Làm sao tránh được mùa, mất giá vải thiều?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn kinh tế về tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của Bắc Giang.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn kinh tế về tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của Bắc Giang.
TP - Ngày 8/6, tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn kinh tế về tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực của Bắc Giang với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai và thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) cùng nhiều thương nhân trong và ngoài nước.

Sản lượng tăng, giá có giảm? 

Tại Diễn đàn, ông Dương  Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, sản lượng vải thiều năm nay ước đạt 160-180 nghìn tấn, tăng gần gấp đôi so với năm trước, mặc dù diện tích vải thiều giảm so với năm trước khoảng gần 1.000 ha. Một số thương nhân thông báo tại Diễn đàn rằng, mức giá bình quân thu mua tại huyện Lục Ngạn vẫn ở khoảng 12.000-18.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm đầu vụ vải thiều, mức giá năm nay chỉ bằng khoảng 1/2 năm trước. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, hiện mức giá này vẫn chưa phải là giá “chuẩn” của vải thiều mà cần khoảng vài hôm nữa, khi vải thiều chính vụ chín rộ, lực lượng thương nhân Trung Quốc thu mua mạnh thì giá mới được xác lập một cách chính xác.  

Lo cho đầu ra của vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Tỉnh đã tổ chức mang vải thiều Lục Ngạn đến Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), một địa phương được coi như đầu mối tiêu thụ nông sản ở phía Nam Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ông Thái cho biết, tỉnh coi trọng tất cả các thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, nội địa tập trung vào Hà Nội và TPHCM. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông, Thái Lan, Canada… Đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để đưa vào thị trường Mỹ, Úc, EU, Trung Đông, Canada và Thái Lan.  Năm 2018, dự kiến tỷ lệ vải thiều tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tương đương nhau (50% xuất khẩu, 50% tiêu thụ nội địa).

Băn khoăn

Sản lượng vải thiều lớn, thời gian thu hoạch ngắn nên nhiều doanh nghiệp đề nghị chính quyền, người dân Bắc Giang có những biện pháp mạnh để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội), DN chuyên xuất khẩu nông sản, trong đó có vải thiều Bắc Giang, đề nghị người trồng vải phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khâu sơ chế phải được quan tâm song cũng cần tính toán đầu tư công nghệ phù hợp, giá không quá đắt để giảm giá thành sản phẩm. Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TPHCM) cho rằng, người dân khó có thể nhận diện xuất xứ hàng hóa của trái vải là từ Hải Dương hay Bắc Giang vì đều được đóng gói trong thùng mút xốp được dán băng keo với thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn”. 

Các cơ quan chức năng ở cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều. Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và chính quyền Bằng Tường cho biết, họ cam kết ưu tiên phân luồng xe, bố trí bến bãi, điểm tập kết, cử cán bộ làm tăng ca tại một số cửa khẩu để tạo điều kiện cho vải thiều thông quan thuận lợi.

Chú trọng quy hoạch sản xuất, hạn chế thông tin thất thiệt

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục phát huy vai trò báo chí, tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải thiều và các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, đảm bảo thông tin khách quan, toàn diện, tránh thông tin thiếu chính xác gây dư luận không tốt ảnh hưởng đến thị trường và đời sống của bà con. Đồng thời lưu ý tỉnh Bắc Giang cần chủ động thông tin cho các cơ quan báo chí để phối hợp tuyên truyền, tạo hiệu ứng tốt cho mùa vụ thu hoạch tới. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần chủ động đàm phán với các cơ quan đồng cấp của các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ visa tại chỗ của cửa khẩu Hữu Nghị và mô hình thông quan “Hai quốc gia - một kiểm tra”. Nghiên cứu có cơ chế riêng cho phát triển thị trường các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, mang tính mùa vụ như quả vải thiều.

Đối với tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương cần bám sát nhu cầu thị trường, quan tâm quy hoạch sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu, tem nhãn, phối hợp các tỉnh, thành phố để tăng cường thông tin kết nối cung cầu, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc, tạo điều kiện cho thương nhân sang thu mua vải thiều, sớm mua bán theo hợp đồng chính thức phòng tránh rủi ro cho người trồng và người mua. 

Đại diện Công ty Cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TPHCM) cho rằng, người dân khó có thể nhận diện xuất xứ hàng hóa của trái vải là từ Hải Dương hay Bắc Giang vì đều được đóng gói trong thùng mút xốp được dán băng keo với thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn”.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.