Chi mua sắm thiết bị phòng chống dịch: Các trường lo không đủ nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học sinh đi học trở lại, các trường học phải dành nhiều nguồn lực chi cho mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch khiến nhiều trường lúng túng.

Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tráng Việt A, huyện Mê Linh (Hà Nội) bà Nguyễn Thị Bình cho biết, gần 600 học sinh của trường đi học trở lại từ ngày 10/2. Học sinh tiểu học chưa được tiêm vắc xin nên nhà trường chuẩn bị phương án cẩn trọng, chu đáo theo yêu cầu của cơ quan Y tế từ khẩu trang dự phòng, nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, que test nhanh, thiết bị dạy học trực tuyến… Nhà trường sử dụng ngân sách để mua sắm những trang thiết bị này tuy nhiên, sau gần 2 năm phòng chống dịch, nguồn tiền cũng dần cạn, một số lớp, phụ huynh đã tự mua máy đo thân nhiệt để giáo viên đo cho học sinh.

Chi mua sắm thiết bị phòng chống dịch: Các trường lo không đủ nguồn lực ảnh 1

Học sinh quay lại trường học, nhiều phụ huynh lo con bị lây nhiễm từ bạn cùng lớp

ẢNH: Trọng Tài

Theo bà Bình, sau 3 ngày dạy học trực tiếp, hôm qua, trường phối hợp nhân viên y tế test nhanh cho toàn bộ học sinh tại lớp và phát hiện 3 học sinh mắc COVID-19. Mỗi lớp chỉ dành 30 phút test nhanh mẫu gộp vì không đủ que test. “Nếu có điều kiện, mỗi tuần học sinh, giáo viên được test nhanh 1 tuần/ lần sẽ sàng lọc rất tốt nguồn lây, phụ huynh cũng sẽ yên tâm hơn. Về lâu dài, giáo viên sẽ được lực lượng y tế hướng dẫn cách lấy mẫu để tự thực hiện. Tuy nhiên, nguồn lực của trường không đủ để mua que test vì phương thức này tốn kém”, bà Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, nếu làm bài toán test nhanh COVID-19 mỗi tuần 1 lần cho tất cả học sinh, trường có hơn 1.000 em sẽ tiêu tốn khoảng gần 100 triệu đồng.

Với nguồn tiền lớn như vậy, ngân sách của trường không đủ chi. Trong hướng dẫn Y tế cũng không bắt buộc trường thực hiện do đó nhà trường khuyến khích phụ huynh tự mua que test cho con ở nhà vào chiều chủ nhật, trước ngày con đến trường. Từ khi mở cửa trường học, đã phát hiện 13 trường hợp F0, chủ yếu do các em lây nhiễm từ người thân.

“Nguồn ngân sách chi cho nhà trường hàng năm không đổi, trong đó đơn vị sẽ dành một khoản cho y tế, phòng dịch. Do đó, các trường tự tính toán, chi theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Ngoài ra, cơ sở giáo dục cũng được UBND Quận tặng thêm nên tạm thời đáp ứng đủ để phòng chống dịch”, bà Vân Hồng nói.

Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng cho rằng, giải pháp test nhanh ngẫu nhiên hoặc đồng loạt cho toàn bộ học sinh, cán bộ, giáo viên sẽ hiệu quả trong phòng chống dịch nhưng rất tốn kém nhà trường không thể thực hiện vì nguồn lực không cho phép.

“Nguồn ngân sách chi cho nhà trường hàng năm không đổi, trong đó đơn vị sẽ dành một khoản cho y tế, phòng dịch. Do đó, các trường tự tính toán, chi theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương

Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội) bà Phan Thị Xuân Thu nói rằng, qua 2 năm chống dịch, mỗi đợt trường đều mua bổ sung trang thiết bị. Riêng đợt này, phải bổ sung thêm một số loại mới như: kít test; máy đo thân nhiệt tự động, lắp camera trong lớp… Với nhiều thiết bị như vậy, nguồn kinh phí sẽ tăng lên nhưng trong giai đoạn hiện nay các trường đều phải dành nguồn tiền từ ngân sách để chi. “Khi học sinh đi học trở lại, trường cũng chỉ dự định test nhanh cho học sinh có biểu hiện bất thường, không test học sinh toàn trường vì như vậy sẽ rất tốn kém”, bà Thu nói.

Theo tiết lộ của hiệu trưởng 1 trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), phụ huynh rất muốn học sinh được test sàng lọc hàng tuần ở trường để phát hiện sớm F0, không thành ổ dịch lây lan trong trường, lớp. Tuy nhiên, với hơn 2.000 học sinh, ngân sách không thể đáp ứng yêu cầu này. Tính từ 7/2 đến nay, trường mới test cho những học sinh có biểu hiện nghi ngờ và phát hiện 3 trường hợp F0. Trong đó, có 1 trường hợp đã có biểu hiện đau họng ở nhà nhưng phụ huynh vẫn cho đi học nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang học sinh khác.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.