Ghi ở vùng biên viễn

Lái xe chuyên trách, họ là ai?

0:00 / 0:00
0:00
Tranh thủ ăn uống trước khi lái xe xuất khẩu qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến
Tranh thủ ăn uống trước khi lái xe xuất khẩu qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến
TP - Trong số nghề được coi là hot nhất ở cửa khẩu xứ Lạng bây giờ thuộc về “Đội lái xe chuyên trách” ở khu vực biên giới.

Đội lái xe chuyên trách

Cách đây chừng 2 năm, tính từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để thích ứng với tình hình thực tiễn và sau khi có sự đồng ý của phía Trung Quốc, ở một số cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa lớn như: Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), xuất hiện những người chuyên lái xe tải trọng lớn, phần nhiều là xe container tập hợp thành một tổ chức, gọi là “Đội lái xe chuyên trách”.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn cho biết: Trên cơ sở thỏa thuận với phía Trung Quốc, hai bên thành lập đội lái xe chuyên trách từ giữa tháng 4/2020, mỗi bên khoảng 300 lái xe. Ban đầu, chỉ cho phép lái xe có hộ khẩu tại Lạng Sơn, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19. Các thành viên trong đội lưu trú tạm thời trong khu vực cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh. Danh sách lái xe được lực lượng chức năng hai bên gửi thông báo, thống nhất cấp thẻ để phối hợp quản lý và kiểm tra, kiểm soát về y tế hàng ngày.

“Do thực tế đa số lái xe đều đã có giao dịch gắn bó với các chủ hàng, doanh nghiệp đến từ các tỉnh trong cả nước. Thêm nữa, số lượng lái xe trọng tải lớn như container của tỉnh Lạng Sơn không đáp ứng được nhu cầu của chủ doanh nghiệp nên chúng tôi trao đổi và phía Trung Quốc đồng ý thêm lái xe đến từ các tỉnh, thành khác của Việt Nam, trừ những địa phương mà phía Trung Quốc cho rằng có diễn biến phức tạp về dịch bệnh. Việc hoạt động, tiền thuê lái xe là do chủ doanh nghiệp với từng thành viên lái xe chuyên trách tự thỏa thuận, nhưng không được quá mức giá do tỉnh Lạng Sơn quy định”, ông Nghĩa giới thiệu thêm.

Lái xe chuyên trách, họ là ai? ảnh 1

Cảnh sinh hoạt của Đội lái xe chuyên trách tại khu lưu trú tại cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: Duy Chiến

Gặp tôi ở sát biên giới, khi mới hoàn thành một chuyến đưa hàng từ Trung Quốc trở về, anh Hoàng Văn Công, 32 tuổi, dân tộc Tày, người quê Lạng Sơn xởi lởi cho biết: Ở cửa khẩu Hữu Nghị có khoảng 150 người lái xe chuyên trách, trong đó có 50 người có hộ khẩu ở Lạng Sơn.

“Chúng tôi thường trực ở khu vực cửa khẩu 24/24h. Sau khi lái xe đường dài từ các tỉnh chở hàng đến khu vực cửa khẩu Hữu Nghị thì chủ hàng điện thoại cho chúng tôi đến nhận xe (còn lái xe đường dài phải đến khu lưu trú tập trung ở bãi kiểm hóa Công ty Cổ phần Hữu nghị Xuân Cương ở cửa khẩu Hữu Nghị). Nhận xe xong, chúng tôi điều khiển xe chở hàng qua barie số 1 (của Việt Nam) đến nước bạn, thực hiện theo hướng dẫn, kiểm soát của Hải quan Trung Quốc về phân luồng xe. Sau khi qua barie số 1 (của Trung Quốc), tiếp tục đi theo lộ trình lái xe từ cầu lớn Tả Phủ Sơn đi qua khu hậu kiểm nhập cảnh vào đường nhập cảnh chính ở vòng xuyến lớn gần sườn núi, đi ra ngoài barie số 2 thì đến quảng trường khá rộng. Tại đây, lái xe chuyên trách Việt Nam bàn giao phương tiện cho lái xe chuyên trách Trung Quốc. Sau đó lái xe nước bạn điều khiển xe hàng của Việt Nam đến bãi hàng Bằng Tường để tiến hành khử khuẩn hàng hóa, bốc dỡ sang tải. Xong việc thì cánh lái xe chúng tôi đến nơi để nhận xe rỗng (không hàng) để lái trở về Việt Nam”, anh Công thông tin chu trình giao chuyển hàng.

