Bất ngờ khan hiếm SGK - Kỳ 6

Làm bài tập vào SGK, người biên soạn nói gì?

SGK không được sử dụng lại là một sự lãng phí lớn trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Ảnh: Như Ý.
SGK không được sử dụng lại là một sự lãng phí lớn trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Ảnh: Như Ý.
TP - Sở dĩ mỗi năm NXBGDVN phải in cả trăm triệu cuốn SGK mới, bởi sách cũ không dùng lại được do người viết sách đã yêu cầu  học sinh “điền vào chỗ trống” hoặc làm bài tập thẳng vào đó. 

Trao đổi với Tiền Phong, nhiều vị GS biên soạn SGK thừa nhận, họ đã không lường hết được vấn đề lãng phí, chỉ nghĩ đơn giản là tiện lợi cho học sinh mà thôi.

Chiều qua 28/8, trao đổi với Tiền Phong, GS. Nguyễn Khắc Phi, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn lớp 7 và lớp 8, cho biết khi tiến hành biên soạn SGK, các tác giả chưa thật rõ về chuyện này. Sau này, khi đi vào sử dụng, vấn đề tái sử dụng SGK, sách bài tập này mới được đặt ra. “Còn khi làm, chúng tôi chỉ chú ý chuyện bài tập thực hành. Nếu các bài tập chỉ trả lời thì sẽ không còn đọng lại trong học sinh. Còn làm ra sách thì đó là của mỗi học sinh. Tức là chúng tôi đặt ra vấn đề cá nhân hóa người học. Nhưng đứng trên phương diện những người dùng thì thấy làm như thế khó dùng lại cũng thấy lãng phí” - GS. Nguyễn Khắc Phi chia sẻ.

GS. Phi cũng khẳng định  vấn đề không tái sử dụng được SGK là trách nhiệm của cả hai phía: Những người soạn SGK và NXB.  Do đó, ông cho rằng với chương trình mới sắp tới, cần phải có kiến nghị để có một bộ SGK như thế nào cho hợp lý. Thực chất, một số nước ông tìm hiểu thì cũng có những nước cho phép học sinh giải bài tập trực tiếp lên SGK. Nhưng đúng là đất nước ta còn nghèo nên SGK cần phải có thể tái sử dụng được. Đây cũng là điều cần phải rút kinh nghiệm khi làm bộ SGK sau này.

PGS TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tác giả biên soạn SGK Toán lớp 7 tập 2 cho rằng, chương trình SGK hiện hành được đưa vào sử dụng rộng rãi từ năm 2002. Trước đó, đã có 3 năm thí điểm. Cách làm song song với SGK có một cuốn sách bài tập với mục đích giúp học sinh thuận lợi trong việc làm bài tập sau mỗi môn học. Cách làm này tác giả học tập cách làm của Pháp. 

PGS cho biết, thời đó những người làm sách nghĩ đơn giản, thay vì sau mỗi tiết học, giáo viên ra bài tập, học sinh phải ghi chép lại trong một cuốn vở riêng thì nay biên soạn thêm một cuốn sách bài tập để học sinh làm ngay trong đó.  Khi ấy, cũng có ý kiến, liệu làm như vậy có lãng phí không ? Nhưng rồi ý kiến đó cũng nhanh chóng “chìm xuồng”, không ai nói nhiều nên các tác giả cứ thế làm.

Trải qua gần 20 năm sử dụng SGK đến nay, PGS.TS Trần Kiều cho rằng, không nên vội vã quy kết cho NXB hay người làm sách rằng, việc thiết kế như vậy là nhằm trục lợi. Những nhóm khác không biết nhưng những người làm sách như ông chỉ nghĩ, cách làm nào thuận lợi cho học sinh. Bởi vì người viết sách, không phải là anh đi bán sách, nên không có nghĩa vụ phải nghĩ ra thật nhiều cuốn sách để đi bán. Vì có làm thế nào thì các tác giả cũng chỉ được trả một khoản tiền nhất định.

“Nói không ai tin, những người làm sách thời đó chỉ được trả 200.000 đồng/ tiết học. Tôi ví dụ, cuốn SGK Địa lý có 35 tiết, 4 tác giả cùng làm chỉ được trả 7 triệu đồng. Người chủ biên được trả thêm 5% nữa. Nói như vậy, để thấy các tác giả không có nhiều lợi lộc như nhiều người nghĩ”, PGS.TS Trần Kiều nói.

SGK phải được tái sử dụng

Về quy trình, PGS.TS Trần Kiều cho rằng  lâu nay bên cạnh một cuốn SGK có thêm 1 cuốn sách vở bài tập, 1 cuốn tài liệu cho giáo viên. Riêng cuốn vở bài tập sau này bổ sung thêm. Vở bài tập cũng đưa ra hội đồng thẩm định, rất cẩn thận. Theo PGS, vở bài tập và sách tham khảo là hoàn toàn khác nhau. Bộ chỉ ban hành SGK và  vở bài tập. Học sinh bắt buộc mua hai cuốn đó.

PGS cho rằng, hiện nay, thị trường sách đang bị sách tham khảo làm nhiễu loạn. Bởi một số giáo viên thích dạy bài tập dạy ở sách tham khảo nào đó thì lại yêu cầu học sinh mua thêm hoặc phụ huynh muốn mua để con học các dạng bài SGK không có. Tuy nhiên, PGS. Trần Kiều cho rằng đừng nhầm lẫn sách tham khảo với SGK. “Tôi không dám nói tác giả viết sách tham khảo làm không tốt nhưng hiện nay không có ai thẩm định sách tham khảo ở cấp độ nhà nước, trừ nhà xuất bản” - PGS. Trần Kiều nói.

PGS.TS Trần Kiều cũng cho biết,  lâu nay, một  số nước cũng in bài tập ngay trong SGK như vậy. Ví như Hàn Quốc, Philippines... tuy nhiên họ in giấy xấu và phát miễn phí cho học sinh bậc phổ cập. Ngược lại, một số sách ở châu Âu lại in rất đẹp. Mỗi đất nước có một hoàn cảnh riêng, không thể nói đi theo ai  nhưng nên nghĩ cách nào đó tốt nhất cho phụ huynh. PGS. Trần Kiều kiến nghị: “Việc in bài tập trong SGK đến thời điểm này khi đã có nhiều ý kiến trái chiều thì ngành giáo dục cần có quy định lại khi làm SGK mới”. Nên đưa ra chuyên đề để bàn thảo, lấy ý kiến của nhiều bên rõ ràng. Việc này thuộc về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT vì sắp viết SGK mới.

Còn về phía Bộ GD&ĐT, đại diện của Bộ cho biết đúng là SGK ở cấp tiểu học, THCS phần bài tập có để trống ở một số bài để học sinh có thể giải trực tiếp. Bộ cũng đã có hướng dẫn đối với các trường, SGK ở thư viện khi cho học sinh mượn phải yêu cầu học sinh không được viết vào sách để dùng lại.

“Tôi được biết, có trường hướng dẫn học sinh viết vào SGK bằng bút chì, sau đó tẩy đi để có thể tái sử dụng trong gia đình có anh chị em cùng học một trường” - vị đại diện Bộ GD&ĐT cho hay. Vì vậy, trong thời gian tới chờ đợi  thay sách các trường có thể hướng dẫn học sinh để có thể dùng lại được SGK cũ.  Vị này cũng cho hay, với quan điểm mới là SGK có thể tái sử dụng được.

“Việc in bài tập trong SGK đến thời điểm này khi đã có nhiều ý kiến trái chiều thì ngành giáo dục cần có quy định lại khi làm SGK mới”.

                         PGS TS. Trần Kiều 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong thì ngay tại Hà Nội, có trường THPT quyết định từ năm học tới sẽ không yêu cầu học sinh mua SGK mới nữa. Mà sẽ hướng dẫn học sinh giữ gìn sách để có thể dùng được sách cũ trong học tập. Không những thế, tại trường này, nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua sách bài tập mà chỉ bắt buộc mua SGK. Còn bài tập, giáo viên dựa vào SGK để thiết kế cho học sinh. 
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.