> Từ thầy giáo dạy sử thành đại tướng lừng danh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát tình hình mặt trận 1954. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. |
Đó là khoản II trong sắc lệnh số 20 của Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc bắt buộc học chữ Quốc ngữ và không mất tiền đối với mọi người, do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký ngày 8-9-1945.
Cùng ngày hôm đó, vị Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam DCCH cũng ký sắc lệnh cử ông Ngô Đình Nhu làm giám đốc Nha Lưu trữ Công văn (tiền thân của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia) và Thư viện toàn quốc.
Trên đây là một trong những tư liệu lần đầu được công bố tại cuộc trưng bày chuyên đề Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, số 34 Phan Kế Bính- Hà Nội.
Trưng bày khai mạc đúng vào ngày sinh của Đại tướng 25-8 và sẽ kéo dài trong 1 tháng với hai nội dung chính: Khắc họa chân dung Võ Nguyên Giáp trong vai trò Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam DCCH và trong vai trò Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam.
Trưng bày đặc biệt có nhiều tài liệu văn bản chỉ có tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, trong đó có sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm Võ Nguyên Giáp làm vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1948.
Một số sắc lệnh do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ ký năm 1945 sau khi thành lập nước: Sắc lệnh thiết quân luật ở Hà Nội; sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam; sắc lệnh thành lập Quỹ Độc lập; sắc lệnh ấn định thời hạn, thể lệ tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam DCCH và nhiều sắc lệnh quan trọng khác.
Một số tài liệu ảnh quan trọng được trưng bày đợt này: Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt chiến dịch Điện Biên Phủ; Bác Hồ và Đại tướng năm 1950; Đại tướng báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh về kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc Thu Đông 1947; Đại tướng đang quan sát tình hình mặt trận 1954…