Bất ngờ khan hiếm SGK - kỳ 5

Cho học sinh viết vào SGK - 'tiểu xảo' để bán sách?

Việc tạo điều kiện cho học sinh giải bài tập trực tiếp là SGK đồng nghĩa với việc SGK chỉ dùng một lần, học sinh lớp sau không thể dùng lại được SGK của học sinh lớp trước. Ảnh : Như Ý.
Việc tạo điều kiện cho học sinh giải bài tập trực tiếp là SGK đồng nghĩa với việc SGK chỉ dùng một lần, học sinh lớp sau không thể dùng lại được SGK của học sinh lớp trước. Ảnh : Như Ý.
TP - Nước ta vẫn còn nghèo, ấy vậy mà mỗi năm phụ huynh phải móc hầu bao hơn 1 nghìn tỷ đồng để mua khoảng 100 triệu cuốn SGK các loại. Ðiều đáng nói, sau 1 năm đa số “núi” sách khổng lồ trên không thể tái sử dụng vì học sinh đã giải bài tập thẳng vào sách. GS Ðinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ÐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng đây chính là thủ thuật, tiểu xảo để bán sách chứ không hề có ý nghĩa gì về mặt chuyên môn.

Giải bài tập trực tiếp lên SGK

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sở dĩ học sinh không dùng được SGK cũ kể cả có được cho, tặng vì có những phần bài tập được viết luôn vào SGK. Việc này được áp dụng trong SGK suốt từ bậc tiểu học đến THPT.

Cụ thể, với tiểu học, ở SGK lớp 3 môn Toán, phần bài tập, người viết SGK biến những bài tập tính thành vở bài tập trong SGK. Học sinh chỉ việc viết luôn vào SGK thay vì viết vào vở bài tập như trước kia. Tất cả những bài toán cộng, trừ, nhân, chia đều được làm trực tiếp vào SGK Toán lớp 3. Thậm chí có những bài toán đố, người soạn sách còn in luôn lời giải, kết quả, học sinh chỉ việc viết thêm một số dữ liệu để ra được kết quả mà người viết đã in.

Ở SGK Tiếng Việt lớp 3, tình trạng tương tự cũng xảy ra với các bài tập điền chữ, điền từ vào dấu ba chấm (…).

Tương tự, ở SGK Toán lớp 4, rất nhiều bài tập học sinh có thể giải quyết trực tiếp vào SGK. Trong khi đó, vẫn tồn tại một cuốn sách bài tập và đây được coi như cuốn vở bài tập để học sinh làm bài. SGK tiếng Việt cũng tương tự khi có hàng loạt bài tập được làm trực tiếp vào trong sách.

Ví dụ ở SGK tiếng Việt lớp 4, tập 2, trang 152, với bài tập điền vào tờ giấy in sẵn, học sinh chỉ việc điền thông tin vào mẫu đã được in luôn tại sách.

Đối với cấp THCS, các môn học nhiều hơn và học sinh đều làm bài tập trực tiếp lên SGK. Với chương trình lớp 8, ở cuốn SGK Vật lý, trang 26 phần bài tập về áp suất, học sinh chỉ việc điền dấu lớn hơn, nhỏ hơn vào bảng so sánh mà người viết đã in sẵn lên SGK. Bài tập tiếp theo, học sinh cũng chỉ việc điền từ thích hợp vào dấu ba chấm.

Cũng ở SGK Vật lý lớp 8, trang 30 thí nghiệm bình thông nhau, học sinh cũng chỉ cần điền từ thích hợp vào dấu ba chấm ở kết luận được rút ra khi làm thí nghiệm. Trang 45, với bài tập về trọng lượng và lực đẩy Ác-si-mét, học sinh cũng chỉ việc điền dấu nhỏ hơn, lớn hơn vào bài tập mà sách đã in.

Môn Hóa học, SGK cũng đưa ra nhiều bài tập trắc nghiệm và học sinh chỉ cần chọn luôn đáp án đã in sẵn.

Với môn Địa lý lớp 8, SGK trang 135, phần bài tập, học sinh cũng chỉ cần tích vào ô trả lời đúng đã được in sẵn. Trang 155, bài tập số 4, học sinh cũng chỉ cần chọn đáp án đúng trong số 4 đáp án đã được đưa ra.

Điều đáng nói, tất cả những môn như tiếng Việt, Toán đối với tiểu học, kèm theo SGK là một cuốn sách vở bài tập. Còn ở bậc THCS, kèm theo mỗi cuốn SGK các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học là cuốn vở sách bài tập. Như vậy, với những môn này, SGK và cả sách bài tập đều không thể tái sử dụng do học sinh có thể giải trực tiếp vào sách.

Ở cấp THPT, SGK các môn học vẫn được “gài” sẵn phần bài tập để học sinh có thể viết trực tiếp vào SGK.

Sách tiếng Anh, 100% bài học viết vào SGK

Nếu như với các môn trên, ở SGK, tần suất các bài tập có thể giải trực tiếp vào sách chưa nhiều thì ở môn tiếng Anh, bắt đầu từ lớp 3, 100% bài học trong SGK đều có phần bài tập để viết trực tiếp.

Ở tiểu học, sách tiếng Anh được in màu và giấy rất đẹp. Đây cũng là đầu SGK đắt nhất trong tất cả các đầu SGK ở phổ thông (từ tiểu học đến THPT). Đối với lớp 3, một năm học phụ huynh phải bỏ ra 116.000đ để mua sách tiếng Anh. Trong đó, có 2 cuốn SGK (tập 1, tập 2) cùng với 1 cuốn vở bài tập và kèm đĩa CD để học sinh nghe.  Sách tiếng Anh lớp 4, lớp 5 cũng tương tự.

Ở bậc THCS, với lớp 8, học sinh sẽ phải mua 4 cuốn sách tiếng Anh. Trong đó có 2 cuốn SGK tập 1, tập 2 và 2 cuốn sách bài tập 1, 2. Tổng số tiền phụ huynh phải bỏ ra để mua đối với riêng môn tiếng Anh là 156.000đ. Đó còn chưa kể học sinh phải mua thêm sách tiếng Anh chương trình liên kết tùy thuộc vào quy định của mỗi trường.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, SGK tiếng Anh lớp 3 trở lên học sinh viết trực tiếp vào phần bài tập. Theo khảo sát, với SGK tiếng Anh lớp 3, 100% bài học đều có phần bài tập viết trực tiếp lên SGK. Tương tự, SGK tiếng Anh lớp 8 học sinh cũng viết trực tiếp vào phần bài tập.

Việc tạo điều kiện cho học sinh giải bài tập trực tiếp là SGK đồng nghĩa với việc SGK chỉ dùng một lần. Học sinh lớp sau không thể dùng lại được SGK của học sinh lớp trước.

Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đây chỉ là thủ thuật, tiểu xảo để bán sách. Nó không có ý nghĩa về mặt chuyên môn.

“Do đó theo tôi với thực tế của chúng ta hiện nay thì không nên thải những gì còn dùng được. SGK có thể để cho vài thế hệ học sinh học thì không nên tạo điều kiện cho học sinh để “dấu tích” lên” - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.  Ông cũng cho rằng điều này phụ thuộc vào mục đích của NXB muốn làm theo kiểu nào. Nếu mục đích của người viết SGK muốn vài thế hệ học trò có thể dùng được thì họ sẽ có cách những cuốn sách đó học sinh không để lại dấu tích. Còn nếu họ có nhu cầu bán cho từng năm thì sẽ chọn kiểu khác.

Mặt khác, rất nhiều chuyên gia ngỡ ngàng khi biết học sinh có thể giải bài tập trực tiếp vào SGK. Thậm chí, có PGS chuyên về giáo dục phổ thông còn khẳng định không có chuyện đó, ông chỉ biết là sách bài tập là để thay vở bài tập cho học sinh. Cũng là một trong những tác giả viết SGK, ông khẳng định phần ông viết không thể có chuyện này. Tuy nhiên, trước những bằng chứng mà Tiền Phong đưa ra, ông đã xin rút lại nhận định “không có chuyện học sinh giải bài tập trên SGK”. 

“Theo tôi với thực tế của chúng ta hiện nay thì không nên thải những gì còn dùng được. SGK có thể để cho vài thế hệ học sinh học thì không nên tạo điều kiện cho học sinh để “dấu tích” lên”.

                 GS Ðinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ÐH Sư phạm Hà Nội 

MỚI - NÓNG