Lãi ngân hàng “béo, gầy” nhanh?

Tính đến hết tháng 9, mảng ngoại tệ chưa mang lại cho các ngân hàng nhiều lợi nhuận. Ảnh: Như Ý.
Tính đến hết tháng 9, mảng ngoại tệ chưa mang lại cho các ngân hàng nhiều lợi nhuận. Ảnh: Như Ý.
TP - Năm 2014 đuợc đánh giá là năm khó khăn đặc biệt không chỉ với nền kinh tế mà cả khối ngân hàng. Thoạt nhìn vào có thể vẫn thấy ngân hàng đạt lãi cả trăm, thậm chí ngàn tỷ đồng, nhưng soi xét kỹ, bản chất bức tranh lợi nhuận không còn hoành tráng như xưa. Thậm chí tại nhiều ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, nợ xấu tăng cao.

Tăng nợ xấu và trích lập

Tính từ đầu năm đến hết tháng 9 Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 945 tỷ đồng, giảm 18,2% so với cùng kỳ và sau thuế đạt 734 tỷ, giảm 16,5%. Chất lượng nợ của Eximbank cũng đáng chú ý. Tổng cộng ngân hàng có 2.689 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối tháng 9, tăng 62,8% so với cuối năm 2013, trong đó cả nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 đều tăng gấp hơn 2 lần. Tính trên tổng dư nợ thì tỷ lệ nợ xấu của Eximbank là 3,35% trong khi đầu năm chỉ là 1,98%.

Tại ACB, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3.07%; Tại VPBank, nợ quá hạn lên tới hơn 5,575 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7.9%; NamABank dù lãi đạt hơn 130 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước nhưng nợ có khả năng mất vốn cũng cao gấp 2,5 lần đầu năm, hơn 250 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.48% lên 1.99%. Nợ xấu của ngân hàng Quốc tế (VIB) ở mức 2.19%. Quỹ dự phòng rủi ro lũy kế sau khi đã trừ các khoản xử lý rủi ro vẫn duy trì ở mức gần 1,600 tỷ. ĐongABank nợ quá hạn chiếm 6,946 tỷ đồng, tương đương hơn 13% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ở mức 2,54% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 2,72% hồi đầu năm với tổng cộng khoảng 7.686 tỷ đồng nợ xấu.

Còn hoành tráng?

Nhìn vào bức tranh lợi nhuận quý 3/2014 của các nhà băng, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: Năm nay doanh nghiệp khó nên ăn theo ngân hàng cũng khó. Doanh thu ngân hàng giảm đầu ra gặp khó, tăng trưởng tín dụng thấp, lãi biên giảm (chênh lệch đầu vào - ra) …tất cả những yếu tố dã dẫn đến lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm hơn năm ngoái. Mảng vàng, ngoại tệ không còn là “con gà đẻ trứng vàng” bởi hai thị trường này thường song hành với nhau; cả năm nay vàng không có sóng lên do đó, các ngân hàng cũng không thể tranh thủ “đánh quả” được trên thị trường ngoại hối (doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng ACB, VPBank, Vietcombank thể hiện trên báo cáo tài chính từ mảng này đều giảm).

Dù nhiều ngân hàng báo lãi khả quan nhưng không nên tin ngay vào vì lợi nhuận công bố; có thể điều chỉnh qua “xào nấu” sổ sách và vốn dĩ trích lập dự phòng sẽ làm lợi nhuận béo - gầy rất nhanh.

Ông Nguyễn Trí Hiếu

Điểm cần lưu ý theo ông Nguyễn Trí Hiếu là dù nhiều ngân hàng báo lãi khả quan nhưng không nên tin ngay vào vì lợi nhuận có thể điều chỉnh qua “xào nấu” sổ sách và vốn dĩ trích lập dự phòng sẽ làm lợi nhuận béo- gầy rất nhanh; “chi phí cho dự phòng rủi ro tăng cao. Theo khảo sát của tôi kết quả lợi nhuận năm nay không bằng năm ngoái nhưng phải chờ đến cuối năm mới rõ ra vì hiện nhiều ngân hàng đang trì hoãn trích lập dự phòng để dồn hết vào quý 4”- Ông Hiếu nói.

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực kế toán của một ngân hàng nhìn nhận: Năm nay với lợi nhuận biên thấp (chênh lệch vào - ra lãi suất) cùng với việc áp Thông tư 22 trích lập dự phòng rủi ro tăng, chắc chắn ngân hàng không thể toàn con số đẹp được. “Bức tranh ngân hàng đúng là khó hơn. Cổ đông ngân hàng khả năng là không vui rồi nhưng họ phải thông cảm thôi”- vị này nói đồng thời nhấn mạnh vẫn có những trường hợp sáng cá biệt khi ngân hàng đã tìm ra khách hàng mới, lãi dịch vụ tăng; hoặc đã chủ động trích lập dự phòng từ năm ngoái lãi cũng sẽ vọt lên.

MỚI - NÓNG