Lâm Đồng: Giảm nghèo bền vững ở nơi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Là nơi có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương đã lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu của quốc gia và địa phương để phát triển kinh tế, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Lâm Đồng: Giảm nghèo bền vững ở nơi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất ảnh 1

Người K'Ho trồng cà phê Arabica để nâng cao thu nhập

Ông Cil Poh, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết, hiện 67% dân số của huyện này là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu người K’Ho.

Trong những năm 2021-2023, tổng kinh phí dành cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở huyện Lạc Dương trên 10,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 5,1 tỷ, ngân sách địa phương gần 800 triệu đồng, huy động người dân đóng góp hơn 214 triệu và các nguồn vận động khác gần 4,3 tỷ đồng.

Huyện tập trung nguồn vốn và nhân lực lớn nhất cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo để từng bước góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo Phòng NN&PTNT Lạc Dương, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả và mang tính bền vững. Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn, dạy nghề cho lao động nông thôn, người dân đã mạnh dạn sử dụng các loại giống mới, áp dụng khoa học công nghệ mới vào việc trồng trọt, vật nuôi.

Về trồng trọt, vì là một trong những địa phương hiếm hoi có thể trồng Arabica (loại cà phê có giá cao bậc nhất thế giới) nên huyện chú trọng mô hình thâm canh loại cây này.

Các nông hộ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến như bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản... Từ đó tăng năng suất, chất lượng cây cà phê trên địa bàn.

Là nơi có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, gần giống như TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương quy hoạch những vùng trồng hoa, rau sạch và dược liệu theo hướng công nghệ cao.

Đồng thời, huyện kết nối để người dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Tiêu biểu, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đà Lạt Green hỗ trợ người dân trồng rau sạch, còn HTX sản xuất cà phê Arabica Lạc Dương phối hợp với người dân sản xuất cây cà phê theo chuỗi giá trị, chú trọng chế biến sâu.

Nhờ vậy mà diện mạo thôn Đạ Nghịt (xã Lát) thay đổi hẳn, nhiều hộ giảm nghèo bền vững. Chẳng hạn, sau khi chuyển đổi 2 sào cà phê già cỗi sang trồng rau trong nhà kính, thu nhập của gia đình chị K’Mhô dần tăng lên và đã thoát nghèo.

Về chăn nuôi, các tộc người thiểu số, đặc biệt là người K’Ho có thói quen thả rông các đàn trâu, bò, heo trong rừng, phó mặc cho trời. Hậu quả là có những thời điểm gia súc chết hàng loạt vì dịch bệnh.

Phòng NN&PTNT và Hội Nông dân tích cực vận động người dân làm chuồng trại để chăn nuôi gia súc theo phương thức bán thả rông. Nhờ vậy mà gia súc được tiêm phòng đầy đủ và giám sát dịch bệnh, không bị chết rét khi nhiệt độ xuống quá thấp, mưa to, gió lớn kéo dài. Số lượng và chất lượng đàn vật nuôi tại địa phương ngày càng tăng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Lâm Đồng: Giảm nghèo bền vững ở nơi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất ảnh 2

Trâu ở Lạc Dương có chất lượng thịt ngon hàng đầu Việt Nam

3 năm qua, huyện Lạc Dương triển khai chương trình vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh cho 114 lượt hộ nghèo với số tiền hơn 17,7 tỷ đồng, 1.131 lượt hộ cận nghèo với gần 90,5 tỷ, 278 lượt hộ mới thoát nghèo với gần 24,5 tỷ đồng. Huyện đạt chỉ tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lạc Dương cũng đã triển khai đạt hiệu quả giải pháp đa dạng hóa sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Lát, Đạ Chais, Đưng K’nớ và thị trấn Lạc Dương. Năm nay huyện nhân rộng mô hình ra các xã khác với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, cán bộ công nhân viên của UBND huyện Lạc Dương đóng góp 345 triệu đồng cho chương trình đa dạng sinh kế, Sở Xây dựng Lâm Đồng 200 triệu đồng, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp 105 triệu đồng; các Ban xây dựng Đảng, các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp và Kinh tế và Hạ tầng, mỗi đơn vị 20 triệu đồng.

Ban ngành chức năng của huyện cũng đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 7 tỷ đồng để xây dựng hàng trăm căn nhà, hỗ trợ bảo hiểm y tế, cấp 147 điện thoại Smartphone, sim 4G… cho hộ nghèo, cận nghèo.

Mặt khác,100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí theo quy định.100% người nghèo, cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp.

Với những nỗ lực đó, ước đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn huyện còn 224 hộ, chiếm tỷ lệ 2,9%, giảm 2,9% so với cuối năm 2022; trong đó, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 220 hộ, chiếm tỷ lệ 4,3%, giảm 4,5% so với cuối năm 2022.

MỚI - NÓNG