Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
15/10/2021 10:08
Chính phủ chuyển trạng thái phòng, chống dịch
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch bệnh, trong đó đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Nhờ nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo quốc gia đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính và toàn thể nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát được tình hình, giảm dần số người mắc và tử vong. Chính phủ chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ “Zero COVID” sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp rất đồng tình, ủng hộ và chờ đón.
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu mở đầu buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Phạm |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cụ thể tại các địa phương thời gian qua còn có nơi, có địa bàn chưa thống nhất, xảy ra tình trạng lúng túng, mỗi nơi làm một kiểu, có dấu hiệu cát cứ địa phương.
Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất thời gian dài. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp mong muốn một chính sách thống nhất, hướng dẫn minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp và người dân mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.
Qua buổi Tọa đàm này, Báo Tiền Phong mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các vị khách mời để quá trình chuyển đổi trạng thái phòng, chống dịch đạt hiệu quả và Việt Nam sớm khôi phục nền kinh tế.
Xin cảm ơn Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đã đồng hành cùng báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm!
15/10/2021 10:32
Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128
Nhà báo Phùng Công Sưởng đặt câu hỏi: Những căn cứ nào để Bộ Y tế và đặc biệt Cục Quản lý môi trường tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thích ứng với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới?
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế):
Chính phủ vừa ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành để tiếp thu các ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước, tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, người dân và địa phương để tham mưu cho Chính phủ ra Nghị quyết 128.
Phòng chống dịch COVID-19 là chưa từng có tiền lệ. Đứng trước tình hình mới của dịch bênh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân, đồng thời vẫn tiếp tục phát triển kinh tế.
Trong quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” chúng ta có thể đi vào phân tích:
-Thích ứng an toàn: là chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng. Ở trạng thái bình thường mới có ca mắc trong cộng đồng nhưng ổn định phát triển kinh doanh.
- Còn linh hoạt: là các địa phương có thể áp dụng linh hoạt thích ứng với từng địa phương. Doanh nghiệp cũng có thể áp dụng linh hoạt trong từng cơ sở. Miễn sao không làm trái lại với nghị quyết của Chính phủ.
- Kiểm soát hiệu quả: là kịp thời phát hiện sớm, khoanh vùng dịch bệnh (thu hẹp khoanh vùng ổ dịch) để giảm tối đa sự ảnh hưởng đến người dân
Ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn đi kèm. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương có thể xếp loại cấp độ dịch theo các tiêu chí từ đó có thể ứng phó phù hợp.
15/10/2021 10:39
Người lao động chính là tài sản lớn nhất
Đâu là vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai việc chuyển đổi trạng thái phòng, chống dịch này?
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam:
Hai năm qua là giai đoạn cộng đồng doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn và gian nan nhất trong quá trình phát triển, nhất là trong đợt bùng phát dịch bệnh ở làn sóng COVID -19 thứ tư vừa rồi.
Cụ thể, Quý III/2021 tăng trưởng GDP của chúng ta âm 6,17%, trong khi trước đó chúng ta được quốc tế đánh giá là “ngôi sao” trong sự phát triển kinh tế thế giới. Tuy nhiên thực tế hiện tại, tôi cho rằng chúng ta là ngôi sao đang xuống thấp.
Hiện Việt Nam có gần 860.000 DN nhưng 9 tháng đầu năm đã có tới 90.000 DN rời bỏ thị trường và thực tế còn nhiều hơn. Bên cạnh đó, số DN mới ra đời cũng thấp hơn số lượng DN rời bỏ thị trường.
Nhưng đây chỉ là “Bề nổi của tảng băng chìm” bởi các DN đang hoạt động hiện nay đa phần kinh doanh không hiệu quả, thiếu khả năng thanh khoản, bị đứt gẫy trên thị trường.
Nếu tính bài toán lỗ - lãi thông thường, có lẽ nhiều DN sẽ đóng cửa nhưng thực tế các DN vẫn cố gắng cầm cự để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đây chính là tinh thần trách nhiệm và sự nhân văn của DN. Bởi trên hết, người lao động chính là tài sản lớn nhất của DN và người lao động chính là gia đình thứ 2 của doanh nhân.
Thời gian vừa qua, mặc dù khó khăn nhưng nhiều DN vẫn tích cực đóng góp vào quỹ vắc xin cho đất nước để góp phần khống chế dịch bệnh. Vì thế trong các nghị quyết, văn bản gần đây của Chính phủ và Bộ Y tế đã nhìn nhận lại vai trò chủ thể của các DN và đây chính là điểm sáng và niềm tin của đất nước dành cho DN trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế giữa đại dịch.
15/10/2021 10:57
Du lịch chịu hậu quả rất lớn
Hà Nội là trung tâm kinh tế thứ 2 của cả nước. Nhưng 2 năm qua, những khách sạn 5 sao, khu phố sầm uất đều trở nên ảm đạm. Xin hỏi ông Nguyễn Mạnh Thản, ông có suy nghĩ gì về tình hình hiện tại?
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội:
Ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu hậu quả nghiêm trọng. Với quan điểm của tôi, ngành du lịch không chỉ là ngành kinh tế đơn thuần, mà là ngành kinh tế cái. Du lịch đi đến đâu, các ngành kinh tế khác đi theo. Du lịch phát triển, các ngành khác phát triển.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch là ngành chịu hậu quả rất lớn. Rất nhiều đơn vị không nuôi nổi người lao động, phải giải tán, phải tìm cách hỗ trợ nhân viên hưởng trợ cấp.
Ngoài chuyện khách không có, doanh nghiệp vẫn phải chi tiền điện, tiền thuê, tiền lương cho nhân viên… thậm chí các khoản bảo hiểm.
Các chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước là cánh cửa mở ra cho ngành du lịch Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội. Ảnh: Duy Phạm |
Các ý tưởng du lịch số, du lịch khép kín, an toàn đều đúng, nhưng soi vào thực tế có ổn không?
Các nước đã bắt đầu đón khách quốc tế, trong nước mới rục rịch mở cửa cho khách nội địa. Chúng ta đã đi sau so với thế giới.
Quyết định đi du lịch hay không là ở khách. Tuy nhiên tâm lý của người đi du lịch là thoải mái, giao lưu, gặp gỡ, nhưng yêu cầu của chúng ta khép kín. Muốn đi du lịch phải test nhanh, PCR cả đi và về dù đã tiêm 2 lần vắc xin. Quản lý quá nghiêm khắc, cứng nhắc. Ý tưởng hay nhưng bị cản trở bởi thực tế.
Bên cạnh đó, kinh tế sa sút, khách không còn có tiền để đi du lịch nữa, không còn phân bổ tiền để đi du lịch mà tập trung vào các vấn đề thiết yếu khác.
Khó về cách quản lý trong phòng chống dịch, nhiều khi nghiêm khắc quá gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp sức cùng lực kiệt, tình trạng doanh nghiệp chết và chờ chết là thực tế. Những báo cáo lên cơ quan Nhà nước còn chưa đủ, tình trạng thực tế còn nghiêm trọng hơn.
Thay mặt các lực lượng kinh doanh của thủ đô nói riêng và toàn quốc nói chung, tôi muốn chúng ta phải bàn với nhau, thông qua các đơn vị truyền thông, các hiệp hội nghề nghiệp… kiến nghị với các cơ quan chức năng nên động viên, tận dụng hết trách nhiệm đối với doanh nghiệp chân chính có trách nhiệm xã hội.
Nhà nước cần động viên, hỗ trợ tiền, giảm giá thuê, cho nợ… Lúc này là lúc coi trọng vấn đề kinh tế, đừng loại bỏ sức khỏe của doanh nghiệp, đây là nguyên khí quốc gia, doanh nghiệp chết là đất nước chết.
Phải có thay đổi để phù hợp thực tế, phòng chống dịch nhưng vẫn phải phát triển kinh tế.
15/10/2021 10:59
Tiêm 'niềm tin' cho người lao động
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội |
Về phía Hiệp hội du lịch, có bao nhiêu phần trăm được tiêm vắc xin, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội:
Quan điểm của tôi là phải ưu tiên tăng cường niềm tin cho nhân lực. Để tăng cường niềm tin của nhân lực, tôi đề cao việc tiêm vắc xin lên đầu tiên. Tôi đã cố gắng để tất cả nhân lực trong doanh nghiệp của tôi đều được tiêm 2 mũi vắc xin. Từ đó mới củng cố niềm tin và sức khỏe của người lao động để cống hiến hết sức lực cho doanh nghiệp được.
15/10/2021 11:08
Vận tải hoạt động trong tình trạng “nghe ngóng”
Khi khôi phục lại, ngành Vận tải phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ lưu thông hàng hóa, lưu thông tiền tệ, lưu thông con người. Xin hỏi ông Nguyễn Văn Quyền, ngành Vận tải gặp phải những khó khăn nào ở thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Trong vận tải hành khách, các tuyến vận tải khách liên tỉnh nối vào hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, chiếm đến 70% cả nước. Ưu tiên hàng đầu là phải nhanh chóng phối hợp và có sự thống nhất giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng địa phương.
Về mặt chủ trương, các địa phương đã đồng ý nối lại giao thông. Tuy nhiên, chính sách triển khai tại các Sở giao thông vẫn còn hạn chế.
Hiện tại, vận tải mới hoạt động ở mức độ hạn chế, Hà Nội không đáng kể, TP.HCM dưới 5%, còn các khu vực khác như miền Trung vẫn đang trong quá trình trao đổi ý kiến giữa các Sở giao thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị đang trong tình trạng “nghe ngóng”, nhu cầu đến đâu mở đến đó.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số nơi đặt ra các quy định ngặt nghèo hơn so với Trung ương.
Ví dụ ở quy định ra vào cửa khẩu Móng Cái ở Quảng Ninh, xe vào và ra đều xét nghiệm COVID-19 dù vẫn trong thời hạn 3 ngày.
Một ví dụ khác là 22 chốt ở các cửa ngõ Hà Nội vẫn đang hoạt động. Thực tế này không phù hợp với chủ đạo của Chính phủ.
15/10/2021 11:28
Tăng cường tiêm vắc xin cho lái xe ở cả những vùng nguy cơ thấp
Tác động của dịch COVID -19 với ngành vận tải, cơ sở nào để thúc đẩy lại trạng thái mới an toàn?
Ông Nguyễn Văn Quyền- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Sau ngành du lịch, có lẽ vận tải là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch COVID -19. Trong đó vận tải hàng hóa còn hoạt động được 70 – 80% nhưng bị gia tăng chi phí như phí xét nghiệm trong khi hành trình vận tải hàng hóa bị kéo dài.
Đặc biệt các xe vận tải hàng hóa xuất khẩu chịu thêm khoản chi phí đắt đỏ cho đội lái xe dịch vụ vì phía Trung Quốc không cho lái xe Việt Nam đưa phương tiện qua ranh giới biên giới, nên lái xe Việt Nam phải mất chi phí cho đội lái xe dịch vụ để vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa khi giao cho các đội lái xe dịch vụ lại có nguy cơ bị mất mát, hư hỏng dẫn đến việc phải đền bù và phát sinh nhiều chi phí khác.
Chúng tôi đã kiến nghị với Lạng Sơn là đề nghị bỏ hoạt động của phương tiện lái xe dịch vụ để giảm chi phí.
Đối với vận tải hành khách hiện nay rất khó khăn, hầu hết các đơn vị vận tải chỉ còn hoạt động được ở những vùng có nguy cơ dịch thấp, ví dụ như tuyến vận tải nội tỉnh còn tuyến vận tải liên tỉnh ở khu vực nguy cơ cao hầu như không hoạt động được.
Do đó lượng hành khách chỉ còn 10 – 20% trong khi chi phí khấu hao, bảo dưỡng và thuê bãi đậu xe rất lớn. Vì vậy doanh nghiệp vận tải đang khó khăn chồng chất khó khăn.
Hiện nay Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt là các địa phương không ban hành các quy định gây ách tắc, khó khăn cho vận tải. Cho thí điểm nới lỏng điều kiện phòng, chống dịch với lái xe, phụ xe và hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Tuy nhiên, sau thời gian rất khó khăn, các đơn vị vận tải đến giờ mới nhúc nhích trong khi nhiều đơn vị đang nghe ngóng tình hình và đánh giá nhu cầu đi lại của khách hàng.
Trước những khó khăn nêu trên, chúng tôi kiến nghị và hi vọng ngành y tế phối hợp với ngành vận tải để kiểm soát dịch bệnh; có cơ chế, cách thức kiểm soát hành khách đến từ các khu vực nguy cơ cao và rất cao; đồng thời tăng cường việc tiêm vắc xin cho lái xe và phụ xe ở cả những vùng nguy cơ dịch thấp. Hi vọng với chỉ đạo của Chính phủ và ngành y tế thì ngành vận tải sẽ sớm được khôi phục.
15/10/2021 11:32
Không thể “1 con ngựa đau cả tàu uống thuốc”
Trung ương đã ban hành Nghị quyết 128 và đã có văn bản hướng dẫn, nhưng vẫn còn rất nhiều lúng túng và chưa thống nhất giữa các địa phương khiến việc đi lại rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa hoàn toàn, vậy bây giờ mở cửa lại các doanh nghiệp gặp phải khó khăn gì?
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel:
Doanh nghiệp du lịch đã kiệt quệ qua nhiều đợt COVID, đặc biệt qua đợt thứ 4 này.
Chưa có quy định cụ thể nào cho việc mở cửa lại du lịch. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, nhưng với riêng ngành du lịch, hầu như vẫn nằm im “chờ chết” mà chưa được mở cửa trở lại.
Trước đây du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% cho GDP, giờ thành “mũi gẫy”, trước là “con cưng” giờ thành “con hoang”
Nhiều người còn nói rằng du lịch không phải ngành kinh tế thiết yếu nên không được ưu tiên hoạt động trở lại.
Hiện nay du lịch gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ như từ Hà Nội muốn đến địa phương phải có giấy phép. Muốn trở lại Hà Nội cũng cần giấy phép của địa phương. Rất phức tạp. Mà du lịch thì điểm nổi bật là trải nghiệm, đi xa.
Hiện nay hầu như các tỉnh đóng cửa không tiếp du khách ngoại tỉnh, chỉ có thể du lịch nội tỉnh. Điều này hầu như không khả thi bởi hầu như không ai đi du lịch nội tỉnh cả.
Hiện ngành du lịch, lữ hành, khách sạn đang cần oxi lắm mà chưa có ai cứu cả.
Hiện chưa có chính sách ưu tiên thẻ xanh vắc xin trong du lịch. Khái niệm vùng xanh cũng chưa rõ ràng, ví dụ như Hà Nội hiện đang rất an toàn, không thể “1 con ngựa đau cả tàu uống thuốc”, người đi từ Hà Nội không phải đều là đối tượng nguy hiểm.
Chúng tôi mong muốn các ban ngành có góp ý với Chính phủ để đề ra những chính sách cấp thiết để cứu ngành du lịch.
15/10/2021 11:34
Địa phương không được làm trái Nghị quyết
Về tiến độ triển khai hộ chiếu vắc xin, Bộ Y tế có đề xuất thế nào để ngành vận tải hoạt động đơn giản mà an toàn?
Phó GS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế). Ảnh: Duy Phạm |
Phó GS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế):
Trong Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế đã có quy định chung về việc hướng dẫn các bộ, ngành hoạt động trong điều kiện mới; các địa phương căn cứ theo để thực hiện thống nhất. Trong đó, Nghị quyết 128 nêu rõ các địa phương chỉ được áp dụng biện pháp cụ thể bổ sung nhưng không được trái nghị quyết và gây ách tắc giao thông, trở ngại đời sống người dân. Đối với trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng phải lập tức báo cáo Bộ Y tế.
Đối với “hộ chiếu vắc xin”, hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTT&DL kết hợp với các bộ, ngành để triển khai thực hiện nhằm sắp tới mở cửa du lịch; ví dụ như Phú Quốc chuẩn bị đón khách quốc tế. Cùng với đó là thúc đẩy việc tiêm vắc xin cho toàn người dân.
Với việc đi lại của người dân, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì không thực hiện xét nghiệm COVID -19, chỉ trừ những trường hợp:
- Người đến từ khu vực có dịch cấp độ IV
- Đối tượng phải cách ly tế và theo dõi y tế
- Người từ địa bàn có dịch cấp độ III/ đối tượng thuộc diện bị cơ quan y tế điều tra dịch tễ.
Đối với việc lưu thông hàng hóa, trong tất cả cấp độ dịch thì Chính Phủ và Bộ Y tế luôn chỉ định là cho lưu thông hàng hóa. Do đó các địa phương phải cập nhật, đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã và thấp hơn để đảm vận tải được lưu thông đơn giản, an toàn.
Đối với các cơ sở du lịch được phép hoạt động trong cấp độ I, II, III còn riêng cấp độ IV thì hạn chế. Như vậy, Chính phủ và Bộ Y tế đã và đang tạo rất nhiều điều kiện cho các ngành để hoạt động lại trong điều kiện dịch bệnh.
15/10/2021 12:16
Phải trợ thở, cung cấp oxy cho doanh nghiệp
Ông đánh giá như thế nào khi Chính phủ ra Nghị quyết 128? Theo ông, phải có bước đi như thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an toàn?
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam:
Tôi kỳ vọng Nghị quyết 128 không có hướng dẫn của Bộ Y tế và địa phương, mà trực tiếp áp dụng đối với doanh nghiệp và người dân.
Trên thực tế, không phải lãnh đạo địa phương nào cũng nhận thức được chủ trương từ Chính phủ. Một số địa phương vẫn đòi hỏi “Zero COVID”, đưa ra các quy định ngặt nghèo.
Điều cần thiết hiện tại, ngoài vắc xin phòng COVID-19, phải bao phủ vắc xin “Vì dân” cho toàn bộ công chức để phòng ngừa được virus sợ trách nhiệm. Nhiều lãnh đạo địa phương sợ COVID-19, chỉ quan tâm làm sao để không bùng phát COVID-19, lơ là doanh nghiệp.
Tôi kiến nghị, đầu tiên, phải lập tức thành lập các đường dây nóng của Ban chỉ đạo quốc gia để doanh nghiệp, người dân kịp thời phản ánh bất cập ở địa phương, các hành vi vi phạm Nghị quyết 128. Điều này hoàn toàn khả thi.
Thứ hai, chúng ta cần khuyến khích tất cả các địa phương đưa ra các quy định nới lỏng hơn.
Điều quan trọng trước mắt là làm sao thực hiện đúng Nghị quyết 128. Tuy nhiên, về lâu về dài, phải có Bộ luật sống chung với dịch, áp dụng được trực tiếp, không cần các văn bản hướng dẫn.
COVID-19 qua đi, có thể vi rút khác sẽ xuất hiện, chúng ta sẽ bước vào thời kỳ nhiều bất ổn, lắm rủi ro do biến đổi khí hậu, hệ lụy của Cách mạng 4.0… Do đó, Bộ luật sống chung là cần kíp. Quốc gia và doanh nghiệp đều phải biết quản lý rủi ro, phòng ngừa tranh chấp.
COVID-19 khiến chúng ta ngộ ra rất nhiều điều, có lẽ chúng ta không nên theo hướng thành lập các đại công trường, siêu đô thị… Đến khi có tình huống bất ngờ, chúng ta lúng túng, không kịp phục hồi. Chúng ta nên tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao như ngành du lịch… Chúng ta không thể cứ mãi gia công.
Về phía Nhà nước, đầu tiên phải trợ thở, cung cấp oxy cho doanh nghiệp “thở”. Nghị quyết 128 là một ví dụ.
Thứ hai, cần có cơ chế đặc thù cho giai đoạn tái khởi động nền kinh tế trong 2 năm tới. Các thủ tục hành chính rút gọn tối đa trong 2 năm này, “cởi trói” và “giải phóng” mạnh mẽ cho doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước chỉ hậu kiểm thôi. Thể chế minh bạch vẫn là điều doanh nghiệp quan tâm nhất. Doanh nghiệp cần nhất là môi trường kinh doanh thuận lợi.
Thứ ba, đẩy mạnh các gói hỗ trợ tiền tệ và an sinh xã hội. Chúng ta đã cố gắng giảm nợ công, quỹ dự trữ cũng khá lớn. Điều cần làm hiện tại là hỗ trợ về tài chính do doanh nghiệp. Nhà nước cũng yêu cầu ngân hàng tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.
Nhà nước phải có quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng. Giảm một số loại thuế như thuế thu nhập, mở rộng phạm vi áp dụng thuế giá trị gia tăng, vừa giảm bớt gánh nặng cho người dân và kích cầu doanh nghiệp.
Hỗ trợ người lao động thông qua doanh nghiệp, không cần phải qua địa phương. Hãy tin doanh nghiệp hơn, chúng ta khó khăn vì chưa thực sự tin tưởng doanh nghiệp. Phải tin doanh nghiệp như tin chính quyền, doanh nghiệp phải trở thành chủ thể.
Thứ năm, các địa phương, bộ ngành đều có chương trình hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ mải kinh doanh, cần học nhiều hơn, không học không trụ được. Phải thay đổi, bắt đầu hành trình khởi nghiệp lần thứ hai, phải sáng tạo hơn rất nhiều. Do đó, các địa phương phải đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, đào tạo cho
Cuối cùng, tổ chức mạnh mẽ các chương trình thúc đẩy đầu tư, xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp nên hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.
15/10/2021 12:17
Cứu các doanh nghiệp là cứu chính chúng ta
Nếu để du lịch phát triển cần ưu tiên gì?
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội:
Theo tôi để du lịch phát triển trở lại cần chú trọng những vấn đề sau:
-Cơ chế chính sách chống dịch, mở rộng chính sách kiểm soát bệnh với ngành du lịch.
-Chia sẻ, gặp gỡ động viên các doanh nghiệp. Hiện chưa bình thường được thì cũng an tâm, sẵn sàng trở lại bình thường, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào có thể mở cửa lại được thì tạo điều kiện cho người ta. Thiếu nhân lực thì giúp đỡ đào tạo. Giống như là cấp oxi cho thở, cấp nước cho uống.
-Các địa phương, cơ sở cần có bộ phận chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp. Bởi cứu các doanh nghiệp là cứu chính chúng ta. Lấy sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của chính chúng ta. Nên tháo gỡ bớt các tiền kiểm và chuyển bớt sang hậu kiểm để tránh doanh nghiệp mất niềm tin.
Đồng thời, tùy điều kiện dịch bệnh của mỗi địa phương để phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm của Chính phủ là khoanh vùng dịch hẹp nhất có thể và phát triển kinh tế trên diện rộng nhất có thể.
15/10/2021 12:19
Mã “luồng xanh” có phải là giấy tờ con?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đề xuất các giải pháp phục hồi ngành vận tải thuận lợi và hiệu quả hơn.
Thứ nhất, trong vận tải hàng hóa, chúng ta vẫn duy trì cấp mã “luồng xanh”. “Luồng xanh” chỉ phù hợp trong điều kiện hạn chế mặt hàng vận chuyển, chỉ phù hợp trong phạm vi hẹp như TP.HCM và trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi mở rộng phạm vi, không còn phù hợp, gây ra các bất cập như hàng cấm, hàng lậu.
Tinh thần của Nghị quyết 128 là loại bỏ các giấy tờ con, liệu mã “luồng xanh” có phải là giấy tờ con? Tôi đề nghị nên sớm nghiên cứu bỏ quy định về xe “luồng xanh”.
Liên quan đến vận tải du lịch, quy định lắp camera kiểm soát phương tiện cũng có bất cập. Không ở đâu có quy định ghi hình hành khách trong suốt quá trình xe chạy. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp ảnh hưởng đến quyền riêng tư, bảo mật thông tin của khách. Đề nghị lãnh đạo ngành du lịch nghiên cứu, cân nhắc cải thiện quy định này.
Về xét nghiệm cho tài xế và nhân viên phục vụ trên xe, nên có hướng dẫn trên phương tiện thông tin đại chúng và tập huấn cho các hiệp hội vận tải ở địa phương phương pháp tự test để giảm chi phí xét nghiệm và thuận lợi cho lực lượng vận tải.
15/10/2021 12:23
Luồng xanh để nhanh hơn chứ không phải cản trở
Phó GS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế)
Liên quan đến vấn đề thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh về việc di chuyển giữa đại dịch thì từ khi dịch COVID -19 xuất hiện và bùng phát, các địa phương và Bộ Y tế đã triển khai việc này.
Đối với việc xét nghiệm COVID -19 của lái xe, trong các văn bản hướng dẫn đều nêu việc các tổ chức, cơ sở vận tải có thể tự tổ chức xét nghiệm theo đúng trình tự.
Về vấn đề vận tải “luồng xanh”, chúng tôi khẳng định rằng hành lang “luồng xanh” tạo ra để giúp việc di chuyển của các xe được nhanh hơn chứ không phải tạo ra để cản trở, gây ách tắc.
15/10/2021 12:24
Xe du lịch lắp camera thì không khác gì đuổi khách
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel
Đối với khách du lịch bây giờ vướng phải cách ly, test COVID, bây giờ mà bị theo dõi bằng camera thì có thể du khách rất khó chịu, bởi có nhiều vấn đề riêng tư. Nếu trên xe du lịch lắp camera thì không khác gì đuổi khách.
Hiện xe du lịch ngoại tỉnh không được vào Hà Nội, các xe du lịch lớn phải trung chuyển sang các xe nhỏ để di chuyển vào thủ đô. Mặc dù hiện nay ngành du lịch gần như không hoạt động, nhưng nếu mở cửa trở lại thì đây cũng là vấn đề cần được quan tâm. Ngành hàng không cũng đang bị bó rất chặt khi không thể di chuyển bằng máy bay.
15/10/2021 12:26
Đề xuất bỏ quy định về xe “luồng xanh”
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đề xuất các giải pháp phục hồi ngành vận tải thuận lợi và hiệu quả hơn.
Thứ nhất, trong vận tải hàng hóa, chúng ta vẫn duy trì cấp mã “luồng xanh”. “Luồng xanh” chỉ phù hợp trong điều kiện hạn chế mặt hàng vận chuyển, chỉ phù hợp trong phạm vi hẹp như TP.HCM và trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi mở rộng phạm vi, không còn phù hợp, gây ra các bất cập như hàng cấm, hàng lậu.
Tinh thần của Nghị quyết 128 là loại bỏ các giấy tờ con, liệu mã “luồng xanh” có phải là giấy tờ con? Tôi đề nghị nên sớm nghiên cứu bỏ quy định về xe “luồng xanh”.
Liên quan đến vận tải du lịch, quy định lắp camera kiểm soát phương tiện cũng có bất cập. Không ở đâu có quy định ghi hình hành khách trong suốt quá trình xe chạy. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp ảnh hưởng đến quyền riêng tư, bảo mật thông tin của khách. Đề nghị lãnh đạo ngành du lịch nghiên cứu, cân nhắc cải thiện quy định này.
Về xét nghiệm cho tài xế và nhân viên phục vụ trên xe, nên có hướng dẫn trên phương tiện thông tin đại chúng và tập huấn cho các hiệp hội vận tải ở địa phương phương pháp tự test để giảm chi phí xét nghiệm và thuận lợi cho lực lượng vận tải.
Đề xuất bỏ quy định về xe “luồng xanh”.
Theo ông, khi đăng ký để được cấp mã “luồng xanh”, có những xe phải chờ cả ngày.
Thứ hai, khi đơn vị vận tải kê khai vào “luồng xanh”, khi đi đã kê khai rõ ràng, nhưng khi về nhận hàng mới, giao trả hàng nhỏ lẻ. Câu hỏi đặt ra, làm sao để kiểm soát được thực tế này?
Bên cạnh đó, hành trình đi không phải chỉ trên quốc lộ, mà có thể vào các đường nhỏ hơn, vào các ngõ, các xóm. Lúc này phát sinh các vấn đề với các chốt kiểm dịch ở địa phương, bởi trong mã cấp phép không ghi rõ chi tiết như vậy.
Tôi đề nghị tháo bỏ “luồng xanh” để đơn vị vận tải không gặp những rắc rối không cần thiết.
15/10/2021 12:30
Kết thúc buổi tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong chia sẻ: Những ngày qua, chúng ta đã thấy không khí phấn chấn vui vẻ, không khí của Hà Nội những ngày chưa có dịch. Mặc dù còn nhiều e dè, quán ăn, nhà hàng, quán cafe chưa đông khách trở lại. Trên tinh thần đó nên cuộc tọa đàm diễn ra để tạo sự đồng thuận của người dân và các chính sách, các nghị quyết của Chính phủ. Tại cuộc tọa đàm các khách mời đã nêu ra các ý kiến đề xuất gửi tới Chính phủ để góp phần đưa ra những chính sách thiết thực giúp cả nước có thể trở lại cuộc sống bình thường mới.
Khách mời tham gia buổi toạ đàm
- Ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
- PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế).
- Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
- Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội
- Ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng Giám đốc AZA Travel