Xuất phát từ một tấm ảnh trên mạng xã hội “Chào mừng các con học sinh trở lại trường học”, một lần nữa lại dấy lên tranh luận thầy cô có nên gọi học sinh là “con”.
Trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.
Ông cũng mong Bộ GD&ĐT thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung mà trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".
"Yêu cầu các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến khích gọi học sinh là "các bạn". Các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo". Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học"- nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân nêu quan điểm.
Cách xưng hô không có gì mà căng thẳng
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc xưng hô để tăng sự gần gũi với giáo viên và học sinh thì ở cấp mầm non, tiểu học có thể xưng hô con - cô; con - thầy cũng tốt.
Thầy Công cũng chia sẻ thêm, khi các học sinh đã lớn thì có thể thay đổi dần như "em - thầy/cô"; "thầy/cô-em/bạn" cũng được.
“Ví dụ "Thầy Công mời bạn Minh lên bảng, theo bạn Minh thì câu này nên giải quyết như thế nào?". Có lẽ cách gọi này là an toàn nhất, đơn giản nhất và có thể thống nhất được. Ở lứa tuổi cấp 3 mà vẫn xưng con-thầy/cô đôi khi khiến giáo viên trẻ cũng ngượng ngùng”- thầy Công nói.
Thầy Công cũng nêu quan điểm, nếu trên Đại học thì em nghĩ cách xưng hô dễ nhất là "thầy ... và bạn ...", còn sinh viên thì xưng "em-thầy/cô" cũng cách gọi đơn giản hóa, chấp nhận được
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy Lịch sử (TP.HCM) cho rằng, đâu phải cứ xưng “tôi” với giáo viên/ giảng viên mới bày tỏ sự tôn trọng.
Cô Thảo cho rằng, cô vẫn xưng con với học trò để tình cảm cô trò thắm thiết. Giờ học trò của cô 30 tuổi vẫn còn xưng “con” vì quen.
“Còn việc bảo xưng “tôi” để thể hiện quan điểm thì tôi cho rằng không hẳn. Quan trọng là mình tạo động lực, tạo để các em thấy rằng tranh luận hay bày tỏ quan điểm thẳng thắn là điều cần trong lớp học và luôn sòng phẳng. Cô thua thì cô tiếp nhận tri thức và lập luận cũng như quan điểm của trò”- cô Thảo nêu quan điểm.
Cô Thảo cho rằng, việc xưng hô có gì phải căng thẳng. Quan điểm giáo viên thương yêu học trò cứ thương. Còn mình dạy tranh luận và bày tỏ quan điểm cứ thúc đẩy trò thì cứ dạy.
“Trò có nói sai thì cô lại chỉ ra cái hạn chế, góc tiếp cận và quan điểm của trò. Đâu phải xưng “tôi” mới bày tỏ được quan điểm cũng như sự tôn trọng nhau”- cô Thảo nói.