Làm gì để tạo ấn tượng cho Bảo tàng Hà Nội?

Các đơn vị liên quan báo cáo về kế hoạch trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Ảnh DN
Các đơn vị liên quan báo cáo về kế hoạch trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Ảnh DN
TPO - "Tới đây sẽ làm một cột rồng ở ngoài sảnh vào, phương án này đã hoàn chỉnh và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt", Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến cho hay.

Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến đã dành nhiều thời gian để chia sẻ với phóng viên về tầm vóc và sự tự hào của những người làm văn hóa khi nói về Bảo tàng Hà Nội tại buổi thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 28/5.

Tại buổi thông tin này, trao đổi với phóng viên, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, hiện vật trong kho của Bảo tàng Hà Nội tuy nhiều nhưng chưa đáp ứng theo yêu cầu. Để bù đắp những khu trống vắng, nâng cao chất lượng trưng bày, Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành sưu tầm 614 hiện vật chủ đề “Tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên Hà Nội”, sưu tầm hiện vật chủ đề “Hà Nội thời Tiền – Sơ sử” và đã tiếp nhận 3.000 hiện vật, tài liệu do các tổ chức, cá nhân hiến tặng.

Hiện tổng số hiện vật đã lựa chọn, đưa vào nội dung thiết kế trưng bày là trên 24 nghìn hiện vật. Số lượng khách tham quan trung bình mỗi năm khoảng 100 nghìn lượt người, trong đó 6 tháng đầu năm hơn 50 nghìn người. Nói về quy mô, ông Đà cũng khiêm tốn cho rằng “Bảo tàng Hà Nội chỉ mang tầm cỡ khu vực, còn tầm cỡ thế giới thì thua xa”.

Cùng trao đổi với phóng viên, phía Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội cho biết, số tiền mua hiện vật trưng bày ước tính khoảng 129 tỷ và dự kiến sẽ mua bổ sung khoảng 70 tỷ đồng. Về nguồn kinh phí, Ban quản lý cũng cho biết, dự án Bảo tàng Hà Nội quyết toán là 1.697 tỷ, đã kiểm toán đợt 1.500 tỷ, phần còn lại sẽ kết thúc kiểm toán vào tháng 9/2015.

Lý giải về hình dáng của bảo tàng, Ban quản lý cho biết, khi tư vấn thiết kế, phía tư vấn đến từ Cộng hòa Liên bang Đức lý luận, việc xây dựng theo mô hình tháp ngược là thể hiện sự phát triển của Hà Nội, càng tiệm cận giai đoạn hiện đại càng phải nở ra. Và Ban quản lý đã chấp thuận ý tưởng này.

Nói về tầm vóc quy mô bảo tàng, ông Trương Minh Tiến cho rằng, các nhà quản lý đều nói công trình Bảo tàng Hà Nội đến nay là lớn nhất nước, thuộc tầm cỡ khu vực. Chính bởi vậy mà “những người làm văn hóa như chúng tôi vô cùng tự hào”. Tuy nhiên, ông Tiến cũng lý giải, việc trưng bày bảo tàng hiện nay mới chỉ là tạm thời, nên chắc chắn sẽ không thể hấp dẫn được. 

Về lý do tiến hành trưng bày hiện vật chậm, ông Tiến giải thích, nhiều hiện vật trước kia định mua trưng bày thì đến nay họ đã bán rồi. Mặt khác việc thỏa thuận giá các hiện vật cũng gặp nhiều khó khăn, vì giá thay đổi từng ngày, trong khi việc chi tiêu ngân sách lại vô cùng chặt chẽ. Bên cạnh đó, các hiện vật mua trưng bày phải là hiện vật gốc chứ không phải sao chép… Chính những khó khăn trên đã gây cản trở cho việc sưu tầm hiện vật cho bảo tàng.

Chia sẻ với phóng viên, không ít lần ông Tiến đã thốt lên “trời ơi” sau khi đi tham quan một số bảo tàng khu vực. “Khi tôi đến bảo tàng cung đình của Đài Loan, họ mới xây dựng lại, trời ơi tuyệt vời! Ở tầng hai, họ chỉ để hai cổ vật cách đây 2.500 năm là cây bắp cải và miếng thịt lợn, bằng ngọc ngà gì đó tôi không biết…

Du khách rất đông, vào đó họ cấm quay phim, chụp ảnh, chỉ nhìn và nghe thuyết minh thôi. Tôi về cũng ước ao, làm sao Bảo tàng Hà Nội tiến tới cũng phải tính để có cái gì đó độc đáo, hấp dẫn mà chỉ Bảo tàng Hà Nội mới có”, ông Tiến chia sẻ.

Để tạo ấn tượng cho bảo tàng, ông Tiến cho biết, tới đây sẽ làm một cột rồng ở ngoài sảnh vào, phương án này đã hoàn chỉnh và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Nếu trưng bày xong chính thức, Bảo tàng Hà Nội chắc chắn sẽ đông và lúc đó sẽ phải bán vé. Bảo tàng ở Đài Loan, giá vé tính ra tới 200 nghìn đồng tiền Việt. Trời ơi, họ thu được hàng 100 triệu USD tiền vé mỗi năm. Với con số đó, mình chỉ ước ao thôi chứ khó làm được như vậy”, ông Tiến cho hay.

MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.