Làm thế nào để không bị vàng giả 'qua mặt'?

Trong mấy ngày gần đây, thị trường tài chính xôn xao trước thông tin hàng loạt tiệm kim hoàn lớn ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội đã mắc bẫy vàng giả tinh vi.

Gần chục miếng vàng ròng rởm do người nước ngoài cung cấp đã được bán "qua mặt'' thiết bị đo tuổi vàng. Nhà buôn lo lắng, người mua vàng hoang mang. Vậy vàng giả được làm như thế nào?

Sự việc bắt đầu từ việc có một đối tượng mang vàng nguyên liệu đến giao dịch tại cửa hàng vàng thuộc khu 6, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long. Miếng vàng nguyên liệu có trọng lượng khoảng 3 cây, được chào bán với giá 115 triệu đồng. Do thấy những dấu hiệu bất thường, chủ cửa hàng đã báo với cơ quan Công an. Từ đây, đối tượng mới khai ra một loạt giao dịch mua bán vàng giả đã thành công trước đó.

Vốn là kênh đầu tư, tích trữ truyền thống, vàng luôn là ưu tiên hàng đầu của người dân Việt Nam khi nghĩ đến "của để dành". Bởi vậy, dù thị trường vàng trồi sụt, mua bán đầy rủi ro, kim loại quý này vẫn kéo được sự quan tâm hằng ngày của dư luận. Vì thế, thông tin vàng giả trở thành chủ đề rất nhạy cảm đối với bất kỳ người dân nào.

Đặc biệt, thông tin vàng nguyên liệu không đủ tuổi từ Trung Quốc xuất hiện trên thị trường, cũng như việc gian thương làm giả vàng trang sức đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý hoang mang của người dân. Ngay cả nhiều "nhà buôn" vốn được coi là nắm vàng trong lòng bàn tay cũng không đủ tự tin để mua lại vàng nữ trang khi khách hàng bán lại.

Thậm chí, có cả những doanh nghiệp nếu có trót mua phải vàng giả cũng đành "ngậm bò hòn làm ngọt", không dám khai báo cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và công việc kinh doanh sau này. Trừ một vài doanh nghiệp có uy tín, có đủ các thiết bị kiểm tra, sản phẩm có nhãn mác, giấy bảo đảm nên các hoạt động kinh doanh của họ vẫn được thực hiện.

Làm thế nào để không bị vàng giả 'qua mặt'? ảnh 1

Bề mặt vàng thật.

Làm thế nào để không bị vàng giả 'qua mặt'? ảnh 2

Bề mặt vàng giả.

Vàng rởm độn gì?

Cho đến thời điểm này, vụ việc vàng giả vẫn đang được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Trong khi chờ đợi kết quả, từ phía mình, các "nhà vàng" cũng bảo vệ mình bằng cách phân tích những chiêu thức làm giả vàng để tìm cách đối phó. Theo các chuyên gia phân tích, kẻ gian làm vàng thỏi giả bằng cách trộn theo tỷ lệ 51% vàng thật với đồng, nikel, sắt và một số kim loại nặng, hiếm trong nhóm Pt như osmium, indium, ruthenium và rhodium. Cách phổ biến nhất để sản xuất vàng giả là trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy.

Thông thường, tỷ lệ trộn là rút khoảng 20 đến 30% vàng thật, bù vào đó là vonfram, tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Hỗn hợp vàng độn này có thể vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của máy đo vì hiện nay, máy thử vàng phát hiện được 17,18 nguyên tố kim loại khác nhau, nhưng chưa cài đặt nhận biết vonfram. Bởi vậy, khi thử vàng độn, các chỉ số hiển thị trên máy không ghi nhận tạp chất này nên kết luận là vàng 999 hoặc 9999.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Công ty Vàng Agribank, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: Từ trước đến nay, việc làm giả vàng chủ yếu rơi vào vàng trang sức như nhẫn tròn trơn, còn vàng miếng làm giả khó hơn. Bởi vậy, câu chuyện vàng giả nguyên liệu xuất hiện cho thấy "công nghệ" làm giả vàng ngày càng tinh vi, vì vonfram đã được nghiền thành dạng bột trộn vào vàng nên khó phát hiện. Giá trị của vonfram so với vàng rất thấp nên nếu trộn trót lọt, những kẻ bán vàng giả sẽ lãi lớn.

Tuy nhiên, cũng nghiên cứu về vàng giả vừa mới phát hiện trong thời gian qua, các chuyên gia trong lĩnh vực vàng bạc đá quý đến từ Tập đoàn Doji cho rằng, kết quả nghiên cứu trên mẫu "vàng lạ" thu được trên thị trường trong thời gian vừa qua cho thấy đây có thể là một dạng vật liệu đặc biệt khác với vonfram thông thường. Phân tích cụ thể hơn, theo Doji, vì Vonfram thông thường khó hòa tan trong vàng với hàm lượng lớn, đồng thời nó có thể bị phát hiện bằng một số phương pháp. Cụ thể, vonfram có tỉ trọng rất gần với vàng và nhiệt độ nóng chảy cao hơn rất nhiều. Do đó, khi độn vonfram trong vàng sẽ không xác định được bằng phương pháp cân tỉ trọng.

Tuy nhiên, vonfram không hòa tan được trong vàng nên chỉ có thể sử dụng  phương pháp "bọc vàng". Do nhiệt độ nóng chảy của Vonfram cao hơn vàng rất nhiều nên trong quá trình bọc, Vonfram không bị chảy ra và vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu của "lõi". Phương pháp này có thể phát hiện được nếu cắt sản phẩm ra hoặc nấu chảy toàn bộ khối vàng ra.

Trong khi đó, quá trình nghiên cứu bằng các phương tiên máy móc hiện đại của Doji cho thấy, các mẫu "vàng lạ" xuất hiện mới đây được "sản xuất" bởi phương pháp tinh vi hơn rất nhiều. Theo kết quả bước đầu, vàng giả ở đây được chế bằng cách cho một loại "bột" kim loại mịn gồm các kim loại nặng trong nhóm Pt. Cụ thể là: Ru (Ruthenium), Os (Osminum), Ir (Irridium) - Gọi tắt là ROI. Các kim loại này đều không tạo hợp kim với vàng, vì vậy chúng chỉ tồn tại trong vàng miếng dưới dạng tạp chất cơ học giống như các hạt sạn màu ánh kim. Khi đo kiểm tra hàm lượng vàng bằng phổ kế X-quang cũng xác định được có các thành phần như vậy.

Làm thế nào để không bị vàng giả 'qua mặt'? ảnh 3

Hạt nhỏ màu trắng trên vàng giả khi soi dưới kính hiển vi.

Trên mẫu nghiên cứu mà Doji đưa ra, nhìn vào bề mặt, chúng ta có thể thấy bề mặt vàng không thật bóng mịn mà có hiện tượng xuất hiện những hạt lấm tấm. Điều này khác hoàn toàn với bề mặt bóng nhẵn của vàng bốn số thông thường. Ngoài ra, khi chụp phóng đại dưới kính hiển vi cũng xác đinh được cấu trúc bề mặt có dạng "hạt" nhỏ màu trắng khá rõ, khác biệt so với cấu trúc bề mặt của vàng bốn số.

Đặc biệt, khi cắt ngang mẫu vàng giả, thấy có độ giòn tự nhiên, độ dẻo kém hơn so với vàng thật, và có hình thành vết gẫy của vật liệu, chưa bấm hết kìm đã gẫy. Trong khi đó, vàng thật 9999, dù đã bấm hết kìm, nhưng do độ dẻo của vàng nên vẫn chưa đứt hẳn. Như vậy, theo phân tích của Doji, những mẫu vàng giả mới xuất hiện có sự khác biệt khá rõ giữa mặt ngoài và bên trong mẫu vàng. Sự chênh lệch này hoàn toàn có thể xác định được bằng nhiều phương pháp kết hợp.

Cảnh giác để tự bảo vệ

Như vậy, đến nay, dù đã có những nghiên cứu, phân tích khác nhau về việc xuất hiện vàng rởm, nhưng nó được độn bằng chất gì, nhóm kim loại nặng Pt hay vonfram thì vẫn chưa thể kết luận được. Bởi vậy, để tránh nguy cơ bị thiệt hại về kinh tế, Tập đoàn Dojo đã khuyến cáo cần kiểm tra vàng kỹ trước khi giao dịch mua bán. Theo đó, khi pha hàm lượng lớn trong vàng thường tạo ra bề mặt không thật sáng bóng, sạch sẽ và dễ xuất hiện các dạng hạt sạn.

Trong một số trường hợp, khi nấu lại sẽ thấy sạn xuất hiện nhiều hơn dưới đáy. Có trường hợp sau khi nấu, xuất hiện những mảng màu trắng ở bề mặt đáy, dưới dạng lớp rất mỏng, đo X-quang vẫn khó phát hiện sai khác, khi nấu lại thì lớp này không còn nữa. Khi cắt ngang miếng vàng và kiểm tra dưới kính hiển vi kim tương độ phân giải cao có thể phát hiện một số dấu vết lạ rất nhỏ bên trong. Đó có thể là bằng chứng để nghi ngờ và cần kiểm tra kĩ hơn bằng phương pháp bổ sung.

Làm thế nào để không bị vàng giả 'qua mặt'? ảnh 4

Nhà đầu tư nên kiểm tra vàng kỹ trước khi giao dịch.

"Theo chúng tôi, đây là hiện tượng mới và có tính chất tinh vi, công nghệ cao, xuất phát từ gian thương nước ngoài, khó phát hiện nên đặc biệt cẩn trọng trong mua bán, giao dịch. Để tránh bị thiệt hại về tài chính, khi giao dịch, các chủ tiệm vàng cũng như người dân cần chú ý tới các phương pháp kiểm tra về cảm quan, các yếu tố nguồn gốc, xuất xứ, độ tin cậy và uy tín của bạn hàng, khách hàng. Tiếp theo, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và các phương pháp kiểm tra đo đạc khác nhau để giám định và đánh giá chất lượng tuổi vàng như: soi bề mặt, đo tỉ trọng, phổ kế X-quang có độ chính xác cao. Khi cảm thấy nghi vấn nhưng chưa đủ điều kiện trang thiết bị máy móc cho việc giám định thì nên tới các đơn vị có đủ điều kiện tiêu chuẩn, sử dụng các thiết bị kĩ thuật cao để giám định sâu hơn" - ông Dương Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Sản xuất -Kĩ thuật của Doji khuyến cáo.

Giao dịch vàng trên 300 triệu đồng phải trình chứng minh thư

Theo Thông tư 35/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng chống rửa tiền áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan, có hiệu lực từ ngày 14/2/2014, cá nhân, tổ chức giao dịch vàng có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo với cơ quan phòng chống rửa tiền thông tin về khách hàng. Cụ thể, với các cá nhân, thông tin cần báo cáo gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu, quốc tịch, địa chỉ cư trú. Nếu là doanh nghiệp, khách hàng cần để lại thông tin về tên tổ chức, địa chỉ, quốc gia, mã số thuế (hoặc giấy phép hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh).

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG