Tháo gỡ những rào cản cấp sổ đỏ

Còn rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ trong việc cấp sổ đỏ.
Còn rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ trong việc cấp sổ đỏ.
TP - Trước những vướng mắc được các quận, huyện trình bày tại Hội nghị công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) tổ chức ngày 18/7, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở TN&MT vào cuộc xử lý các “điểm nóng”, phải đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu trong khi tháo gỡ khó khăn.

Quận, huyện kêu khó

Theo ý kiến của đại diện các quận, huyện, thị xã tham dự Hội nghị, việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách và tài chính là nhiệm vụ quan trọng nhất nếu muốn đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ. Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, năm 2006, UBND quận Hoàng Mai đã ra quyết định cấp sổ đỏ cho khoảng trên 2.000 thửa đất nhưng người dân chưa đến lấy. Theo quy định, người dân nhận sổ đỏ thời điểm nào sẽ phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thời điểm đó. Nếu tính theo khung giá năm 2016, số tiền phải nộp cao hơn 7- 8 lần so với năm 2006. Vì lý do này, nhiều người dân chưa đến lấy sổ đỏ. Nhiều người kiến nghị được nộp tiền sử dụng đất theo giá thời điểm ký sổ đỏ (năm 2006).

Vẫn theo lời bà Oanh, trên địa bàn quận Hoàng Mai có nhiều khu dân cư được cơ quan nhà nước giao trái thẩm quyền. Tuy nhiên, khi mời cơ quan chủ quản đến làm việc thì không nhận được sự hợp tác. Đơn cử là trường hợp Công ty CMC, công ty này tự ý xây nhà, xây chung cư bán cho cán bộ công nhân viên nhưng lại tính tài sản giao trái thẩm quyền vào tài sản doanh nghiệp, dẫn đến tranh chấp kéo dài 10 năm chưa được giải quyết. UBND quận không có cơ sở cấp sổ đỏ cho người dân.

Đại diện UBND quận Hà Đông cũng cho biết, trên địa bàn quận Hà Đông hiện có nhiều hộ gia đình được giao đất, đã nộp tiền cho cơ quan phân đất nhưng không còn lưu giữ giấy tờ chứng minh. Một số cơ quan không tiến hành bàn giao hồ sơ theo quy định cho chính quyền địa phương quản lý nên gặp rất nhiều khó khăn khi làm sổ đỏ.

Việc xem xét áp dụng chế độ tài chính đối với loại đất có nguồn gốc ăn, ở  ổn định trước ngày 15/10/1993 cũng được nhiều quận, huyện quan tâm. Theo quy định, hộ dân có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc phải nộp 40% tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, những hộ không có giấy tờ chứng minh (đất lấn chiếm) thì lại được miễn tiền sử dụng đất khiến người dân đem ra so sánh, dẫn đến khiếu kiện. Để thúc đẩy nhanh tốc độ làm sổ đỏ, một số quận, huyện kiến nghị không thu tiền sử dụng đất đối với nhóm hộ gia đình đã ăn, ở ổn định trước ngày 15/10/1993.

Trong nhóm hộ chưa được cấp sổ đỏ, việc xét cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng (xây nhà trên đất chưa có sổ đỏ) và đất có nguồn gốc cha ông để lại nhưng không có giấy tờ chứng minh theo quy định tại khoản 1- Điều 100 Luật Đất đai 2013 vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Đại diện UBND quận Long Biên đề nghị, chỉ tiến hành thanh tra đối với những công trình vi phạm từ 2004 trở lại đây để tránh tốn kém, đồng thời xem xét nâng hạn mức được cấp sổ đỏ lần đầu với loại đất cha ông để lại trên mức 120m2 để người dân đỡ thiệt thòi.

Gỡ bỏ rào cản

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, để thực hiện mục tiêu hoàn thành cấp sổ đỏ lần đầu trên địa bàn thành phố vào tháng 6/2017, Sở TN&MT đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Cụ thể, với các thửa đất lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, UBND các quận, huyện tổ chức rà soát, thanh tra đối với các trường hợp vi phạm từ ngày 1/7/2004 đến ngày 1/7/2014. Trường hợp phù hợp quy hoạch thì tổ chức xét cấp sổ đỏ và thu nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Quyết định 37 của UBND thành phố; Đối với đất cấp trái thẩm quyền không còn giấy tờ chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp cho cơ quan, tổ chức, thì cho phép lấy ý kiến cộng đồng dân cư và UBND cấp xã xác nhận người sử dụng đất đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức.

Đối với đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng nhưng người dân sử dụng đất có nguồn gốc, giấy tờ hợp lệ được pháp luật thừa nhận, đã sử dụng trước thời điểm công bố, cắm mốc vẫn được xét cấp sổ đỏ, nhưng ghi chú không được xây dựng công trình cản trở việc bảo vệ an toàn công trình. Trường hợp phải di dời thì phải bàn giao lại và được bồi thường theo quy định.

Với đất nằm trong quy hoạch, đã có quyết định thu hồi, nhưng sau 3 năm chưa thực hiện sẽ xem xét thu hồi lại các quyết định đã ban hành, xét cấp sổ đỏ cho người dân như bình thường. Liên quan đến việc cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định, Sở đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về công nghệ, con người để hoàn thành mục tiêu cấp sổ đỏ đối với 700.000 thửa đất đã dồn điền đổi thửa xong trong năm 2016.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu, Tổ công tác đặc biệt của Sở TN&MT phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân mua nhà, đất ở khu chung cư, khu đô thị chưa được cấp sổ đỏ, đất nhà nước giao trái thẩm quyền chưa được cấp sổ đỏ. “Trường hợp chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, thì tổ công tác căn cứ theo Chỉ thị số 11 của UBND thành phố và chỉ đạo của Chính phủ. Nghĩa là chúng ta cấp sổ đỏ để đảm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, phải đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu…”, ông Hùng nói. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu, Tổ công tác đặc biệt của Sở TN&MT phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân mua nhà, đất ở khu chung cư, khu đô thị chưa được cấp sổ đỏ, đất nhà nước giao trái thẩm quyền chưa được cấp sổ đỏ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.