Làm sao để gạt tâm lý lo sợ vì ám ảnh nhiễm HIV?

Ảnh minh họa: News.
Ảnh minh họa: News.
Em rất hay bị ám ảnh về HIV. Cách đây một năm, em dùng cây lấy ráy tai bị chảy máu, trước đó hơn một ngày có người lạ sử dụng cây ráy tai này không biết có chảy máu không.

Gần 3 tháng sau đó em đi xét nghiệm HIV, kết quả âm tính. Cũng nói thêm là lúc lấy máu xét nghiệm, cô y tá không thay găng tay mà sờ vào ven trên tay em, sau đó đâm kim nên càng khiến em lo lắng. Lúc nào làm em cũng sợ nguy cơ bị bệnh nên rất mệt mỏi. Mong bác sĩ tư vấn giúp. (Doc Gia).

Trả lời:

Chào em,

Trước tiên xin nói về lần nghi ngờ của một năm về trước. Hành vi chia sẻ dụng cụ cá nhân như vậy tuy có khả năng làm lây nhiễm HIV, nhưng nguy cơ không cao, nói đúng hơn là hy hữu. Thực tế đã được chứng minh bằng kết quả xét nghiệm âm tính sau đó 3 tháng. Như vậy, lần mà em cho là có nguy cơ ấy đã hoàn toàn không để lại ảnh hưởng nào. Hãy xoá nó khỏi tâm trí của mình một nỗi ám ảnh không đáng có.

Với lần nghi ngờ thứ hai, thực tế, hành vi lấy máu của bệnh nhân gần như không có khả năng làm lây nhiễm HIV nếu mũi kim được sử dụng duy nhất cho mỗi người. Nguy cơ chỉ phát sinh khi kim tiêm được sử dụng chung như trong đường lây HIV giữa những người tiêm chích ma tuý. Khả năng thứ hai là sau khi đâm kim vào bệnh nhân, nhân viên y tế vô tình để mũi kim đâm vào tay người khác. Cả hai tình huống này đều có sự chia sẻ chung kim. Dù vậy trong thực hành lâm sàng, khả năng này rất ít xảy ra.

Các tiếp xúc khác đều hiếm khi làm vấy máu vì thực tế lượng máu chảy sau khi bị kim đâm rất ít, thường không làm vấy máu lên tay hay găng tay của nhân viên y tế. Do vậy, những tiếp xúc như khi y tá sờ để tìm ven, dùng bông gòn để chèn cầm máu sau khi rút kim đều không làm lây nhiễm virus. Tất nhiên, về tiêu chuẩn an toàn trong tiêm chích, y tá được khuyến cáo thay găng sau khi thao tác trên từng bệnh nhân, song do số lượng bệnh nhân nhiều, đôi khi tiêu chuẩn này không được đảm bảo. Dù vậy, y văn thế giới đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị lây nhiễm HIV do sơ sót này.

Đối với HIV, quan trọng nhất chính là thái độ đúng với căn bệnh này. Đó là thái độ được xây dựng trên sự hiểu biết về bệnh, đường lây và không lây cũng như thành quả của điều trị. Thái độ đúng khiến cho chúng ta không rơi vào hai thái cực sai lầm: quá sợ hãi HIV đến mức ám ảnh bản thân cũng như kỳ thị người có H hay quá thờ ơ và bất chấp các hành vi nguy cơ lây nhiễm. Thay vì sợ hãi và ám ảnh, em hãy chủ động tìm hiểu và nhận thức đúng về các đường lây truyền HIV.

Hy vọng em sớm vượt qua những nỗi ám ảnh và xây dựng cho mình những biện pháp dự phòng hiệu quả.

Thân ái.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG