Lại ra khơi khi vừa về từ cõi tử

0:00 / 0:00
0:00
Thời điểm tàu QNg 95058 TS của ông Dương Văn Thạch sắp chìm, 5 ngư dân tập trung ở mũi tàu chờ lực lượng đến cứu Ảnh: CSB cung cấp
Thời điểm tàu QNg 95058 TS của ông Dương Văn Thạch sắp chìm, 5 ngư dân tập trung ở mũi tàu chờ lực lượng đến cứu Ảnh: CSB cung cấp
TP - May mắn được cứu sống giữa biển khi cơn bão Côn Sơn đang hoành hành dữ dội, 5 ngư dân tàu QNg 95058 TS là những người trở về từ cõi tử. Duyên nợ với biển chưa hết, qua cơn đại nạn, họ lại sửa tàu tiếp tục vươn khơi, nối tiếp nghề truyền thống bao đời của cha ông.

Giây phút tuyệt vọng

Gần 2 tháng trôi qua kể từ sự cố khủng khiếp xảy ra giữa cơn bão số 5 (bão Conson), ông Dương Văn Thạch (thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn nhớ như in những giờ phút đối mặt với tử thần trên biển.

Đầu tháng 9/2021, tàu QNg 95058 TS của ông Thạch gồm 5 người đang khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa. Đi được hơn 1 tuần thì nghe tin bão Conson, ông vội cho tàu về bờ trú tránh. Đến khoảng 13 giờ ngày 11/9, khi tàu còn cách đảo Lý Sơn hơn 20 hải lý thì gặp mưa to, sóng lớn, tàu bị phá nước ở phía thân sau và chết máy.

Giữa biển cả mênh mông, những con sóng hung dữ đập ầm ầm vào thân tàu đã thủng lỗ to, nước tràn vào mỗi lúc một nhiều. “Anh em thay nhau tát nước, nhưng tàu cứ chìm dần và bị sóng cuốn mỗi lúc một xa đảo Lý Sơn. Mọi người không thể làm gì được nữa, mang mì gói, nước uống lên mũi tàu ngồi đợi lực lượng đến cứu”, ông Thạch kể.

Gần 50 tuổi đời với 32 năm đi biển, chuyên đánh bắt ở khu vực biển truyền thống Hoàng Sa, ông Thạch dạn dày sóng gió và kinh nghiệm trên biển cả, nhưng ông cho biết chưa bao giờ ông gặp cảnh tượng kinh hoàng, cũng chưa bao giờ trải qua những giây phút căng thẳng, sợ hãi như hôm ấy.

Cười ngượng ngùng, ngư dân Đỗ Phòng (40 tuổi, Định Tân, Bình Châu) tiếp lời: “Lúc tàu mới bị vô nước, chết máy, anh em cùng trấn an nhau. Nhưng đợi mãi, đợi mãi. Đến hơn 4 giờ chiều vẫn chưa thấy tàu tới cứu, nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn, nước cứ tràn dần đến mũi tàu. Tôi đành mặc áo phao ngồi im, tiếp tục đợi, không muốn khóc đâu nhưng lúc đó nước mắt rớm cả rồi”.

“Tầm gần 5 giờ, tàu 8002 của cảnh sát biển đến, 5 anh em la lớn lên vì vui mừng. Sau đó, lần lượt từng người được đưa lên tàu. Cảnh sát biển lấy quần áo cho thay, rồi kiểm tra sức khỏe, cho ăn uống chu đáo lắm. May mà có họ cứu, chứ coi như giờ mình đã không còn rồi”, ngư dân Bùi Văn Ca (38 tuổi, thôn Định Tân, xã Bình Châu) xúc động.

Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh, Chính trị viên tàu CBS 8002, Hải đoàn 21, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, nhớ lại: “Lúc 1 giờ chiều ngày 11/9, chúng tôi nhận được lệnh đi cứu ngư dân. Bình thường với tọa độ đó chỉ mất khoảng 2 tiếng là đến nơi, nhưng vì sóng to quá nên tốn gấp đôi thời gian”.

Đến 16 giờ 45 phút, tàu 8002 tiếp cận tàu cá bị nạn cách đông nam Lý Sơn 40 hải lý, cách vị trí thông báo tàu bị nạn 18 hải lý. Lúc này tầm nhìn rất hạn chế, tàu cá QNg 95058 TS đã chìm đến 2/3 thân.

Lại ra khơi khi vừa về từ cõi tử  ảnh 1

Ngư dân được đưa lên tàu - Ảnh: CSB cung cấp

“Lúc nhìn thấy các ngư dân đều còn sống, đang tập trung ở mũi tàu, chúng tôi nhẹ hẳn người. Biển động dữ dội, sóng lớn nên mọi thao tác cứu vớt ngư dân khó khăn hơn bội phần. Đến khoảng 18 giờ, cả 5 ngư dân được đưa lên tàu an toàn. Khoảnh khắc người cuối cùng được đưa lên tàu, tất cả thành viên trên tàu đều cười hạnh phúc vì những nỗ lực, cố gắng của mình đã thành công”, Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.

Cuộc phiêu lưu của con tàu vỡ

Sau khi được cứu sống và bàn giao về địa phương, ông Dương Văn Thạch ngẩn ngơ suốt nhiều ngày. Mừng vì giữ được mạng sống của bản thân và anh em, nhưng lòng dạ ông xót xa vì tài sản cả đời tích cóp là con tàu trị giá hơn 4,5 tỷ đồng đã nằm lại dưới đáy đại dương. Ông Thạch bàn với vợ sẽ nghỉ hẳn nghề biển, kiếm việc khác làm. Ấy vậy mà bất ngờ thay, đến đầu tháng 10/2021, ông Thạch nhận được thông tin có người tìm thấy chiếc tàu của mình ở tận…Khánh Hòa.

“Vô tình, qua mạng xã hội biết được có người đi biển tìm thấy tàu của mình trôi đến tận Khánh Hòa. Ngày 28/9, họ phát hiện ra tàu, ngày 2/10 họ thuê tàu lai dắt về Quy Nhơn rồi thông tin trên mạng xã hội, tìm chủ”, ông Thạch kể.

“Lúc mới được cứu về, vợ khóc quá trời, cấm không cho đi biển nữa, chỉ làm bờ thôi. Ở xứ này, đàn ông là trụ cột gia đình, mình có chuyện gì chắc cả nhà sống không nổi. Nhưng ở biển không đi biển thì làm gì, nên tui lại đi tiếp. Dân biển thì phải bám biển thôi”

Ngư dân Đỗ Phòng

Vui mừng và hồi hộp, ngày 5/10, ông Thạch bắt xe chạy vào Quy Nhơn, mục sở thị con tàu của mình được kéo vào neo đậu ở đây ngỡ như mơ. “Lúc được cứu lên tàu cảnh sát biển, tàu chìm hơn 2/3 rồi, cứ tưởng là chìm luôn. Nhưng không hiểu sao nó trôi vào tận trong này, chắc do có phần khoang nào đó chưa vỡ nên cứ lập lờ phần chìm phần nổi, rồi bị sóng gió đẩy đi”, ông Thạch vẫn chưa thôi ngạc nhiên.

Trả hơn 400 triệu đồng cho người phát hiện và lai dắt tàu về cảng, ông Thạch đưa tàu lên bãi đà ở Quy Nhơn, làm sơ lại phần thân tàu bị vỡ, không cho nước vào. Giữa tháng 10, ông lại thuê tàu lai dắt về quê để sửa chữa tiếp. Suốt gần 1 tháng qua, ông Thạch khá bận rộn với việc tu sửa con tàu ngỡ như vĩnh viễn không thể nào gặp lại lần nữa.

“Tàu về tới Sa Kỳ, sau đó đưa lên bãi đà tháo hết máy ra, cái nào sửa được thì sửa, không thì mua mới. Có thể sẽ tốn bạc tỷ, nhưng thôi, coi như cái duyên nợ mình chưa dứt, làm tới đâu tính tới đó. Sửa xong rồi lại tiếp tục vươn khơi”, ông Thạch cười.

Bốn ngư dân trên chiếc tàu bị nạn cùng ông Thạch ngày ấy cũng dần ổn định tâm lý, thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau và lại tiếp tục đi biển để mưu sinh.

Dưới vệt nắng hiếm hoi sau những ngày dài mưa bão, con tàu của ông Thạch đang được hồi sinh. Lớp sơn mới được phủ lên để hoàn thiện phần vỏ đã dần khô, con tàu lại vững chãi như chưa từng trải qua cuộc sinh tử. Ông Thạch vẫn còn khá lo lắng vì “nặng nợ”, tiền vay đóng tàu cũ còn hơn 2 tỷ đồng chưa trả, giờ lại thêm khoản tiền lớn phải lo để sửa tàu. Dẫu vậy, gần đây, giấc ngủ của ông đã ngon hơn, không còn bị giật mình thức giấc vì nỗi ám ảnh lần “chết hụt” trong bão Conson.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.