Lại nóng cướp phết, chọi trâu

Bộ VHTTDL yêu cầu thay đổi cách tổ chức, không để phết Hiền Quan tiếp tục vỡ trận​. Ảnh: Mạnh Thắng.
Bộ VHTTDL yêu cầu thay đổi cách tổ chức, không để phết Hiền Quan tiếp tục vỡ trận​. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Thứ trưởng Bộ VHTTDL tuyên bố, nếu một số lễ hội nóng không điều chỉnh và thay đổi cách tổ chức sẽ đề nghị tạm dừng.

Bỏ cướp phết

Đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại hội nghị sơ kết 20/4, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá Cơ sở ghi nhận chuyển biến tích cực, nhiều lễ hội trang trọng an toàn, tiết kiệm. Tuy nhiên, một số lễ hội vẫn để xảy ra xô đẩy, vi phạm nếp sống văn minh: tranh giành lộc tại lễ hội Làm chay ở Long An, lễ hội Đúc bụt ở Vĩnh Phúc, hội làng Sơn Đồng (Hà Nội), hội phết Hiền Quan (Phú Thọ).

Hội Gióng đền Sóc giảm nhiệt do thay tranh cướp lộc bằng phát lộc nhưng cướp phết Hiền Quan vẫn nguy cơ tiềm ẩn bạo lực. Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, Phú Thọ, ông Cao Văn Mỹ cho rằng, hội phết Hiền Quan nhiều năm trước vẫn theo nghi lễ truyền thống đánh phết, hơn chục năm gần đây chuyển thành tranh cướp.

“Việc cướp phết dẫn tới tranh giành nhau, bùn đất lấm lem, nhưng kết quả là vui và được nhân dân hưởng ứng, không có chuyện đánh nhau gây thương tích”, ông Mỹ nói. Ông cho rằng, hình ảnh người tranh cướp mệt nằm ra đất là bình thường, nhưng báo chí đưa lên “không đúng bản chất”.

Lí lẽ này chưa hoàn toàn thuyết phục, bởi Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nói, nhiều năm theo dõi sát hội phết, chứng kiến cảnh đánh nhau, vỡ trận. Bà cũng cho rằng, với quy mô như hiện nay, không thể để cấp xã tổ chức, bởi vận động hơn 100 công an vào giữ trật tự không xuể. Cục trưởng đề xuất nên đào hào sâu và chỉ đưa 15-20 người xuống, hơn nữa, ngay đến quả chúi theo phong tục là vứt đi rủi ro nay cũng trở thành vật được đem ra cướp. Nếu phết Hiền Quan không thay đổi cách chức tổ chức, Bộ sẽ đề nghị tạm dừng, đại diện Bộ nói.

Xét lại chọi trâu

Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái khẳng định, hai năm qua nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Chính phủ và Bộ về việc dừng chọi trâu, tuy nhiên lại đề nghị Bộ nên có văn bản hướng dẫn các địa phương về chọi trâu. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói ngay, không có chuyện Bộ hướng dẫn địa phương về chọi trâu, như thế cả nước sẽ đua nhau tổ chức. Cho tới nay, Bộ ghi nhận ba lễ hội chọi trâu truyền thống là Đồ Sơn, Hải Lựu và Phù Ninh.

Sau sự cố trâu chọi Đồ Sơn húc chết người năm ngoái, Sở VHTT Hải Phòng cho biết tiếp tục xin ý kiến chuyên gia và phối hợp Viện VHNT Việt Nam xây dựng cách thức tổ chức theo hướng “đẩy mạnh nghi thức truyền thống, hạn chế phần chọi trâu, đồng thời nâng cao tính an toàn cho du khách”. Bà Ninh Thị Thu Hương cảnh báo, hai lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh và Hải Lựu dù chưa xảy ra sự cố nhưng cũng đáng báo động.

Lãnh đạo Cục trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh để đưa con trâu bất thường ra khỏi sân. Một loạt vấn đề về vệ sinh môi trường, thiếu kỹ năng đảm bảo an toàn trong quá trình chọi trâu cần khắc phục, chẳng hạn hàng rào đơn sơ, không có lối đi riêng cho trâu chọi nên khán giả và trâu đi chung lối.

Không riêng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cần thay đổi, Thứ trưởng Thủy đề nghị hai huyện Hải Lựu, Phù Ninh sớm xây dựng đề án đổi mới mô hình tổ chức. Bà Thủy cho rằng, địa phương phải rà soát lại nguồn gốc lễ hội, nếu xác định yếu tố truyền thống cần hoàn thiện hồ sơ để Bộ xem xét, ngược lại, nếu không chứng minh được truyền thống thì có thể phải dừng tổ chức.

Ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang, nói tạm dừng lễ hội chọi trâu Hàm Yên theo chỉ đạo dù Tuyên Quang tin có đủ cơ sở hoàn thiện hồ sơ chứng minh nguồn gốc lễ hội. Ông Phan cũng chỉ ra những yếu tố bất cập quanh lễ hội chọi trâu như thương mại hóa liên quan bán vé, cá độ ngầm rồi bạo lực. Nhiều nhà quản lý đồng tình nên bớt lễ hội phản cảm, song song đó cần nhân rộng hình ảnh đẹp của những lễ hội như Minh Thề.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhắc tới những biểu hiện trong lễ hội cần tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp như: nhiều địa phương nâng cấp quy mô lễ hội, đưa nhiều nội dung không phù hợp không có trong hồ sơ di sản như phát ấn, xóc thẻ, phát lộc vào lễ hội để thu hút người dân. Bộ đang trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội để có căn cứ pháp lý mạnh hơn để chấn chỉnh hoạt động lễ hội.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
TPO - Sự cố cháy rừng ở khu vực Đền Cao An Phụ (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã được lực lượng chức năng khống chế, ngăn cháy lan. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cảnh báo thời tiết hanh khô và lượng lớn cây rừng bị gãy đổ sau bão số 3 nên nguy cơ cháy rừng rất cao, ở cấp độ 4, mức nguy hiểm.