Chị Nguyễn Thị Hương, có con là học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học ở Hà Tĩnh cho biết, ngoài vở bài tập Toán, vở bài tập Tiếng Việt giáo viên yêu cầu học sinh phải có thì những môn khác, giáo viên không yêu cầu. Tuy nhiên, khi đăng ký mua sách với nhà trường, thường đăng ký theo bộ, do đó, trong hơn 20 cuốn sách lớp 5 mà gia đình mua cho con năm nay, có tới 50% là sách bài tập chỉ dùng được một lần.
Chị Hương chia sẻ, kết thúc mỗi bài học trong SGK thường đã có các câu hỏi để học sinh củng cố lại kiến thức. “Không hiểu vì sao, sách gì hiện nay cũng in kèm sách bài tập để học sinh phải mua. Ví dụ, môn Đạo đức, Lịch sử, Kỹ thuật… đều có sách bài tập đi kèm là quá vô lý. Không mua cho con thì không yên tâm nên phải mua hết”, chị Hương nói. Cũng theo chị Hương, đầu năm học, chị thanh toán tiền SGK trọn bộ cho 2 con hết gần 1 triệu đồng. “Nếu nhà không có tiền thì việc mua SGK như hiện nay cũng là một cái khó”, chị nói.
Chị Lưu Thị Minh ở TPHCM cho biết, sách bài tập chỉ dùng một lần thuộc tài liệu tham khảo nên mua hay không phụ thuộc vào từng trường, thậm chí từng giáo viên. Có giáo viên yêu cầu học sinh phải có cả cuốn bài tập để làm ở nhà, có giáo viên không. Tuy nhiên, tâm lý phụ huynh có điều kiện không muốn con đến lớp thua kém bạn bè nên thường mua đủ bộ rất
lãng phí.
Một giáo viên Trường THPT tại Hà Nội chia sẻ, SGK lớp 10, 11, 12 đa số không in kèm bài tập để học sinh làm trong sách nhưng có sách bài tập riêng và có vô số sách tham khảo đi kèm. “SGK rẻ, trong khi đó sách tham khảo có giá đắt gấp 4 gấp 5 lần, nhưng kiến thức thi THPT quốc gia ngày càng mở rộng do đó, học sinh muốn thi đỗ ĐH, phải mua cực kỳ nhiều”, giáo viên này nói.
SGK ít, sách tham khảo nhiều
Theo một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm chương trình, SGK cho rằng, chương trình và SGK phải trải qua nhiều khâu, nhiều lần thẩm định, thử nghiệm mới được in ấn, phát hành rộng rãi trên toàn quốc.
Chương trình hiện hành bắt nguồn từ năm 2000, khi đó, một hội đồng biên soạn chương trình được Bộ GD&ĐT thành lập với nhiều GS, TS chia thành nhiều tiểu ban phụ trách biên soạn chương trình. Sau khi hoàn thành công tác biên soạn SGK, sẽ có hội đồng thẩm định kiểm tra kỹ trước khi thông qua và đưa vào dạy thử nghiệm. Cùng với việc triển khai đại trà, Bộ sẽ yêu cầu NXB Giáo dục chuyên trách in ấn, phát hành SGK dựa trên bản thảo của Bộ GD&ĐT đã thông qua để thực hiện việc in ấn và phát hành.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi viết chương trình, SGK, mỗi môn học chỉ có duy nhất một quyển là SGK. Ví dụ như, sách Ngữ văn 6, sách Ngữ văn 7…Trong mỗi cuốn sách, có từng bài học cụ thể. “Những người biên soạn SGK, không thiết kế sách bài tập dùng một lần đi kèm. Điều lo lắng là hiện nay có rất nhiều loại sách tham khảo đi kèm SGK, nhiều người không biết nên thà mua nhầm hơn bỏ sót rất lãng phí”, vị này nói.