Làm giàu thời biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Văn Danh chăm sóc kiểng trước nhà. Ảnh: Hòa Hội.
Ông Nguyễn Văn Danh chăm sóc kiểng trước nhà. Ảnh: Hòa Hội.
TP - ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, tuy nhiên, giờ đây người dân biến những thách thức đó thành cơ hội để vươn lên làm giàu.

Xã đảo Hòa Minh và Long Hòa (Châu Thành, Trà Vinh) nằm kẹp giữa sông Cổ Chiên và giáp biển Đông nên luôn đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Không vì thế mà người dân lo lắng, sợ hãi mà họ xem đó là cơ hội để vươn lên làm giàu.

Làm giàu thuận thiên

Đầu giờ chiều cuối tháng 10, nhà ông Nguyễn Văn Danh ở ấp Rạch Ngựa, xã đảo Long Hòa (Châu Thành, Trà Vinh) rộn ràng với hơn chục công nhân đang chuẩn bị thu hoạch tôm. Ông Danh vui vẻ nói: “3 năm nay tôi bỏ luôn lúa để chuyển sang nuôi tôm càng xanh, điều mà trước đây chưa bao giờ người dân xứ này nghĩ tới. Bây giờ miếng ăn không còn lo nữa mà chỉ lo làm giàu”.

Gia đình ông Danh có 6 người con, đều ở riêng gần nhà ông cùng nuôi 7 ha tôm công nghiệp và quảng canh. Ông cho biết, nhờ nuôi tôm mà xây được căn nhà khang trang vài trăm triệu, còn con trai mua thêm xe ô tô trị giá tiền tỷ, trung bình mỗi đứa con thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Ở xứ cù lao này 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt nên cách nay hơn 10 năm chỉ trồng một vụ lúa để dành ăn, còn khi mặn xâm nhập thì bỏ đất hoang. Người thì bỏ xứ đi làm thuê xa, người ở lại địa phương ai nhờ gì làm đó… nên cuộc sống quanh quẩn trong cái nghèo. “Chính nhờ con tôm mà thay đổi cả xứ cù lao này, người dân không còn bỏ xứ đi nữa mà thay vào đó bám quê để nuôi tôm, đời sống khá giả”, ông Danh chia sẻ.

Ông Danh giới thiệu, người dân phất lên nhờ “vị cứu tinh” là ông Đặng Văn Chuột (Hai Chuột) người đầu tiên mang con tôm về xứ này. Theo lời giới thiệu, phóng viên tìm đến nhà ông Hai Chuột, cách nhà ông Danh hơn 3 km ở cùng ấp theo con đường mòn quanh co. Ông Hai Chuột năm nay 78 tuổi, tóc bạc trắng. Ông Hai Chuột vui vẻ nói: “Tui đang nuôi 0,5 ha tôm càng xanh, năm nay thu nhập gần trăm triệu, dư sức để vợ chồng già sống qua ngày”.  Phóng viên nhắc lại lời ông Danh giới thiệu chính ông là người đầu tiên đem con tôm từ xứ khác về nuôi, từ đó giúp cho dân xứ cù lao này có cuộc sống khá lên. Ông Hai Chuột cười khì, kể: Tui quê bên Bến Tre rồi cưới vợ ở đây, lập nghiệp luôn. Thời đó, ở đây nghèo khổ, mỗi năm chỉ có trồng một vụ lúa. Nước mặn dân bỏ xứ đi làm thuê xứ tán đến mùa nước ngọt về cải tạo đất trồng lúa, cứ thế mà sống hết năm này đến năm khác.

Làm giàu thời biến đổi khí hậu ảnh 1 Ông Hai Chuột.

“Cách nay 35 năm, trong một lần về thăm nhà, anh em dòng họ xúi mang con tôm về nhà nuôi thử xem có hợp không, chứ sống kiểu này hoài biết khi nào khá nổi”, ông Chuột kể. Sau đó, ông về nhà, đêm bàn với vợ tích góp tiền mua thử 2.000 con giống về nuôi, nghĩ nếu “trời cho” thì biết đâu thay đổi cuộc sống, còn thua thì lấy đó làm bài học. Thuyết phục vợ mấy hôm rồi cuối cùng bà cũng đồng ý.

Vài hôm sau, ông sang Bến Tre mua về 2.000 con giống với giá trên 200.000 đồng (trong khi vàng 24k thời đó có 200.000 đồng/chỉ), tính ra với ngần ấy con giống mà mất trên 1 chỉ vàng. “Gạo không có ăn nữa mà đem tiền quăng xuống ao biết lấy lại được không”, vợ của ông là bà Ngô Thị Tâm  rùng mình nhớ lại và nói thêm: “Thời đó có kỹ thuật gì đâu, chỉ là bắt còng ở dưới sông đem lên xay nhuyễn  ra cho ăn vậy mà tôm lớn nhanh. Năm đó, sau 5 tháng nuôi bán được 5 triệu đồng mừng hết lớn”. Ông Hai Chuột hồi tưởng: “Lúc thu hoạch, trên bờ cả xóm kéo lại ngồi chật kín bờ mẫu xem đông như hội. Sau lần đó nhiều người bắt chước làm phát ham. Nhờ con tôm mà người dân khá hơn”, nói xong ông chỉ tay ra con lộ  phẳng lỳ trước nhà và dãy nhà khang trang quanh xóm khoe.

Chủ tịch UBND xã Long Hòa Huỳnh Quốc Vũ ghi nhận, nhờ con tôm mà cuộc sống người dân thay đổi rõ rệt so với chục năm trước. “Người dân bây giờ không còn sợ nước mặn nữa, họ thích nghi và tận dụng để làm giàu. Họ có kinh nghiệm biết được thời điểm nào triều cường dâng cao hay con nước nào là mặn nhiều để ứng phó”, ông Vũ nói.

Cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản

 “Dưới sông bây giờ cá nhiều lắm. Người dân có ý thức nên ai cũng cùng nhau giữ gìn nguồn lợi thủy sản, không ai lén tới đoạn sông này xuyệt cá hết. Từ khi được cán bộ tổ chức Oxfam tới tuyên truyền cho người dân xứ tui hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và các nguồn thủy sản, ban đầu dân còn ngờ ngợ nhưng bây giờ thấy có lý”, bà Nguyễn Thị Bích Vân ở ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh (Châu Thành) rạng rỡ.

“Ở đây nhà vắng lại toàn cây cối thế này, liệu những người đánh bắt cá trộm họ lẻn vào ban đêm khai thác thì ai biết được” – Phóng viên hỏi. Bà Vân cười nói: “Không dễ đâu chú ơi, ở 2 đầu sông đều có bảng cấm. Hơn nữa dân ở đây cảnh giác lắm nên an ninh rất ổn”. Bà Vân nói tiếp: “Cán bộ bảo, thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 là mùa cá đẻ nên không được bắt, chỉ cho phép khai thác từ tháng 7 đến tháng Giêng thôi, nhưng với điều kiện mắt lưới phải từ một phân tám trở lên mới được, chứ nhỏ hơn là không được, có quy định hẳn hoi. Có thế, người dân vừa kiếm sống được, vừa dưỡng cho cá lớn để khai thác tiếp. Chưa kể, nguồn nước sông luôn được đảm bảo không bị ô nhiễm. Muốn đưa vào ao tôm lúc nào cũng khỏi phải lo. Chứ ngày xưa, có chỗ nào họ thuốc tôm dưới sông mình không biết cho nước vào ao làm tôm chết là khổ”.

Bà Võ Thị Chanh ở ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh có 1 ha, mỗi năm làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm đã gần 20 năm nay. Bà cho biết, ở đây 2 mùa nước ngọt và mặn. Mùa nước ngọt trồng lúa sạch (sinh thái) không phun thuốc trừ sâu để cải tạo đất, lúa hấp thu cặn bã của tôm, thu hoạch lúa xong để dành làm thức ăn cho tôm và cả nhà ăn. Vì thế trung bình mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

Theo bà Chanh, nuôi tôm không phải tốn tiền mua thức ăn mà bà tự chế biến ở nhà bằng cách nấu lúa cho chín rồi xay nhuyễn thành bột trộn với con ruốc. Sau đó, cho vào máy ép nhuyễn thành dạng viên cho tôm ăn. Mỗi năm gia đình bà trồng lúa thu hoạch được 3 tấn, bà để dành 1 tấn làm thức ăn cho tôm, số còn lại cả nhà ăn quanh năm, rơm để dành riêng nuôi bò. “Nuôi bằng cách này đỡ tốn chi phí thức ăn, đồng thời, kiểm soát được nguồn thức ăn sạch, không sợ có chất kháng sinh nên sản phẩm làm ra không sợ ế”, bà Chanh cho biết.

