Lằn ranh dám quyết, dám làm và sai phạm: Nhìn từ 'Thành phố đáng sống'

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao Ảnh: Thanh Hiếu
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao Ảnh: Thanh Hiếu
TP - Lần đầu tiên trong lịch sử, cả Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 Bộ Chính trị kỷ luật; hàng loạt lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật, cựu quan chức phải hầu tòa… Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng -3,61%.  

Gần 40 năm quá trình đổi mới ở nước ta cho thấy, nếu không có những người dám đột phá thoát khỏi cơ chế cũ kỹ, lạc hậu thì không tạo ra tiền đề cho công cuộc đổi mới. Song, cũng vì sự dấn thân, đi đầu đó mà nhiều người đã phải đối diện với rủi ro về mặt pháp luật và chính trị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý thủ thế an toàn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thà không làm, còn hơn là làm; thà đi chậm cho an toàn còn hơn là đột phá, đổi mới để rồi bị xử lý, kỷ luật. Nhưng cũng có nhiều cán bộ khởi đầu đúng hướng rồi sau đó chệch con đường Đổi Mới.

Đà Nẵng trải qua một nhiệm kỳ sóng gió, với những vi phạm nghiêm trọng, dẫn đến những trì trệ, tụt hậu. Nhiệm kỳ phía trước với “bàn đạp” là Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết về Chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù, nhân dân cả nước dõi theo liệu “thành phố đáng sống” có tìm lại ngọn lửa nhiệt huyết, sự cương quyết, đột phá để lấy lại hình ảnh của mình?

Lần đầu tiên trong lịch sử, cả Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 Bộ Chính trị kỷ luật; hàng loạt lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật, cựu quan chức phải hầu tòa… Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng âm (-3,61%).

Một Ðà Nẵng trầm tư, lặng lẽ

Câu chuyện Đà Nẵng qua một nhiệm kỳ đầy sóng gió và quá nổi tiếng với những vi phạm khuyết điểm từ lãnh đạo cao nhất của TP, đến Ban thường vụ, và hàng loạt cán bộ, cựu cán bộ dính vào sai phạm đất đai, dự án. Từ khóa “Đà Nẵng” trở thành “hot” trong thời gian qua khi những đại án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Phạm Công Danh hay 20 cựu lãnh đạo, cán bộ đương chức phải hầu tòa, lãnh án vì dính đến sai phạm…

Những đợt thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án kéo dài khiến hàng loạt dự án lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng phải đứng bánh. Nguồn lực về đất đai của Đà Nẵng bị ách tắc, không được khơi thông khiến cho bức tranh và những chỉ số phát triển của Đà Nẵng trở nên xấu đi. Nhà đầu tư e ngại vì các dự án, các vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Một Đà Nẵng năng động, dám nghĩ, dám làm dần được thay thế bằng hình ảnh một thành phố tụt hậu, vướng mắc đủ đường. Một Đà Nẵng năng động, phát triển từng ngày, nay được thay bằng sự trầm lắng và lặng lẽ, có phần “yếm thế” trong những chỉ đạo điều hành. Như lời ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói trước cử tri TP, rằng: “Hiện nay Đà Nẵng có cách làm hơi khác là: trầm, lặng lẽ, quyết liệt bám, bám đến đâu làm quyết liệt đến đó”.

Tuy nhiên, sự “quyết liệt” đeo bám chỉ là giải quyết các vấn đề trong những vướng mắc của nhiều kết luận thanh tra, bản án của tòa án. Mà điển hình nhất là Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ năm 2012, dự án Đa Phước (trong vụ án Phan Văn Anh Vũ và 20 cựu quan chức, cán bộ TP), Phạm Công Danh (vụ án sân vận động Chi Lăng và Tập đoàn Thiên Thanh)… Ông Nghĩa bày tỏ lo ngại: “TP không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết xong những sai phạm. Bởi một kết luận như thế phải mất nhiều thời gian mới giải quyết xong. Sắp tới, một số dự án có kết luận thanh tra, kiểm tra thì còn rất khó khăn cho TP Đà Nẵng”.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, là cơ quan tham mưu giúp việc chính cho TP Đà Nẵng giải quyết các vướng mắc về các sai phạm, trước diễn đàn của HĐND TP chia sẻ rằng: Riêng Kết luận 2852 bao giờ giải quyết xong, đến nay vẫn chưa thể trả lời được. Bởi, việc rà soát tốn thời gian của các sở, ngành với khối lượng công việc rất lớn. Trong khi đó, vì những vi phạm, kỷ luật trong thời gian qua đã khiến tâm lý lãnh đạo, cán bộ của các sở, ngành tham mưu giúp việc cho UBND TP Đà Nẵng đang “có vấn đề”, không dám tham mưu, không quyết đoán.

