Mục tiêu là phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, 50% cơ sở giáo dục bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định.
Đề án nhằm cải thiện môi trường đọc, giúp học sinh trở thành người đọc chủ động, độc lập, tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh ; đồng thời khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.
Xây dựng bổ sung không gian đọc sách mở, thân thiện cho học sinh đối với 100% các trường phổ thông nhằm mở rộng không gian đọc sách, tăng thêm chức năng hoạt động học tập cho học sinh.
Học sinh chưa hình thành được thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc sách. |
Theo đánh giá, đa số nhà trường tại địa phương đã được xây dựng từ nhiều năm về trước, sử dụng mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc trong không gian chật hẹp, tài liệu nghèo nàn, không hấp dẫn để thu hút giáo viên và học sinh đến đọc sách.
Với học sinh nói chung, thực trạng đáng báo động đó là các em ngày càng không có hứng thú với việc đọc sách. Học sinh chưa hình thành được thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc, do đó không thể tiếp cận một cách tốt nhất với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích cho việc học tập và cuộc sống của mình.
Địa phương nhìn nhận thực tế học sinh cấp THCS, lịch học dày và khối lượng kiến thức nặng hơn. Bên cạnh thời gian học chính khóa, học sinh còn học các tiết tăng cường vào buổi chiều, chưa kể việc đi học thêm, tự học, làm bài tập ở nhà vào buổi tối.
Trong giờ học chính khóa, việc nghỉ giữa giờ là 5 phút, không đủ để lôi kéo, khiến các em nhập tâm với việc đọc sách. Nhìn chung, khối lượng kiến thức và áp lực học tập, thi cử còn nặng ở các cấp học trên, nhất là các lớp cuối cấp nên việc khơi dậy đam mê đọc sách là việc cá nhân hóa hơn là tạo ra được một phong trào chung, mang tính rộng khắp.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết kế, xây dựng những góc thư viện mở, thân thiện; không gian đọc sách, học tập ngoài trời sáng tạo, hấp dẫn nhằm khơi dậy niềm đam mê và duy trì, tăng cường thói quen đọc sách cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp hiện nay.
Theo đề án, trước mắt địa phương sẽ xây dựng thí điểm không gian đọc sách mở và thân thiện trong trường học từ nguồn vốn ngân sách nhà nước sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng.
Địa phương này yêu cầu các trường học, bố trí thời gian đọc sách phù hợp, khoa học cho học sinh, giáo viên từng cấp học. Việc đọc sách phải trở thành yếu tố bắt buộc với thời lượng cụ thể và đa dạng. Theo đó, có thể dành 1 tiết/tuần cho từng lớp trong khung giờ chính thức, tùy theo điều kiện của mỗi trường và mỗi cấp học dành cho việc đọc của học sinh, giáo viên.
Đối với khối Tiểu học: thời gian đọc của học sinh vào các giờ ra chơi, trước và sau các bữa ăn bán trú. Các nhà trường thường bố trí cho học sinh thời gian chơi tại sân trường khoảng 30 phút. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để học sinh có thể đọc và giải trí trước khi vào giờ nghỉ trưa.
Đối với cấp THCS, THPT: thời gian đọc của học sinh và các giờ ra chơi và sau các buổi học chuyên đề. Sau các buổi học chuyên đề: nhà trường bố trí cho thư viện tiếp tục hoạt động để phục vụ cho các em học sinh có nhu cầu đọc, đặc biệt là đối với các em học sinh đang trong thời gian chờ phụ huynh đón.
Vĩnh Phúc yêu cầu ngành giáo dục, nghiên cứu, có giải pháp để giảm áp lực học tập, thi cử đối với học sinh những cấp học dưới, tăng thời gian hướng dẫn đọc sách, tự đọc, kết hợp học mà chơi. Khuyến khích học sinh, giáo viên đọc sách, tạo điều kiện để học sinh đọc sách mọi lúc, mọi nơi như trong giờ ra chơi, giờ đón chờ tan học...