Làm giàu từ nuôi chồn, dế

Tham quan trại dế Thiện An. Ảnh: K.A
Tham quan trại dế Thiện An. Ảnh: K.A
TP - Bảy chàng trai ở những vùng quê nghèo khó thuộc huyện Lâm Hà (vùng kinh tế mới Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng) cùng góp vốn và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để vượt qua cơn bĩ cực. Hai trong số bảy thanh niên này đã được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của.

Sáng lập CLB chăn nuôi trẻ

Nguyễn Hữu Phương (29 tuổi)- Chủ nhiệm CLB chăn nuôi trẻ ở Lâm Hà hồi tưởng: 5- 7 năm trước, anh cùng một số bạn làm ăn trầy trật, khó khăn. Đồng vốn eo hẹp, kinh nghiệm làm ăn chưa được bao nhiêu nên được vụ này thì mất vụ kia. 

Đến năm 2009, anh Phương thuyết phục, vận động những bạn trẻ chí thú làm ăn và tâm huyết với nghề chăn nuôi vào CLB để kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau. Hầu hết các thành viên xuất thân từ gia đình nghèo khó, chỉ học đến lớp 9, lớp 10 nhưng có chí hướng vươn lên.

CLB sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần vào ngày 20, luân phiên tại trại chăn nuôi của các thành viên để kết hợp tham quan, tìm hiểu cụ thể từng mô hình, qua đó trao đổi kỹ thuật, giúp nhau tháo gỡ khó khăn; chia sẻ những thông tin mới về con giống, thức ăn chăn nuôi, thị trường tiêu thụ, biến động giá cả… 

Hàng tháng, mỗi người đóng góp 300.000 đồng vào quỹ CLB để giúp đỡ những thành viên đang gặp khó khăn về vốn. Hiện nguồn quỹ đã lên đến 100 triệu đồng, luân phiên cho các thành viên vay với chu kỳ 4 tháng, tương ứng với thời gian chăm sóc và xuất chuồng một lứa vật nuôi.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà Giáp Thị Thủy, anh Phương là nhân tố điển hình sáng tạo trong lao động sản xuất của tuổi trẻ địa phương, được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của. Anh nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường để thay đổi vật nuôi cho phù hợp nên các mô hình nuôi thỏ, gà, cá đều cho thu nhập khá. Anh Phương còn là một trong những người đi tiên phong sản xuất cà phê chồn - loại cà phê hảo hạng và cao giá nhất.

Nhận thấy ở Việt Nam, chỉ TP Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Lâm Hà trồng được arabica - dòng cà phê có mùi hương quyến rũ, đắt giá nhất và cũng chính là thức ăn khoái khẩu của chồn, anh Phương vượt hơn 350km xuống huyện Củ Chi (TPHCM) mua về 10 con chồn (5 triệu đồng/con), nuôi thêm vài tháng rồi cho ăn những quả cà phê chín mọng để sản xuất cà phê chồn.

“Enzyme tiết ra từ dạ dày chồn hương đã thúc đẩy quá trình lên men và các men tiêu hóa thấm qua lớp vỏ trấu của hạt cà phê. Nhờ vậy cà phê có hương vị mạnh, dìu dịu, ngai ngái rất đặc biệt so với các loại cà phê thông thường, ai từng được thưởng thức sẽ không bao giờ quên”, anh Phương nói. 

Vì arabica ở Lâm Hà chỉ cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10 nên từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, anh cất công vượt hơn 50km lên tận các xã Xuân Trường và Xuân Thọ ở Đà Lạt để mua quả cà phê cho chồn ăn, mà cũng chỉ mua đủ cho 2 ngày bởi để lâu hơn thì cà phê bị cũ, hấp hơi sẽ bị chồn chê. Kỳ công như thế nên cà phê chồn nguyên liệu của Phương đạt chất lượng cao, được bao tiêu với giá từ 800.000 - 1 triệu đồng/kg hạt.

Lập trại dế đầu tiên ở Lâm Đồng

Chàng trai thứ 2 trong CLB chăn nuôi trẻ được trao giải thưởng Lương Định Của là Nguyễn Quang Huy (thôn 2, xã Mê Linh). Năm 2001, thi đỗ vào Đại học Đà Lạt nhưng vì gia cảnh nghèo túng nên Huy phải đi làm thuê kiếm tiền ăn học. Đến giữa năm thứ 3, Huy bị bệnh không lao động nặng nhọc được nữa nên đành bỏ dở chuyện học hành, xuống vùng KTM Lâm Hà tìm kế sinh nhai.

Năm 2006, nghe một người ở miền Đông Nam bộ ăn nên làm ra nhờ nuôi dế, anh Huy khăn gói vượt hàng trăm cây số đến trang trại dế ở huyện Củ Chi để tìm hiểu thực tế. “Người ta quá kín tiếng nên em chẳng học hỏi được nhiều; phải tiếp tục mày mò tích lũy kiến thức từ sách vở, internet… để chăm số con giống mua về”, anh Huy nói. 

May mắn là đàn dế thích nghi với nơi ở mới, lớn nhanh và mắn đẻ. Anh Huy mang mẻ dế đầu tiên lên TP Đà Lạt để tiếp thị tại các nhà hàng, quán nhậu. Không ít nơi từ chối nhưng cuối cùng anh cũng tìm được vài ba người chịu đánh cược với món ăn lạ. Từ vài chậu nhựa nuôi dế ban đầu, anh Huy phát triển thành trại rộng 200 m2 với hàng chục chiếc lồng, mỗi lồng khoảng 4m2 chứa hàng vạn con dế.

Ban đầu chỉ nghĩ đến việc nuôi dế để bán cho người dân làm thực phẩm với giá từ 160.000 – 200.000 đồng/kg. Thế nhưng vì trại nằm ven tỉnh lộ 725 nối TP Đà Lạt với huyện Lâm Hà - tuyến đường được nhiều đơn vị lữ hành khai thác tour du lịch, anh Huy đã quảng bá, liên kết để cơ sở nuôi dế của mình trở thành điểm tham quan.

Mỗi ngày hàng chục lượt khách trong và ngoài nước ghé thăm trại, còn vào những ngày cao điểm, lượng khách lên đến hàng trăm. Không chỉ hướng dẫn du khách tham quan, giải đáp các thắc mắc, anh Huy còn chiêu đãi món dế chiên giòn.

Thấy khách Tây ngần ngại không dám thưởng thức món lạ, anh Huy gắp con dế vàng rộm cho vào miệng nhai ngon lành và khẳng định: “Dế được cho ăn cỏ, lúa, ngô xay và uống nước sạch; không hề có thuốc tăng trọng hoặc kích thích. Trước khi thu hoạch khoảng ba ngày, chúng được cho ăn ngô rang xay nhuyễn để sạch bụng và thịt thơm hơn”.

Từ vài chậu nhựa nuôi dế ban đầu, anh Huy phát triển thành trại rộng 200m2 với hàng chục chiếc lồng, mỗi lồng khoảng 4m2 chứa hàng vạn con dế.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.