Chủ tịch Sĩ cho biết, xã có 9 ấp, chiều dài toàn xã 21 km. Tuy nhiên, có chỗ khó khăn về nước ngọt, chỗ phèn… Vì thế, trước khi triển khai kế hoạch xã lập tổ công tác xuống tận ấp lắng nghe ý kiến của dân để hiểu thực tế địa phương cần gì, làm gì để phát triển. Từ đó, tùy tình hình thực tế mới triển khai phương án giúp dân nâng cao thu nhập. Còn Phó chủ tịch UBND xã Trần Trung Kha cho biết, mỗi năm dân ở xã cù lao sản xuất hơn 6.000 tấn tôm, cua và hàng nghìn tấn lúa sạch, chưa kể thủy sản tự nhiên khai thác theo mùa. Ngoài ra, còn hơn 4.000 con bò của người dân.

Làm giàu thời biến đổi khí hậu ảnh 2 Ông Hồ Quang Xê, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành (bên phải) giới thiệu khách tham quan Cồn Chim ở xã Hòa Minh.

Ông Hồ Quang Xê, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành sống kỳ cựu ở xứ cù lao này mấy chục năm, kể: “Những năm 1990, vùng này nghèo và hoang sơ lắm, bởi bao quanh là nước mặn. Sau đó, cấp trên có tư duy ngọt hóa để trồng lúa cứu đói cho dân và triển khai nhiều công trình ngăn mặn để giữ nước ngọt trồng lúa”. Tuy nhiên, chính ông là người phản đối quyết liệt nhất. Sau vài năm, khi các công trình khép kín không hiệu quả nên chính quyền cho dỡ bỏ để nước mặn vào thuận theo tự nhiên. Ông cho biết, gần chục năm trở lại đây, cụm cù lao này đã hình thành khu lúa, tôm, cua, hoa màu, có nơi kết hợp nuôi bò…. Từ đó, đời sống người dân khá lên rõ rệt. Cụ thể, trước đây hầu như toàn xã nhà lá xập xệ, nay là nhà tường mọc san sát. “Nhờ người dân ý thức bảo vệ rừng và nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hơn nữa ở cồn Chim còn có những nét đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, tôm lúa đều sạch nên trong thời gian tới huyện sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái ở khu vực này”, ông Xê cho biết.

Chị Đinh Thị Mộng Thùy, Phó Bí thư xã đoàn Hòa Minh  hào hứng: “Nếu làm du lịch cộng đồng thì tổ chức Đoàn sẽ có nhiều cơ hội để đóng góp cho xứ cù lao nằm giữa sông Cổ Chiên này để nhiều người biết đến bằng cách quảng bá về những gì thiên nhiên ban tặng. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt như hiện nay mà người dân vẫn an nhiên, xem nước mặn như tài nguyên quý để làm giàu là một thông điệp cần chuyển tải”.

Phát biểu tại Hội nghị “Diên Hồng” ở Cần Thơ vào tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội với quan điểm phải chủ động sống chung với lũ, với mặn, với thiếu nước. Coi nước lợ, nước mặn cũng là một nguồn tài nguyên”.

Ông Nguyễn Văn Sĩ, Chủ tịch UBND xã Hòa Minh cho biết, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của xã dưới 4%, dự kiến cuối năm nay sẽ công nhận nông thôn mới. “Cuộc sống và ý thức của người dân ngày càng nâng lên giúp công tác vận động xây dựng nông thôn mới của địa phương thuận lợi, sớm hoàn thành tiêu chí nông thôn mới lại được dân đồng thuận, đánh giá cao”, ông Sĩ nói.

MỚI - NÓNG