Làm gì để tránh cảnh F0 'rồng rắn' xếp hàng chờ xác nhận tại trạm y tế phường?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Số người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà ngày càng tăng, nhưng để được hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau, người khỏi bệnh ít nhất phải xin xác nhận của trạm y tế cấp xã/phường nơi cư trú. Quy định này khiến những ngày qua các trạm y tế cấp phường ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải, người tới xin xác nhận khỏi COVID-19 xếp hàng dài chờ đợi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, về phía cơ quan giải quyết chế độ Bảo hiểm ốm đau, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Hùng Sơn cho hay, từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang (tháng 4/2021), cơ quan BHXH đã phát hiện ra vấn đề, đặc biệt với doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”, người lao động không may mắc COVID-19 không thể về địa phương để xin xác nhận.

Làm gì để tránh cảnh F0 'rồng rắn' xếp hàng chờ xác nhận tại trạm y tế phường? ảnh 1

Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Bắc Giang

Từ đó tới nay, BHXH Việt Nam đã có 4 văn bản đề nghị Bộ Y tế tháo gỡ, hướng dẫn đơn giản hoá thủ tục. Tuy nhiên, phía Bộ Y tế vẫn yêu cầu phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Thông tư 56/2017, thậm chí bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động nếu xác nhận không theo mẫu của thông tư này cũng không được giải quyết chế độ bảo hiểm ốm đau.

“Giờ y tế cấp phường quá tải, nên việc xin xác nhận không đơn giản, người muốn được xác nhận khỏi bệnh thì khi mắc bệnh phải ra y tế phường khai báo trực tiếp, cầm theo bộ xét nghiệm để y tế thực hiện trực tiếp họ mới công nhận là mắc bệnh và cho chứng nhận.

Như vậy, để đủ điều kiện giải quyết chế độ bảo hiểm ốm đau do mắc COVID-19, người lao động phải ra y tế phường ít nhất 2 lần, rất vất vả, trong khi y tế cũng quá tải, từ xét nghiệm, theo dõi, điều trị tới xác nhận khỏi bệnh”, ông Sơn nói.

Từ thực tế trên, ông Sơn đề xuất, có thể điều chỉnh quy định để giải quyết chế độ theo hướng trung bình ngày điều trị, có thể chọn là 5 hoặc 7 ngày với tất cả mọi người.

Khi đó, người có chứng nhận mắc COVID-19, quyết định cách ly, hoặc đã khỏi bệnh của cơ quan có thẩm quyền đều được giải quyết chế độ theo mức chung, nếu ai điều trị dài hơn có đầy đủ giấy tờ chứng minh, cơ quan BHXH sẵn sàng giải quyết bổ sung. Sửa đổi này sẽ không còn yêu cầu tất cả mọi người đều phải có chứng nhận khỏi bệnh ghi rõ số ngày điều trị.

“Thời gian tới, dự báo số người mắc COVID-19 sẽ còn tăng cao, nếu không gỡ được vướng mắc này, tình trạng quá tải y tế phường sẽ còn kéo dài”, ông Sơn nói. Bộ Y tế đã lập tổ nghiên cứu sửa đổi Thông tư 56, nhưng theo quy trình để sửa một thông tư sẽ mất rất nhiều thời gian.

Bắc Giang tăng thêm nhân lực cho y tế cơ sở

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các công ty khi phát hiện ra công nhân tỉnh ngoài mắc COVID - 19 phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang để đưa công nhân vào cơ sở thu dung do tỉnh thành lập. Khi vào cơ sở thu dung, công nhân F0 được giải quyết các hồ sơ, cấp mã số bệnh nhân để đảm bảo quyền lợi trong thời gian nghỉ điều trị COVID - 19. Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng thêm nhân lực cho các trạm y tế xã, phường, nhất là nơi có nhiều công nhân ở trọ để góp phần giải quyết tình trạng quá tải y tế cơ sở. Trường hợp công nhân có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm dương tính với COVID - 19 của các cơ sở y tế mà chưa kịp cấp mã số bệnh nhân, cơ quan chức năng có thể cấp bổ sung mã số bệnh nhân sau.

Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang, cho hay, Sở tính đến phương án các công ty làm đầu mối nộp hồ sơ của công nhân mắc COVID - 19 cho cơ quan chức năng để tránh mất thời gian cho công nhân. Một lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ huy động thêm tình nguyện viên để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở, nhất là nơi có đông công nhân ở trọ nhằm giải quyết vấn đề quá tải y tế địa phương.

Nguyễn Thắng

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.