Bà Louise Chamberlain, giám đốc chương trình Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết UNDP đã làm một nghiên cứu về “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam – đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân”.
Từ năm 2009 đến năm 2015, có gần 75.000 người tại 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia khảo sát. Trong năm 2015, UNDP khảo sát tại TPHCM. Hơn 28% số người tham gia vào chương trình khảo sát tại TPHCM cho biết phải trả phí “bôi trơn”, “lót tay” khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với số tiền gần 14,5 triệu đồng/lượt.
Hơn 30% người dân được hỏi cho biết đã trả phí không chính thức cho cán bộ y tế tại các bệnh viện tuyến thành phố và quận huyện để được chăm sóc tốt, giảm gần 60% so với năm 2011. Chi phí “bôi trơn” cho dịch vụ y tế khoảng 700.000 đồng/lượt.
Theo đánh giá của những người dân tham gia chương trình khảo sát, quyết tâm chống tham nhũng của cả chính quyền và người dân có xu hướng giảm. Việc tuyển dụng công chức, viên chức phần lớn không dựa trên năng lực thật sự mà dựa trên các quan hệ cá nhân. Hơn 50% người được khảo sát cho hay có tình trạng phải “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước.
Đáng lưu ý, năm 2015, có 37% số người được hỏi cho rằng lãnh đạo cấp tỉnh đã nghiêm túc trong xử lý vụ việc tham nhũng ở địa phương, thấp hơn so với năm năm trước. Trong khi đó, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân lại có xu hướng gia tăng khi năm 2015, chỉ có gần 3% người bị vòi vĩnh, đưa hối lộ cho biết sẽ tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ chính quyền, giảm 7,5% so với năm 2011.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, thành phố đang hướng đến mô hình đô thị thông minh để xây dựng TPHCM trở thành “thành phố đáng sống”. Thông qua chính quyền điện tử, các giao dịch hành chính giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền sẽ được thực hiện qua hệ thống điện tử, hạn chế tối đa thời gian và sự tiếp xúc của người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực.