Vi phạm đã rõ
Trong đơn gửi Tiền Phong, ông Lê Hồng Thiện, trú tại khu phố Xích Ðằng (phường Lam Sơn) trình bày: Thời gian qua, ông đã tố cáo một số hộ dân tại địa phương lấn chiếm hành lang đê. Năm 2014, UBND phường Lam Sơn có văn bản xác định hộ lấn chiếm là gia đình ông Ðào Ðình Bưởi, nhưng sự việc lại không được xử lý thỏa đáng. Sau đó, gia đình ông Bưởi đã xây nhà trên đất lấn chiếm nên ông Thiện tiếp tục tố cáo sự việc.
Ngày 14/5/2018, giải quyết đơn tố cáo của ông Thiện, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (QLÐÐ&PCLB) tỉnh Hưng Yên có văn bản (số 151) xác định ngoài hộ ông Bưởi, còn hộ dân khác là ông Lê Văn Tôn (trú tại khu phố Xích Ðằng) lấn chiếm hành lang bảo vệ đê sông Hồng. Sự việc trên đã được Hạt Quản lý đê thành phố Hưng Yên lập biên bản và yêu cầu địa phương giải tỏa nhưng đến nay chưa thực hiện. Vì vậy, Chi cục QLÐÐ&PCLB tỉnh Hưng Yên tiếp tục kiến nghị UBND phường Lam Sơn có biện pháp xử lý, giải tỏa vi phạm hành lang bảo vệ đê của hai hộ gia đình này theo thẩm quyền.
Trả lời như trên nhưng khi UBND phường Lam Sơn làm các thủ tục để cưỡng chế vi phạm của hộ gia đình ông Bưởi và ông Tôn thì cán bộ của Hạt Quản lý đê thành phố (QLÐ TP) Hưng Yên lại không ký vào biên bản xác định mốc giới hành lang chân đê để làm cơ sở thực hiện cưỡng chế. Trước sự việc này, trong văn bản (số 217, ngày 12/7/2018) trả lời ông Thiện, Chi cục QLÐÐ&PCLB tỉnh Hưng Yên lý giải: Hiện tại, tỉnh Hưng Yên đang lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết tuyến sông Hồng, sông Luộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Vì vậy, để có đủ cơ sở xác định hành lang bảo vệ đê thì phải chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đê điều tỉnh Hưng Yên, sau đó mới tổ chức xác định vị trí, cắm mốc chỉ giới hành lang chân đê. Do chưa có mốc chỉ giới nên Hạt QLÐ TP Hưng Yên chưa ký biên bản để cưỡng chế. Trước trả lời này, ông Thiện cho biết: “Trong văn bản số 151 trả lời tôi trước đó chưa lâu, Chi cục QLÐÐ&PCLB tỉnh Hưng Yên đề cập rằng căn cứ Luật Ðê điều năm 2006 và Văn bản số 1103 (năm 2008) về việc giải tỏa vi phạm hành lang bảo vệ đê của UBND tỉnh Hưng Yên, hộ ông Bưởi và ông Tôn đều vi phạm, nên đề nghị UBND phường Lam Sơn có biện pháp xử lý. Nhưng khi địa phương tổ chức cưỡng chế lại có lý do khác để chưa thi hành(?!)”.
Cần giải quyết thỏa đáng kết quả kiểm tra
Trước khi tố cáo hai hộ dân trên, cách đây hơn chục năm ông Lê Hồng Thiện từng tố cáo một số vụ vi phạm, lấn chiếm đất khác tại phường Lam Sơn. Năm 2013, trong văn bản trả lời ông Thiện, UBND thành phố Hưng Yên xác nhận cả 7 hộ dân mà ông tố cáo đều lấn chiếm đất với tổng diện tích gần 4.600 m2. Từ sự việc này, UBND phường Lam Sơn báo cáo thêm tại địa phương còn có 46 hộ gia đình lấn chiếm đất với tổng số hơn 26.000 m2; và 151 hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình (nhà ở, lán trại) trên đất nông nghiệp được giao. Trước tình hình đó, ngày 29/10/2013, UBND thành phố Hưng Yên có kết luận (số 145) chỉ đạo UBND phường Lam Sơn giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, sau vài năm, việc giải quyết lấn chiếm đất tại phường Lam Sơn chưa được xử lý thỏa đáng nên ông Thiện đã kiến nghị sự việc, trong đó đề cập cả việc người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Ngày 4/6/2018, trong văn bản (số 1517) trả lời PV Tiền Phong về sự việc trên, UBND tỉnh Hưng Yên cho biết đã giao UBND thành phố Hưng Yên kiểm tra, xử lý nội dung đơn của ông Thiện theo quy định. Ngày 6/6/2018, UBND thành phố Hưng Yên cũng có văn bản (số 656) trả lời báo Tiền Phong, cho biết đã thành lập Ðoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất tại phường Lam Sơn. Hy vọng sau khi có kết quả kiểm tra, tình trạng lấn chiếm đất công tại phường Lam Sơn sẽ được giải quyết thỏa đáng, qua đó việc lấn chiếm hành lang bảo vệ đê nói trên cũng sớm được xử lý dứt điểm.
Ngày 6/6/2018, UBND thành phố Hưng Yên cũng có văn bản (số 656) trả lời báo Tiền Phong, cho biết đã thành lập Ðoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất tại phường Lam Sơn.