn giao động ở mức 48.000 đồng/cp. Việc hủy niêm yết là một thông tin khá bất ngờ với nhà đầu tư.

Đại hội còn quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của các cổ đông nhỏ với giá 50.000 đồng/cp trước khi hủy niêm yết. Điều này càng làm cho động thái rời sàn của AGD càng trở nên bí ẩn và để lại nhiều dấu hỏi.

Tính từ đầu năm đến nay, tại sàn giao dịch chứng khoán HCM (Hose), đã có 7 cổ phiếu bị hủy niêm yết là BAS, CAD, CSG, MCV, MKP, TRI, VKP. Phần lớn nguyên nhân huỷ do các DN này lỗ liên tục 3 năm liên tiếp hoặc vi phạm công bố thông tin. Số lượng DN hủy niêm yết trên sàn Hà Nội (Hastc) không kém.

Ngoài HBB, S64, SSS sáp nhập vào đơn vị khác, các cổ phiếu như VSP, AGC, V11, VMG phải rời sàn vì làm ăn thua lỗ.

Vào ngày 26 - 10 tới, hai cổ phiếu SD3 và SME cũng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc vì hai công ty này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Đáng nói nữa là CTCP Viễn Thông Điện Tử Vinacap (VTE) chưa được giao dịch ngày nào cũng bị hủy do không hoàn tất thủ tục.

Vỡ mộng

Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCK nhận xét: “DN hủy niêm yết là câu chuyện dài cần phải bàn. Hủy niêm yết có hai trường hợp, một là bắt buộc vì vi phạm các quy chế giao dịch, hai là hủy niêm yết tự nguyện.

Với trường hợp tự nguyện, TS Sơn lưu ý, Nghị định 58 của Chính phủ quy định DN kinh doanh bình thường muốn hủy niêm yết phải có tỷ lệ cổ đông nhỏ quá bán trở lên đồng ý hủy tại Đại hội đồng cổ đông thì mới được hủy.

Điều này nhằm giúp bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông nhỏ, tránh trường hợp DN niêm yết nhằm mục đích huy động vốn xong rồi lại hủy.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng chia sẻ, hủy niêm yết là thông tin xấu đối với DN, nhưng ở góc độ khác, lại tốt cho thị trường.

“Trước đây, DN muốn niêm yết để có tiếng tăm, để bán được cổ phiếu, nhiều trường hợp không thực sự có chiến lược, niềm tin, không minh bạch thông tin trên thị trường. Bây giờ họ lại thấy không còn kiếm lời được từ việc phát hành cổ phiếu và cũng không thích bị quản lý minh bạch nên hủy. Đối với những đơn vị niêm yết mới, nhà đầu tư sẽ cần thận hơn khi mua cổ phiếu, giúp cho thị trường sang lọc tốt hơn”- TS Hiển nhận định.

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, ngoài những trường hợp bị bắt buộc hủy niêm yết, cũng có trường hợp tự nguyện vì biết chắc trước sau gì cũng bị hủy. Đây đều là những DN làm ăn thua lỗ, giá cổ phiếu chỉ còn vài trăm đồng đến vài ngàn đồng.

Lãnh đạo các công ty này đều xem như thua lỗ rồi rời sàn là chuyện ai cũng biết và chẳng buồn giải trình. Trong tình trạng đó, cổ đông và nhà đầu tư cũng chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận.

“Muốn thị trường minh bạch, chính nhà đầu tư cá nhân nên áp dụng cơ chế quyền lựa chọn của mình, quyết tâm loại bỏ các doanh nghiệp ì ạch không chịu công bố thông tin”- TS Hiển lưu ý.

Hiện nay, tính cả hai sàn giao dịch có khoảng 700 cổ phiếu. Số lượng DN niêm yết tăng nhanh vào những năm 2006-2010, tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường gặp khó, thị giá nhiều cổ phiếu trên sàn rẻ như rau, lượng vốn huy động qua chứng khoán giảm chỉ còn bằng 50% so với cùng kỳ. Danh sách DN làm ăn thua lỗ có thị giá dưới 5 ngàn đồng/cp đang đầy rẫy. Việc niêm yết trở thành một “gánh nặng đối với DN, dự đoán, sẽ có một làn sóng hủy niêm yết xảy ra thời gian tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG