Bài cuối: Giữ kỷ luật, song vẫn tạo môi trường cho sáng tạo, đột phá
Ban Tổ chức Trung ương đang soạn thảo xây dựng quy định của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng quy định này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Việc xây dựng và ban hành quy định trên trong lúc này là hết sức cần thiết. Trong một thời gian, chúng ta buông lỏng công tác quản lý, cộng với thể chế, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, đầy đủ, thiếu đồng bộ, thậm chí văn bản này trái văn bản kia nên mới có câu nói vừa buồn, vừa đau lòng là: “Sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”. Vì sao lại như vậy? Vì sáng nay anh dựa vào văn bản A để thực hiện thì đúng, chiều lục tìm thì lại thấy có văn bản B soi ra lại thấy sai. Đến sáng mai lại tìm ra một văn bản khác thì thấy dựa vào văn bản A là đúng… Đó là cách nói ví von, song thực tế cũng có câu chuyện đấy xảy ra.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất theo tôi vẫn là người thực hiện. Có trường hợp thể chế đầy đủ, rõ ràng rồi nhưng vẫn cố tình làm sai. Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, chúng ta mất rất nhiều cán bộ, cũng đau lòng, xót xa lắm, nhưng vẫn phải xử lý. Việc xử lý này giúp lập lại được kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước để mọi việc đi vào đúng quỹ đạo.
Song từ thực tiễn cũng đặt ra một vấn đề đáng lưu tâm là việc xuất hiện tâm lý chờ đợi, tâm lý lo sợ, tâm lý giữ mình, tâm lý làm chậm, thậm chí không làm còn hơn là bị kỷ luật. Điều này làm thui chột, giảm tính sáng tạo, đột phá của đội ngũ cán bộ. Vì thế, Bộ Chính trị mới giao Ban Tổ chức Trung ương xây dựng quy định để vẫn giữ được kỷ cương, kỷ luật, song vẫn tạo được môi trường để cán bộ làm việc, cống hiến, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung, tức là vừa có thể đi theo trình tự nhưng cũng có thể đi tắt đón đầu, tạo ra những đột phá cho mỗi cơ quan, đơn vị.
Mặt khác điều này cũng giúp chúng ta hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Hiện nay có tình trạng là thể chế có, cơ chế có nhưng nếu thực hiện theo đúng quy định thì rất vướng mắc, thậm chí thể chế đó không còn phù hợp với thực tiễn nữa. Trong trường hợp đó nếu không có những đột phá vì lợi ích chung thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội.
Trong nhiệm kỳ này công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác phòng chống tham nhũng có nhiều đột phá, được nhân dân đánh giá cao, song ở một số lĩnh vực khác lại có tình trạng cán bộ sợ sai, co mình lại, không dám làm, dám quyết, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Cái này phải cắt lát ra, phải thấy cả hai mặt. Đúng là trong nhiệm kỳ này chúng ta chỉnh đốn Đảng rất mạnh, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ phòng, chống tham nhũng, xử lý kỷ luật, đến cải cách tổ chức bộ máy và kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”... Đặc biệt lần đầu tiên chúng ta thấy việc xử lý kỷ luật được thực hiện nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; xử lý cả cán bộ đương chức lẫn người đã nghỉ hưu, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý. Trong quá trình xử lý như thế, cũng có quan điểm cho rằng chỉnh đốn đảng mạnh thì cản trở sự phát triển, làm cho phát triển kinh tế chậm lại… Song nhìn lại thì thấy quan điểm đó không đúng, bằng chứng là kinh tế vẫn phát triển, tăng trưởng cao, môi trường làm ăn ngày càng trong sạch.
Tuy nhiên ở một vài nơi, vài chỗ cũng xuất hiện tư tưởng lo sợ bị kỷ luật. Cái đó cần phải chấn chỉnh. Quan điểm của Đảng ta trong xử lý kỷ luật cán bộ là rất nhân văn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần rồi, kỷ luật đảng phải nghiêm minh nhưng đầy tính nhân văn, thấu lý, đạt tình và phải tâm phục, khẩu phục.
Có ý kiến cho rằng, khi xây dựng quy định khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, phải lấy kết quả làm thước đo chính để đánh giá. Trường hợp có vướng mắc về thể chế, chính sách, song nếu tạo ra hiệu quả và lợi ích cho xã hội thì cần được bảo vệ. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Đây cũng là một trong những nguyên tắc đánh giá cán bộ của Đảng ta. Đánh giá cán bộ phải bằng thực tiễn, sản phẩm, hiệu quả đem lại, chứ không phải lời nói. Cán bộ làm sai rồi tự nhận là đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để được hưởng “cơ chế đặc thù” thì đâu có được. Anh dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung thì sản phẩm đâu, lợi ích đâu đặt lên bàn cân xem sao? Nếu đem lại hiệu quả tốt, vì lợi ích chung thì sẽ được Đảng bảo vệ.
Cảm ơn ông.
Trong Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng mới đây, ngoài việc yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu sớm ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.