Năm 2011 đã được thế giới chọn là Năm Quốc Tế Về Rừng với mục đích thúc đẩy việc quản lý, bảo tồn và phát triển rừng bền vững. Là đất nước giàu rừng nhiệt đới, Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi đó nhưng chưa triển khai hữu hiệu giải pháp nào ngăn nổi đà suy giảm về diện tích và chất lượng rừng trên mọi miền đất nước. Thậm chí, chưa năm nào sự manh động, hung hãn của lâm tặc lộng hành như năm nay!
Anh Lê Xuân Tùng, Tổ phó tổ kiểm lâm cơ động của Hạt Kiểm lâm Ea Sô vừa bị nện toác đầu trong cuộc chống trả không cân sức giữa sáu kiểm lâm viên với gần ba mươi tên lâm tặc tối ngày 10-10-2011, hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa khu vực 333 huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk. Hơn ba mươi tên lâm tặc đã truy quét ngược sáu kiểm lâm viên để tái chiếm tang vật, vây đánh tổ kiểm lâm hoàn toàn yếu thế giữa rừng sâu.
Cách thành phố Buôn Ma Thuột 80 km, nằm giáp ranh với 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên đến nay 26.848 ha rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô vẫn được giới khoa học đánh giá là môi trường sống lí tưởng nhất ở Việt Nam đối với nhiều loài động vật rừng thuộc bộ thú móng guốc ăn cỏ. Chính vì vậy, nơi đây luôn là “điểm hẹn nóng bỏng” của vô số phường săn và lâm tặc đến từ nhiều tỉnh thành, để săn thú và cướp gỗ với nhiều thủ đoạn tinh vi và hung hãn, bất chấp mọi cố gắng của lực lượng bảo vệ rừng. Cũng từ đây, năm 2003 đã xảy ra vụ án “đại gia săn bò tót Ea Sô”, mà phóng viên báo Tiền Phong trong khi thực hiện loạt phóng sự điều tra dài kỳ liên quan bỗng dưng bị những kẻ giấu mặt tổ chức đốt xe nhằm “khủng bố tinh thần”!
Tám năm qua, dù vụ đốt xe nhà báo từ lâu đã “ chìm xuồng”, sự soi chiếu của công luận góp phần “đẩy” khu trang trại của một số quan chức ra khỏi ranh giới Khu Bảo tồn, nhưng hàng chục con bò tót hiếm quý trong rừng Ea Sô vẫn tiếp tục bị bắn, hàng vạn khối gỗ quý từ Ea Sô vẫn tuồn đi các ngả, dù những cán bộ kiểm lâm trong sạch và nhà báo yêu nghề vẫn kiên cường thực thi nhiệm vụ đầy hiểm nguy đã được phân công. Sức ép bởi dân nghèo di cư tự do không gay gắt bằng thế lực đồng tiền của những trùm gỗ, trùm thú sẵn sàng mua chuộc; thậm chí không nguy hiểm bằng thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, ngại đụng chạm từ các công chức tư pháp có thừa khả năng và sức mạnh nếu cùng quyết tâm phối hợp để trừng trị những kẻ cố tình vi phạm Luật Bảo vệ Rừng.
Máu anh Tùng đã đổ, còn các thủ phạm đến nay vẫn bình yên vô sự. Do kiểm lâm viên bị nạn là người thi hành công vụ của tỉnh Đắk Lắk, địa bàn hỗn chiến thuộc tỉnh Gia Lai, thủ phạm lại ở tỉnh Phú Yên. Nếu không được cấp trên phối hợp chỉ đạo chặt chẽ thì vụ việc có thể bị chìm xuồng, lâm tặc cứ thế lộng hành coi thường luật pháp, còn lực lượng kiểm lâm cũng cứ thế mà đối mặt với nguy cơ bị “truy quét ngược”!