Về diễn biến chính trên thị trường tiền tệ hai tuần qua, theo MBS, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung tiếp tục xu hướng tăng so với hai tuần trước (tăng 2.19 điểm phần trăm đối với qua đêm, 2.04 điểm phần trăm đối với 1 tuần, 1.76 phần trăm đối với 2 tuần, 1.52 phần trăm đối với 1 tháng) và không còn ở mức thấp, cho thấy nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang gia tăng.
Cùng đó, NHNN đã bơm ròng tiền vào hệ thống thông qua kênh tín phiếu và repo. “Chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ hạ nhiệt trong hai tuần tới nhờ sự can thiệp của NHNN song sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong những tuần cuối năm do nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong hệ thống tăng và NHNN sẽ phải bán ra USD (qua đó hút VND về) nhằm đảm bảo sự ổn định của tỷ giá”, bản tin
nhận định.
Về mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã có dấu hiệu chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Trong tuần có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng và một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
“Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn do nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng vào những tháng cuối năm”- nhóm phân tích nhấn mạnh.
Về tỷ giá sau khi tăng khá mạnh trong hai tuần qua, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng lên mức 22.135 (tăng 11 đồng so với hai tuần trước). Tỷ giá tại giao dịch các NHTM ở mức 22.770 tăng 50 VNĐ so với hai tuần trước. “Chúng tôi cho rằng đây là hiệu ứng ngắn hạn do nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 và USD tăng giá trên thị trường thế giới. Chúng tôi đánh giá NHNN đủ khả năng giữ ổn định tỷ giá do dự trữ ngoại hối khá dồi dào”, bản tin MBS khẳng định.