Làm nhiều đặc sản, lại bí đầu ra

Hành tím Vĩnh Châu được mùa nhưng mất giá. Ảnh: Duy Khương
Hành tím Vĩnh Châu được mùa nhưng mất giá. Ảnh: Duy Khương
TP - Ở ĐBSCL, hàng loạt nông sản đang rớt giá, đáng chú ý là nhiều đặc sản đã có số lượng lớn và nông dân khó tìm đầu ra cho các loại sản phẩm này.

> Nông dân Việt Nam chưa được hưởng sự giàu có

Hành tím Vĩnh Châu được mùa nhưng mất giá. Ảnh: Duy Khương
Hành tím Vĩnh Châu được mùa nhưng mất giá. Ảnh: Duy Khương.
 

Lúa một bụi đỏ ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2007. Đây là thương hiệu sản phẩm quốc gia thứ 14. Đặc điểm nổi trội của giống lúa này là chịu được độ mặn lớn, thích hợp với đất nuôi tôm, mỗi năm một vụ.

Huyện Hồng Dân còn kết hợp với các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ phục tráng cho mềm cơm. Từ 4 kg lúa giống phục tráng, giá 300 triệu đồng (mua của TS Võ Công Thành, Trưởng bộ môn Di truyền chọn giống nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ) nhân lên qua nhiều vụ, đến vụ mùa năm 2011, huyện Hồng Dân gieo sạ hơn 1.000 ha, thu được 5.000 tấn lúa một bụi đỏ.

Đến nay, hầu hết lúa một bụi đỏ chưa bán được. Vừa rồi, nông dân trồng loại lúa này đã không có tiền ăn Tết. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Cty Lương thực tỉnh Bạc Liêu cho biết, Cty đã mua 200 tấn với giá 7.000 đồng/kg và sẽ mua vài trăm tấn nữa.

Lượng tiêu thụ như thế còn quá nhỏ so với tổng sản lượng. Ths Nguyễn Trung Hiếu, Phó phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân cho biết, ông không nắm được cụ thể lượng lúa còn tồn đọng trong dân, chỉ biết là còn rất nhiều.

Bên cạnh đó, huyện Hồng Dân còn có lúa một bụi đỏ gạo hồng, rất giàu dinh dưỡng có tác dụng chống ung thư, vụ mùa 2011 là vụ đầu tiên, thu được 200 tấn.

Huyện đã mua 44 tấn làm giống, còn lại bà con chưa bán được hạt nào. Vì giống lúa mới, thương lái không mua, bà con nông dân không biết bán cho ai. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực ở ĐBSCL và TPHCM cũng như Trường Đại học Cần Thơ đã giới thiệu đến khách hàng gần xa loại lúa này, nhưng họ mới chỉ nhận được lời hứa sẽ tiêu thụ.

Cơ quan xúc tiến thương mại địa phương cũng tích cực giới thiệu đến hệ thống siêu thị, khách hàng châu Âu, song tất cả cũng đang chờ.

Mấy năm trước, ông Huỳnh Văn Phó, ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi, làm một vụ trên 4 ha, thu gần 20 tấn, lời hơn 100 triệu đồng. Cũng ở ấp Chủ Chọt, ông Nguyễn Văn Hoàng làm 7 ha, thu 42 tấn. Năm nay, các hộ này đạt sản lượng gấp nhiều lần, đã gặp khó trong tiêu thụ.

Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có đặc sản hành tím, song sau khi sản xuất nhiều, giá xuống quá thấp, nông dân cũng đang lỗ nặng. Ông Thạch Hươn, trồng hành lâu năm ở xã Lai Hòa cho biết, mỗi héc-ta thu được 13-20 tấn, giá bán cho thương lái 4.500-5.000 đồng/kg, lỗ 40-50 triệu đồng.

Còn ở xã Vĩnh Phước, theo ông Trần Thanh Yên, năng suất cao hơn, mỗi héc-ta đạt 20-25 tấn, giá bán 5.000-6.000 đồng/kg nhưng chi phí đầu tư cũng cao hơn nên mỗi héc-ta lỗ đến 50-60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, bức xúc nói, khi sản xuất ít thì các doanh nghiệp kêu phải có số lượng lớn để đáp ứng yêu cầu của bạn hàng, nhưng khi nông dân sản xuất số lượng lớn thì lại phải “ôm”. “Đằng nào nông dân cũng phải chịu thiệt”, ông Đồng nói.

Nhiều nhà quản lý phân tích, yếu kém nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự gắn kết giữa sản xuất với thương mại. Sản xuất đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, vấn đề là làm sao đưa sản phẩm đến khách hàng để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG