Những “nghệ sĩ” đặc biệt
Đúng 8h, rạp xiếc kín người. Mặc dù có rất nhiều tiết mục nhưng xiếc khỉ vẫn luôn là một trong những tiết mục hấp dẫn khán giả nhất. Ánh đèn sân khấu rực sáng, âm nhạc vui nhộn vang lên, cũng là lúc các “nghệ sĩ” đặc biệt chạy ùa ra trong tiếng vỗ tay chào đón của khán giả. Những chú khỉ trong trang phục ngộ nghĩnh bắt đầu làm chủ sân khấu và trổ tài khả năng “trồng cây chuối”, đi thăng bằng, nhào lộn, bập bênh, bắt bóng, cà kheo và đi xe đạp. Tiếng nhạc, tiếng vỗ tay, reo hò tràn ngập không gian rạp xiếc.
Tuy nhiên, để có được một tiết mục xiếc khỉ hấp dẫn trong vài phút trên sân khấu như vậy, người nghệ sĩ và cả những “học trò” của mình phải làm việc vất vả trong một thời gian dài. Đó có thể là 3 tháng với những con thông minh, nhưng cũng có thể hàng năm trời với những con kém hơn mới được bước ra sân khấu.
Nghệ sĩ Nguyễn Chí Quang- người đã có 35 năm gắn bó với nghề xiếc khỉ ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, xiếc khỉ muốn tập luyện rất kỳ công, ngay cả việc cho chúng làm quen với ánh sáng, âm nhạc và tiếng vỗ tay của khán giả cũng phải học.
Trong các bài tập xiếc khỉ, khó nhất là 2 động tác: trồng cây chuối và đi xe đạp. Khi tập động tác trồng cây chuối, một người sẽ giữ 2 tay khỉ chống xuống đất, một người khác giữ 2 chân khỉ hướng lên trời. Có khi, hàng tiếng đồng hồ, cả người và khỉ chỉ tập một động tác ấy.
Để có mấy giây khỉ đi xe đạp trên sân khấu, công đoạn tập luyện cũng vô cùng kỳ công. Đầu tiên khỉ sẽ được buộc vào yên xe ngồi cố định, một người giữ 2 tay khỉ bám vào tay lái, một người giữ 2 chân bám vào bê-đan, cứ thế, cả người cả thú dìu nhau đi hết vòng này đến vòng kia sân khấu. Cũng phải mất vài tháng, chú khỉ mới quen và có thể tự đạp xe. Sau khi biết đi xe thành thạo là đến giai đoạn tập dắt xe, tập đứng lên khi ngã, tập cua vòng, “lạng lách” trên sân khấu…
Riêng với những trò như bắt bóng, đi thăng bằng trên xà ngang hay con lăn thì khá nhanh, có khi vài tuần là những học sinh đặc biệt này đã thuộc bài.
Mỗi đàn khỉ biểu diễn có 8- 10 con. Thường, các nghệ sĩ sẽ tự tay đi mua và tuyển chọn đàn khỉ của mình, bởi không phải con nào cũng có thể lên sân khấu. Người thầy dạy thú luôn phải dựa vào linh cảm và kinh nghiệm khi tuyển chọn những con khỉ hoang chưa từng qua thuần hóa.
Khi đã thành đàn, lũ khỉ sẽ tự sắp xếp, phân chia cấp bậc và bầu ra trưởng đàn. Khi con đầu đàn già đi thì con trẻ khác sẽ lên kế nhiệm. Trước khi “về hưu”, trường đàn sẽ phải đánh nhau một trận thật to với ứng viên mới cho đến khi nó tâm phục khẩu phục thì mới chịu “nhường ngôi”.
“Đau đầu nhất cũng là giai đoạn này. Nhiều khi, chỉ vì con trưởng và con ứng viên cứ nhìn thấy nhau là lao vào đánh nhau mà làm hỏng cả tiết mục. Ra đến sân khấu, chưa kịp diễn gì, hai con đã đuổi cắn nhau chạy tán loạn” – Nghệ sĩ Chí Quang cười kể lại.