 “Nếu như ai đó từng làm việc với cơ quan điều tra, từng dự các phiên tòa thì không thể không rung động khi tham mưu tháo gỡ các vướng mắc. Bởi lẽ, lằn ranh giữa tháo gỡ vướng mắc và cố  ý sai phạm rất là mong manh”, ông Hùng bộc bạch.

Lằn ranh dám quyết, dám làm và sai phạm: Nhìn từ 'Thành phố đáng sống' ảnh 1 Thành phố Đà Nẵng đang trầm lắng và lặng lẽ, giải quyết nhiều vướng mắc do hậu quả từ các sai phạm, khuyết điểm.  Ảnh: Nguyễn Thành .

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ phải thừa nhận: Thái độ, tinh thần bám việc của cán bộ, lãnh đạo TP Đà Nẵng hiện nay không bằng và kém hơn rất nhiều so với 10-15 năm trước đây. Dù rằng, lãnh đạo TP thường xuyên nhắc nhở chủ tịch quận, huyện, lãnh đạo sở, ngành về phong cách làm trong bối cảnh hiện nay.

“Bây giờ mọi thứ chậm chạp, cán bộ lãnh đạo làm việc cẩn trọng một cách quá mức, góp phần làm các phần việc triển khai quá chậm”, ông Thơ tỏ ra sốt ruột.

Năm 2020, TP Đà Nẵng lần đầu tiên trong lịch sử có mức tăng trưởng âm, là điều đáng buồn cho một thành phố được mệnh danh là “đầu tàu” trong khu vực. Ngoài việc, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khi đề cập đến nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng âm - một kỷ lục buồn, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, thẳng thắn nêu rõ: “Một phần do việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư chưa chuyển biến tích cực; vẫn còn nhiều dự án công trình trọng điểm chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ; tỉ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản tính đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra… Và do một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm”.

Nhìn thẳng để tiếp tục phát triển

Ngày 10/7 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức họp Tiểu ban Văn kiện về các dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 (dự kiến tháng 10/2020).

Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa XXI, nêu rõ: Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt còn bất cập, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tư tưởng, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có phần giảm sút; chưa có cơ chế triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện trách nhiệm công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Trong đầu nhiệm kỳ, do chậm, thiếu quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các sai phạm về đất đai theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc cho chủ trương về một số trường hợp cán bộ và một số dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa đảm bảo theo quy định, dẫn đến sai phạm, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, hai đồng chí cán bộ chủ chốt, các đơn vị và cá nhân liên quan bị xử lý kỷ luật….

Dự thảo về Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ qua nhận định, Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng có nhiều biến động. Trong đó, Trung ương điều động, chỉ định bổ sung 1 chức danh, 1 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; 15 Ủy viên Ban Chấp hành nghỉ hưu hoặc bị kỷ luật không tiếp tục tham gia cấp ủy. Thành ủy đã bầu bổ sung và được Trung ương chuẩn y 18 Ủy viên Ban Chấp hành và 6 Ủy viên Ban Thường vụ. 

Ông Võ Văn Thương, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng: Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ vừa qua không né tránh các hạn chế, khuyết điểm. “Trong dự thảo Báo cáo lần này nói rõ quan điểm nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật những ưu điểm, hạn chế, không né tránh những khuyết điểm rất nghiêm túc trong Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ vừa qua. Đó là bám sát quy chế làm việc, nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Sau khi hoàn thành dự thảo lần thứ 3 này, Thường trực Thành ủy chỉ đạo tiếp tục gửi lấy ý kiến của các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy và các Ban Xây dựng Đảng và các Đảng đoàn để đảm bảo toàn diện nội dung đánh giá của Thành ủy”, ông Thương cho biết

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, khẳng định, trong bối cảnh thành phố có nhiều biến động lớn, bất lợi nhưng Đảng bộ TP Đà Nẵng vẫn là Đảng bộ vững mạnh, đủ bản lĩnh để vượt qua những khó khăn. Theo ông Quảng, lãnh đạo TP cần phải nhìn thẳng vào các vấn đề, thách thức của nhiệm kỳ vừa qua. Để có đánh giá toàn diện thì không chỉ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đánh giá, mà nên để các cấp ủy trực thuộc Thành ủy ở góc độ là người chịu trách nhiệm lãnh đạo của Thành ủy để người ta đánh giá ngược lại để xem xem chúng ta đã đánh giá đầy đủ và toàn diện chưa. 

MỚI - NÓNG