Làm sao để giúp con tránh trầm cảm trong mùa thi?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kỳ thi chuyển cấp PTTH và thi Đại học đang gần kề, trong khi các thí sinh đang phải đối mặt với áp lực thi cử và những tỷ số “chọi” gay gắt thì các phụ huynh lại “sống trong sợ hãi” vì nỗi lo con em bị trầm cảm. Mỗi năm, đến giai đoạn này, nhiều câu chuyện thương tâm lại xảy ra vì căn bệnh mang tên trầm cảm.

Trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp, học sinh thường phải đối mặt với nhiều áp lực khi các em thường đặt ra những mục tiêu cao cho bản thân mình. Đồng thời, các em cũng phải đối diện với áp lực từ gia đình và nhà trường, cảm thấy phải đạt điểm cao và đỗ vào trường đại học mong muốn.

Làm sao để giúp con tránh trầm cảm trong mùa thi? ảnh 1

Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh bị stress.

Ngoài ra học sinh còn phải đối mặt với lượng kiến thức khổng lồ cần ôn tập trong thời gian ngắn. Lịch học dày đặc, không có thời gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn khiến cho tâm trạng của họ trở nên mệt mỏi và căng thẳng hơn.

Nhiều học sinh đã chia sẻ rằng, việc so sánh bản thân với bạn bè cũng như lo lắng về việc mình học không tốt bằng người khác là một sức nặng vô hình khiến họ thường xuyên căng thẳng, sợ hãi, “thần kinh lúc nào cũng căng như dây đàn”.

Việc học liên tục ba ca và số lượng bài tập quá tải khiến những thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn thường xuyên thiếu ngủ. Việc này dẫn đến một hệ lụy khác: vì không được nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể trở nên mệt mỏi, suy nhược, khả năng tập trung cũng như ghi nhớ giảm sút.

Làm sao để giúp con tránh trầm cảm trong mùa thi? ảnh 2

Học sinh cuối cấp thường không đủ thời gian để ngủ vì gánh nặng bài vở.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không đủ dưỡng chất cũng có thể gây ra trạng thái uể oải, không có đủ năng lượng để hoạt động. Chưa kể, vì dồn hết thời gian vào việc học, rất ít học sinh còn có thể duy trì việc vận động thường xuyên. Đây chính là cọng rơm đè lên lưng con lạc đà khiến nhiều người lâm vào vòng lẩn quẩn: học không vào, căng thẳng, mệt mỏi, áp lực từ nhà trường, gia đình khiến họ càng “bấn”, tình trạng stress xảy ra thường xuyên hơn.

Theo thống kê từ Viện sức khỏe Tâm thần quốc gia, mỗi năm vào mùa thi, có tới hơn 90% học sinh ở lứa tuổi 15-18 bị stress nhẹ, gần 3% bị stress trung bình.

Để giải tỏa căng thẳng mùa thi cho sĩ tử, tránh tạo thêm áp lực không cần thiết, bác sĩ tâm lý Nguyễn Văn Thiện (Khoa Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Phương pháp hiệu quả nhất để giảm stress là phải duy trì giấc ngủ đủ và sâu. Một giấc ngủ ngon là yếu tố quan trọng giúp cơ thể phục hồi cũng như nạp năng lượng. Các phụ huynh hãy theo dõi giấc ngủ của con mỗi ngày, động viên con cố gắng ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm và tránh thức khuya. Đồng thời tạo một không gian ngủ thoải mái, yên tĩnh và mát mẻ nhằm đạt cảm giác thư giãn và đảm bảo giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn.

Làm sao để giúp con tránh trầm cảm trong mùa thi? ảnh 3

Mỗi năm vào mùa thi, có tới hơn 90% học sinh ở lứa tuổi 15-18 bị stress nhẹ, gần 3% bị stress trung bình.

Ngoài ra, bác sĩ Thiện cũng nhấn mạnh đến chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì sức khỏe tinh thần và cơ thể. Các em cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein. Đảm bảo ăn uống đúng giờ và hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt và thức uống có gas. Đặc biệt phải uống đủ nước mỗi ngày để cơ thể luôn được cân bằng và hoạt động tốt nhất. Vào mùa nóng, cơ thể sẽ mất nước nhiều hơn, phụ huynh có thể giúp con bổ sung thêm oserol, nước hoa quả, nước hầm các loại hạt… vừa bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất, vừa an toàn với sức khỏe.

Trường hợp xấu nhất, nếu cảm thấy căng thẳng quá mức và không thể tự giải tỏa, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia có thể giúp học sinh xác định nguyên nhân gây căng thẳng và đề xuất các biện pháp giải quyết phù hợp.

Làm sao để giúp con tránh trầm cảm trong mùa thi? ảnh 4

Hãy chia nhỏ thời gian học thành các buổi ngắn, xen kẽ với thời gian nghỉ ngơi để giúp não bộ tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Về khía cạnh tâm lý thi cử, giáo viên Đinh Thị Hoài Thu (ĐH Sư phạm) chia sẻ: Trước những kỳ thi quan trọng, để tận dụng thời gian một cách hiệu quả và tránh căng thẳng, việc lập kế hoạch ôn thi chi tiết và khoa học là rất quan trọng. Hãy chia nhỏ thời gian học thành các buổi ngắn, xen kẽ với thời gian nghỉ ngơi để giúp não bộ tiếp thu kiến thức tốt hơn. Đặt mục tiêu ôn tập cụ thể, phù hợp với khả năng của bản thân để tránh tạo áp lực quá lớn. Điều này giúp các em duy trì sự tập trung và hiệu quả trong quá trình ôn thi.

Việc giữ cân bằng tâm lý trước khi thi là điều tối quan trọng quyết định điểm số của bạn. Cô giáo Hoài Thu nói thêm: “Có những em học sinh đã chuẩn bị bài rất tốt rồi, nhưng mà trước khi vào kỳ thi lại hốt hoảng lo âu. Khi đó cần nhìn qua đề thi một lượt. Hãy hít thở sâu một chút, hít vào bằng mũi từ từ và thở ra bằng miệng từ từ, làm 5 lượt như vậy".

Làm sao để giúp con tránh trầm cảm trong mùa thi? ảnh 5

Các em cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein.

Cũng theo cô giáo Thu, hai ngày trước khi thi không nên học nhiều, thay vào đó hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống đủ chất và ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Các bậc phụ huynh cần quan tâm và giúp các con giải tỏa áp lực, động viên con cố gắng nhưng đừng đặt kỳ vọng quá cao để tránh tạo cho con những gánh nặng tâm lý không cần thiết.

MỚI - NÓNG
Hà Nội quyết định cắt điện, nước để xử lý hơn 10.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng
Hà Nội quyết định cắt điện, nước để xử lý hơn 10.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng
TPO - Tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Theo thống kê, từ năm 2014 đến tháng 6/2024 trên địa bàn thành phố đã phát hiện 10.494 công trình vi phạm trật tự xây dựng.