Yêu khỉ như con
Không giấu vẻ tự hào, NSƯT Tạ Duy Nhẫn- con trai của ông tổ nghề xiếc Tạ Duy Hiển, kể lại cái ngày ông được vinh danh là “vua khỉ”. Năm 1990, khi đi lưu diễn ở Liên hoan xiếc Ba Lan, những tiết mục ông diễn rất được hoan nghênh. Trong đó, trò khỉ đi xe xích lô do ông nghĩ ra đầu tiên trên thế giới, sau khi biểu diễn xong, khán giả trầm trồ và vỗ tay khen ngợi hết lời. Lần đó, riêng tiết mục khỉ, ông đã phải diễn đi diễn lại đến ba, bốn lần trong một ngày.
Nghệ sĩ Trương Trọng Cường biểu diễn cùng chú khỉ của mình. Ảnh: Như Ý
Nhắc đến kỷ niệm này, ông vẫn nhớ đó là một chú khỉ bị tật ở chân không thể điều khiển được xe đạp được nên ông đã huấn luyện nó đạp xích lô. Tiết mục khỉ đạp xích lô ấy cũng đã gây ngạc nhiên cho không ít bạn diễn ở nước ngoài.
Ông Nhẫn chia sẻ: “Dạy khỉ thì không có giáo trình, người dạy khỉ quan trọng nhất là phải nhạy cảm, tìm ra tố chất đặc biệt của con khỉ. Dạy khỉ là một nghề không đơn giản, vì chúng đâu có hiểu mình muốn nói gì và mình cũng không biết chúng muốn gì. Thế nên cần nhất là sự nhạy cảm và nắm bắt tâm lý”.
Có thể nói, sợi dây gắn kết giữa người nghệ sĩ và những con khỉ chính là tình yêu thương. “Xiếc khỉ khác với các loại hình xiếc thú khác vì khỉ rất hay lơ đãng, nghịch ngợm khi luyện tập nên mình phải kiên nhẫn hơn. Đôi khi dụ ngọt, nhẹ nhàng cũng không nghe, mà phải la mắng, thậm chí cả vụt roi để cảnh cáo những con cứng đầu, phá phách và ham chơi nhất. Mỗi lần cho ăn đòn xong lại phải âu yếm, nựng chúng nó như nựng con mình đấy! Được cái, khỉ là loài thông minh, dù nghịch ngợm khi luyện tập nhưng một khi đã thuộc bài thì nhớ rất lâu, có bỏ tập 3- 4 năm vẫn nhớ bài”- Nghệ sĩ Chí Quang cho biết.
Nhiều hôm, sau khi kết thúc buổi tập luyện căng thẳng, các “con” nhảy ào vào lòng “bố” Quang, đứa nép vào người dụi dụi, đứa đu tay, đứa nhảy lên đầu “bắt chấy”. Đứa nào kêu “ọ ọ” là đang vui sướng, kêu “hốc hốc” là đang sợ hãi, còn gào toáng lên là sắp sửa… có đánh nhau. Trong đàn, mỗi con lại một cá tính, có con ngoan, nhưng cũng có con thích nhõng nhẽo, có con lại rất lỳ lợm. Những lúc ốm đau, “bố con” lại sát cánh cùng nhau, thức đêm chăm sóc từng đứa, có khi phải ngủ cùng để theo dõi sức khỏe.
Nếu như xiếc người chỉ cần quan tâm đến động tác của người thì nghệ sĩ biểu diễn xiếc khỉ vừa phải chú trọng những động tác của khỉ, nhưng vẫn phải tạo cho mình một phong cách trình diễn có duyên trên sân khấu. Thậm chí, vừa diễn, vừa chỉ huy cả đàn ngoài sân khấu lại vẫn phải để ý những “diễn viên” bên trong đang chí chóe cắn nhau, chực xông ra “phá đám” bất cứ lúc nào.
Nỗi buồn vắng người kế nghiệp
Từ bao đời nay, nghề xiếc thú nói chung và xiếc khỉ nói riêng ở Việt Nam vẫn chủ yếu là cha truyền con nối. Mà có lẽ, cái nghề này phải cha truyền con nối mới làm được, bởi nó chẳng có kịch bản hay giáo trình nào cả. Cứ thế, đời này qua đời khác truyền kinh nghiệm cho nhau và trong quá trình tập luyện lại tự nảy ra những bài học cho riêng mình.
Những ngày đầu làm quen với khỉ, các diễn viên phải ngày đêm quanh quẩn bên mấy chuồng nuôi khỉ để cho chúng ăn, lau chùi quét dọn chuồng trại để… “làm quen”. Thế mà vẫn không ít người “dính đòn”. Ông Nhẫn vẫn còn nhớ cái ngày mới vào nghề, bị một con khỉ lớn có răng nanh cắn vào cánh tay phải đi khâu mười mấy mũi. Hay anh Quang vẫn chưa quên 8 mũi khâu trên cánh tay khi một lần xông vào can ngăn lũ khỉ đánh nhau.
Niềm vui khi được biểu diễn cùng những “học trò cưng”, niềm vui khi nhận được sự tán thưởng từ hàng ghế khán giả, những tràng cười sảng khoái của các em nhỏ, là phần thưởng lớn nhất khiến các nghệ sĩ xiếc thú quên hết mệt mỏi nhọc nhằn để tiếp tục với nghề.
Tuy nhiên, nghề xiếc thú đang ngày càng có nguy cơ cụt đi vì không tìm được người kế nghiệp. Từ đời cố NSND Tạ Duy Hiển đến đời con trai ông là NSƯT Tạ Duy Nhẫn, rồi đến con trai ông Nhẫn là nghệ sĩ Tạ Duy Kiên. Ông Nhẫn đã nghỉ hưu, giã từ sân khấu được 2 năm nhưng vẫn luôn canh cánh nỗi lo tìm người kế nghiệp cho dòng họ Tạ đời thứ 4. Con cái anh Kiên đều theo học ngành nghề khác và nhất quyết không theo nghề xiếc, đặc biệt là sau khi em gái anh Kiên phải giải nghệ vì chấn thương nghiêm trọng.
Cháu rể ông Nhẫn là nghệ sĩ Nguyễn Chí Quang năm nay cũng đã ngoài 50, anh có 3 người con, nhưng cả 3 đều tỏ ra không mặn mà với con đường bố đã chọn. Một gia đình khác cũng theo nghề xiếc khỉ đã được hai thế hệ là nghệ sĩ Trương Trọng Giang và đến nay là con trai ông, nghệ sĩ Trương Trọng Cường. Thế hệ kế tiếp vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong Liên đoàn xiếc, cũng có một vài diễn viên trẻ đang theo học xiếc thú tổng hợp bao gồm cả xiếc khỉ, nhưng liệu họ có quyết tâm gắn bó lâu dài hay không thì bản thân họ cũng chưa thể trả lời được.
Nghệ sĩ xiếc thu nhập không cao, nhiều năm trong nghề, trung bình thu nhập cũng chỉ khoảng 8-10 triệu đồng một tháng. Làm nghệ sĩ xiếc phải xa nhà luôn, thời gian luyện tập liên tục nên khá vất vả.
Nghệ sĩ Chí Quang đang dìu dắt một chú khỉ mới tập đi xe đạp.
Xiếc là một ngành nghệ thuật đặc biệt, xưa nay vốn hoàn toàn được nhà nước tài trợ. Tuy nhiên, bắt đầu từ 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện cắt giảm 30% kinh phí hoạt động của năm và sang 2016, sẽ tiếp tục cắt giảm 30% nữa và cắt toàn bộ ngân sách vào năm 2017. Xã hội hóa có thể mở ra cơ hội nhưng cũng là con đường đầy thách thức cho các nghệ sĩ đi theo nghệ thuật xiếc.
… Đêm nay, sân khấu lại đỏ đèn, rộn ràng âm nhạc và tiếng vỗ tay. Đâu đó, phía sau cánh gà, ở một góc chuồng, con Dơi ngồi lặng thing. Đôi mắt nhìn trân trối vào bức tường, như muốn xuyên ra cả sân khấu ngoài kia, nơi đã từng ghi dấu hơn 20 năm oanh liệt, hoàng kim của nó. Con Dơi từng là thủ lĩnh của đàn, từng là niềm tự hào của “bố Quang”. Cả đàn đều nể sợ nó bởi nó rất mạnh mẽ, thông minh và không động tác khó nào mà nó không diễn được.
Giờ, nó như cụ già, chân tay đau yếu, chỉ hàng ngày ngồi đó với đôi mắt buồn bã. Sâu thẳm trong ánh mắt ấy có một nỗi khát khao được trở lại với ánh đèn ngoài kia, nơi mà nó đã từng thuộc về.
Anh Quang thương con Dơi, vì anh thấy hình ảnh của mình ở đó. Vài năm nữa, khi về hưu, rồi anh cũng sẽ như nó, sẽ phải ngồi nhìn sân khấu từ xa. Nhưng lòng anh nặng hơn, bởi đến giờ vẫn chưa tìm được ai kế nghiệp…