Làm thế nào để thành phố Thủ Đức vận hành đúng pháp luật

TPO - TPHCM sẽ phải xử lý như thế nào sau khi TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2021? Cần có Chủ tịch và các phó Chủ tịch UBND thành phố, theo quy định phải do HĐND TP Thủ Đức bầu ra, trong khi đến ngày 23/5/2021, người dân trên cả nước mới đi bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp?.    

Chiều 25/12, tại buổi làm việc của đoàn công tác Thành ủy TPHCM với Quận ủy Quận 2 về triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 2 lần thứ VI, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết một số thông tin ban đầu về tổ chức, vận hành bộ máy HĐND và UBND TP Thủ Đức trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND TPHCM đang có hướng dẫn tổng kết HĐND các phường, nhất là trước thời điểm sáp nhập các phường; cũng như tổng kết HĐND quận trước khi sáp nhập để hình thành TP Thủ Đức.

Làm thế nào để thành phố Thủ Đức vận hành đúng pháp luật ảnh 1 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc với Quận ủy quận 2

Theo bà Lệ, khi TP Thủ Đức chính thức ra đời thì phải có bộ máy HĐND TP Thủ Đức và UBND TP Thủ Đức. Tuy nhiên, ban đầu chưa có Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức nên phải triệu tập phiên họp thứ nhất để bầu ra Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức, các Ban HĐND TP Thủ Đức… để chuẩn bị công việc mới trước khi chờ đến 23/5/2021 để tiến hành bầu cử HĐND TP Thủ Đức.

Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Quận 2 chuẩn bị tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, toàn Đảng bộ quận các nội dung liên quan đến Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức. Ngoài ra, quận 2 cần tiếp tục nắm, hiểu sát tình hình để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là các vụ việc đang khiếu nại, khiếu kiện.

Làm thế nào để thành phố Thủ Đức vận hành đúng pháp luật ảnh 2 Trụ sở làm việc của HĐND và UBND TP Thủ Đức sắp tới

“Quận 2 phân công, phân nhiệm rõ ràng, làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp bộ máy mới, chủ động rà soát việc sắp xếp cho phù hợp”, bà Lệ lưu ý.

Theo Chủ tịch UBND Quận 2 Lê Đức Thanh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Thủ Đức từ ngày 1/1/2021 không có điều khoản thực thi. Do đó, về pháp lý, UBND ba quận 2, 9, Thủ Đức không đủ pháp lý để ban hành các văn bản hành chính sau ngày 1/1/2021.

Vì vậy, để TP Thủ Đức có thể vận hành đúng pháp luật, Thành phố cần có văn bản pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ của 3 quận để tiếp tục thực hiện từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/3/2021 để đảm bảo pháp lý các văn bản 3 quận ký ban hành. Ngoài ra, lãnh đạo TPHCM cần gặp gỡ, tiếp xúc để động viên, quán triệt thông báo lộ trình việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn 3 quận hiểu thông suốt để thực hiện cho tốt.

Làm thế nào để thành phố Thủ Đức vận hành đúng pháp luật ảnh 3 Ông Nguyễn Phước Hưng - Thành ủy viên, Bí thư Quận 2

Đồng tình, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết: Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức có hiệu lực từ 1/1/2021 đúng là không có điều khoản thi hành. Do đó, TPHCM sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn chuyển tiếp về thẩm quyền của các cơ quan hành chính hiện nay.

Theo Bí thư Quận ủy Quận 2 Nguyễn Phước Hưng, dư luận trong nhân dân quận mong muốn các cơ quan chức năng cần tổ chức lấy ý kiến nhân dân thật kỹ trước khi thực hiện đề án và cần có những chủ trương, chính sách về định hướng phát triển hợp lý; tổ chức quy hoạch và công tác quản lý phải thực sự khoa học để đảm bảo sự phát triển bền vững của TP Thủ Đức trong tương lai, đảm bảo cho người dân thực sự là đối tượng thụ hưởng những giá trị tốt đẹp như định hướng phát triển của TP Thủ Đức.

Ông Nguyễn Phước Hưng thừa nhận đến nay một số cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức quận còn rất băn khoăn đến vị trí, việc làm của mình sau khi thành lập TP Thủ Đức với số lượng cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức dư ra sau khi sáp nhập. Nhiều cán bộ công chức thuộc các phường trong diện sáp nhập còn băn khoăn chưa biết cách bố trí nhân sự như thế nào cho phù hợp với từng chức danh, nhiệm vụ, địa điểm làm việc của cán bộ, công chức.

Làm thế nào để thành phố Thủ Đức vận hành đúng pháp luật ảnh 4 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan

Đặc biệt, nhiều người dân chia sẻ nỗi lo lớn nhất là phải chuyển đổi toàn bộ giấy tờ từ chứng minh nhân dân, hộ khẩu, nhà ở, tài khoản ngân hàng… Người dân mong muốn, đề xuất cơ quan hành chính, cơ quan công an tổ chức các đợt đến nhà giải quyết việc điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cho người dân bị ảnh hưởng hoặc giải quyết ngoài giờ hành chính tại trụ sở phường. Ngoài ra, người dân cũng mong muốn nhà nước không thu phí khi người dân chỉnh sửa các loại giấy tờ do việc thay đổi tên phường.

Lãnh đạo Quận ủy Quận 2 kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy khi thành lập TP Thủ Đức, TPHCM cần có chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích những trường hợp tinh giản, nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi.

Đối với việc sáp nhập 4 phường thành 2 phường trên địa bàn quận, kiến nghị Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ có hướng dẫn về quy trình, cách làm để việc tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.