Ghi ở vùng biên viễn, kỳ 2: Tương phản ở các cửa khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Cửa khẩu Cốc Nam vắng lặng không một bóng người ảnh: Duy Chiến
Cửa khẩu Cốc Nam vắng lặng không một bóng người ảnh: Duy Chiến
TP - Nhìn đoàn xe chở nông sản nối đuôi nhau xếp dài, chật cứng ở cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị, các cán bộ Hải quan Lạng Sơn xót xa lẫn sốt ruột tâm sự: Đúng là “nước chảy chỗ trũng làm ngập úng nơi này, các nơi khác thì khô nẻ, vắng như chùa Bà Đanh”.

Hoang vắng như chợ chiều

Cửa khẩu Cốc Nam (hay còn có tên gọi khác là Cổng Trắng) thuộc huyện Văn Lãng, Lạng Sơn được coi là nơi đắc địa để giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Lạng Sơn. Trước đây, Cốc Nam là cửa khẩu sầm uất vào bậc nhất, nhì tỉnh Lạng Sơn bởi khu vực này rất thuận lợi việc di chuyển, đi lại cho người và phương tiện. Cửa khẩu nằm sát thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) với con quốc lộ 4A đi qua sát cạnh. Qua cột mốc 1104 về mạn Bắc vài chục mét là khu chợ Lũng Vài sầm uất của thị trấn Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

Ghi ở vùng biên viễn, kỳ 2: Tương phản ở các cửa khẩu ảnh 1

Hàng ở cửa khẩu Hữu Nghị xếp hàng dài chờ xuất khẩu Ảnh: Duy Chiến

Giao thương thuận tiện, dễ dàng. Cư dân hai bên biên giới hiểu biết tiếng “Pạc Và” và Thổ ngữ nên công việc kết hợp, trao đổi và cùng bốc xếp hàng hóa rất nhịp nhàng, hiệu quả.

Thiếu tá Vũ Đức Trung, Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam cho biết: Trước đây, lưu lượng hàng nông sản, hoa quả tươi và thủy sản làm thủ tục thông quan rất đông, có thời điểm xuất bán được khoảng 140 xe mỗi ngày.

Điều đặc biệt, riêng có ở Cốc Nam là hàng xuất của ta được sang tải ngay trên đất Việt Nam (các cửa khẩu khác ở Lạng Sơn việc sang tải thực hiện bên đất Trung Quốc- PV). Từ 8 giờ sáng hàng ngày, hàng trăm lượt xe nước bạn sang Cốc Nam lấy hàng rồi chở về nước nhanh chóng, nhộn nhịp.

Vậy mà, kể từ đầu năm 2021, số lượng xe ô tô sang ta “ăn hàng” giảm dần. Từ trên 100 xe, có ngày chỉ có 50- 60 xe, đến giữa năm thì trung bình duy trì 20 ô tô Trung Quốc (loại xe tải nhỏ 2,5 tấn) sang Cốc Nam sang tải hàng hóa.

“Tôi nhớ, chiều 26/8, chính quyền Bằng Tường, Trung Quốc thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (tương ứng với cửa khẩu Cốc Nam). Lý do đưa ra là bên họ quyết định siết chặt công tác phòng chống dịch khi ở thị trấn Na Sẩm, huyện Văn Lãng xuất hiện các ca COVID-19. Cũng kể từ đó cho đến nay, cửa khẩu Cốc Nam không một bóng người và phương tiện ở khu vực biên giới”, Thiếu tá Trung nói.

“Giá mà các cửa khẩu khác ở Lạng Sơn được thông quan hàng hóa thì bài toán giảm tải ùn ứ ở Tân Thanh, Hữu Nghị sẽ được giải quyết, đem lại yên bình, thịnh vượng cho mọi người”

Ông Bế Thái Hưng, Phó Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh

Nói rồi, người sỹ quan Biên phòng này dẫn chúng tôi đi thị sát một vòng. Khu làm việc liên ngành sát biên giới Việt- Trung đóng cửa im lìm. Nơi bốc xếp, san tải hàng hóa để hoang, buồn tênh. Sát bên kia biên giới hàng rào cổng sắt chắn ngang đường, lạnh lẽo.