Muôn vàn gian khó

Tại tầng 1 và tầng 2 trong tòa nhà khá khang trang của Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương có một số phòng dành cho cánh lái xe chuyên trách nghỉ ngơi và “tự cách ly”. Việc ăn uống, sinh hoạt diễn ra tại chỗ.

Tôi đến đúng lúc giữa giờ nghỉ trưa. Một số anh em ngồi uống nước tán gẫu, có người chờ đồng nghiệp đi ship hàng ăn về.

Lái xe Hoàng Văn Công tâm sự, anh tham gia vào đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu Hữu Nghị từ tháng 4 năm ngoái, nhưng chưa bao giờ thấy việc làm ăn khó khăn như hiện nay. Ngày trước một, hai ngày có một chuyến, nay có khi hàng tuần chưa được chuyến đi nào, bởi lượng ô tô đến “nốt” mang hàng sang Trung Quốc rất hạn hẹp, ùn ứ.

“Chia sẻ với những khó khăn của lái xe đường dài và Đội lái xe chuyên trách, Công ty chúng tôi đã và sẽ miễn giảm các khoản thu tiền ở, điện nước, tiền xe điện di chuyển trên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị”. Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng giám đốc

Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương

“Lấy cớ là số lượng lái xe chuyên trách của Trung Quốc ít nên họ rất lừng khừng khi tiếp nhận xe của ta đến điểm bàn giao xe. Có những lái xe nước bạn khó tính, báo rằng ô tô hỏng, nhưng khi kiểm tra thì không phải. Họ không quen lái xe container nguồn gốc từ Mỹ nên tìm cách gây khó dễ. Cũng từ lý do này, nhiều xe của ta sang đó nằm ì hàng ngày vì tài xế Trung Quốc không điều khiển thành thục, xe không nổ máy. Có nhiều trường hợp xe va chạm, méo đầu do tay nghề ông tài non, không quen”, anh Công bức xúc thuật lại.

Góp chuyện, anh Chu Mạnh Việt (37 tuổi, quê ở Bắc Giang) cho biết, có nhiều trường hợp lái xe Trung Quốc cứ để nổ máy, bật điều hòa từ khi nhận xe cho đến khi sang tải hàng xong, thời gian đến 1,2 ngày. Do vậy, xe tốn mất mấy trăm lít xăng, dầu, hết nước, ắc quy hết điện.

“Họ điện thoại cho mình bảo xe hỏng, không chạy được. Nhiều xe bị “câu bình” (trục trặc ở bình xăng), họ tự ý sửa rồi bắt lái xe Việt Nam phải trả 200 Tệ (tiền Trung Quốc, tương đương trên 1 triệu VNĐ). Đã vậy, khi ở Trung Quốc, nhiều khi không có phòng nghỉ, anh em phải vật vạ ở những gốc cây. Khu vệ sinh cũng không có, nếu đi tiểu “lậu” ở ven núi, họ bắt được thì bị bạt tai và phạt tiền rất nặng”, anh Việt thuật lại.

Theo nhiều lái xe chuyên trách, với mỗi chuyến nhận lái xe thuê được chủ hàng trả từ 2 triệu đến 2,7 triệu (tùy vào trọng lượng xe và chủng loại hàng) thì việc chi phí, ăn ở quá lớn, nên tiền công chẳng được bao nhiêu...

Khó khăn là vậy, nhưng anh em trong Đội lái xe chuyên trách vẫn không bỏ cuộc, Trước khi chia tay, tôi nhớ mãi lời tâm sự gan ruột của anh Công, anh Việt: “Thực ra, dạo này do ùn ứ xe nhiều ngày ở cửa khẩu, chủ hàng phải chi phí rất nhiều, đa số doanh nghiệp bị lỗ tầm 20 đến 30 triệu đồng/chuyến. Thế nhưng, họ vẫn phải đi để giữ mối làm ăn bên Trung Quốc”...

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.