Hai cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đang làm việc ở vị trí tiền tiêu, sát cột mốc chủ quyền 1104 thấy khách đến thăm, thấy ấm lòng, chạy từ bốt gác ra chào đón. Thiếu tá Trung bảo, mặc dù “trắng bãi” cửa khẩu đã hơn ba tháng nay, nhưng đơn vị vẫn duy trì các vọng gác xung quanh cửa khẩu để bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời cắt cử các tổ đội tuần tra biên giới, chống xuất nhập khẩu trái phép qua đường mòn. Hiện nay, ở Cốc Nam có 12 tổ chốt ở sát biên giới, mỗi tổ bố trí 2-3 người, túc trực 24/24 giờ.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, bên cạnh Cốc Nam, phía Trung Quốc cũng đã không thông quan tại một số cửa khẩu ở Lạng Sơn như: Na Hình (huyện Văn Lãng), Nà Nưa, Bình Nghi (huyện Tràng Định), Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), khiến các nơi này rơi vào tình trạng đìu hiu.

Bức bối hàng nghìn xe tồn lưu

Trong khi đang đi công tác tại biên giới, tôi nhận được điện thoại của Bế Thái Hưng, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tân Thanh thông tin: “Tôi vừa nghe tin, tại cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, phía Trung Quốc lấy lý do hệ thống mạng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu Ái Điểm (Trung Quốc) gặp sự cố và tạm dừng thông quan hàng hóa kể từ sáng 8/12 cho đến khi có thông báo mới của lãnh đạo cấp trên của họ. Nếu như vậy, hàng lại tiếp tục dồn về Tân Thanh thì căng”.

Nhiệt độ của sự ùn ứ cục bộ ở Tân Thanh và Hữu Nghị mỗi lúc một nóng. Đến chiều 8/12, tại Lạng Sơn có trên 3.000 xe ô tô (trong đó tại Tân Thanh tồn gần 2.000 xe) chở nông sản đang nằm ken kín cửa khẩu.

Chia sẻ với nỗi lo này, ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) cho hay, hiện tại ở khu vực bãi xe Xuân Cương số xe nối đuôi nhau đỗ dọc đường tới cửa khẩu còn tồn trên 1.000 xe, phần lớn chở hàng nông sản, nhiều xe đã nằm chờ tại đây 3-4 ngày.

“Do việc kiểm soát công tác phòng chống dịch của phía Trung Quốc nên mỗi ngày chúng tôi chỉ làm thủ tục thông quan được khoảng 130 xe, trong khi hàng ngày lại có hàng trăm xe mới đổ dồn về đây, khiến lực lượng chức năng cửa khẩu lo lắng”, ông Bộ nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn cho biết, trước tình trạng “nơi ùn ứ, chỗ đìu hiu”, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn liên tiếp tổ chức họp bàn với các ban, ngành ở địa phương tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Nghĩa, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn liên tục tổ chức điện đàm, hội đàm, vừa gửi thư với phía Trung Quốc để thúc đẩy xuất nhập khẩu một cách nhanh nhất, cũng như đề nghị xem xét cho mở cửa thông quan ở một số cửa khẩu khác ở Lạng Sơn khi đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên phía bạn vẫn chưa có động thái tích cực, hiệu quả rõ rệt nào.

“Gần đây, Lạng Sơn cũng đã báo cáo với Bộ Công Thương và kiến nghị các cấp cao hơn cùng vào cuộc giải quyết, vì nếu chỉ mỗi cấp địa phương sẽ rất khó khăn trong việc tháo gỡ tình trạng ùn ứ hiện nay”, ông Nghĩa nói.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG