Lai Châu – phên dậu vững bền, bài 9: Trầm tích di sản văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sở hữu 30 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được xếp hạng, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia, Lai Châu là mảnh đất thấm đẫm di sản văn hóa phi vật thể như xòe Thái, kéo co, hát Then...

Hệ thống di tích dày đặc

Tỉnh Lai Châu có 30 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được xếp hạng (trong đó có 5 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh). Các di tích xếp hạng quốc gia có thể kể đến di tích lịch sử hang Tiên Sơn (thị trấn Bình Lư, huyện Tam Đường), di tích lịch sử bia Lê Lợi (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn), quần thể danh lam thắng cảnh Pusamcap (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu), di tích Nậm Tun (xã Mường So, huyện Phong Thổ), danh lam thắng cảnh thác Cầu Mây và Cổng trời thuộc khu vực đèo Hoàng Liên (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường).

Lai Châu – phên dậu vững bền, bài 9: Trầm tích di sản văn hóa ảnh 1
Nghệ thuật múa xòe Thái níu chân nhiều du khách. Ảnh: LỘC LIÊN

Di tích lịch sử Khu dinh thự Đèo Văn Long (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn), di tích Núi Đá Ô (xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ), hệ thống hang động Giao Khâu (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu), động Quan Âm (xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ), hang Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường)... nằm trong danh sách 25 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Theo nhiều nghiên cứu khảo cổ học, Lai Châu là kết tinh của sự bồi đắp từ những trầm tích thời gian và kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Theo thống kê, Lai Châu đã ghi nhận trên 50 di tích khảo cổ tiền sử trong khung niên đại tương đối từ 30.000 năm đến trên dưới 4.000 năm trước.

Các di chỉ khảo cổ như: Thẩm Đán Chể (xã Mường Kim, huyện Than Uyên); hang Nậm Phé, Nậm Tun (xã Mường So, huyện Phong Thổ) là nơi xuất hiện vết tích sinh sống của con người từ buổi hồng hoang. Cũng từ đây, những công cụ của thời kỳ đồ đá, di tích cổ sinh hóa thạch của người Việt Cổ đã xuất lộ. Xuôi theo dòng sông Đà, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy các hiện vật có niên đại cách đây hàng vạn năm, được xác định là “cái nôi” nguyên thủy của Lai Châu khiến cho miền đất di sản thêm phần hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, khám phá.

Lai Châu – phên dậu vững bền, bài 9: Trầm tích di sản văn hóa ảnh 2

Trong ánh hoàng hôn, cầu kính Rồng Mây đẹp như một bức tranh giữa núi non trùng điệp. Ảnh: LỘC LIÊN

Có dịp đặt chân lên đất Lai Châu, du khách không nên bỏ lỡ quần thể danh lam thắng cảnh Pusamcap. Nơi đây được mệnh danh là “thiên đường của hang động”, là một địa danh dành cho những ai đam mê khám phá. Từ trung tâm thành phố Lai Châu chỉ mất khoảng nửa tiếng để đến được Pusamcap.

Quần thể danh lam thắng cảnh Pusamcap gồm động chính Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Là một người ưa thích khám phá, các môn thể thao mạo hiểm, anh Nguyễn Quang Trường (25 tuổi, Hà Nam) đã chọn quần thể động Pusamcap để thám hiểm. “Động sâu hun hút, có thể rõ tiếng tí tách của những giọt nước đang nhỏ xuống. Trong động có một số đoạn đường xuống khá cheo leo, phải bám vào một sợi dây leo men theo sườn vách đá để đến động Thiên Đường. Những hình thù nhũ đá nhìn tựa như giàn hoa lan, hoa ban, những loài hoa đặc trưng riêng của núi rừng Tây Bắc. Điều thu hút nhất ở quần thể này là hang Thủy Tinh bởi nó nằm ở vị trí cheo leo nhất, là thách thức cần chinh phục với những người ưa mạo hiểm như tôi”, anh Trường chia sẻ.

Không chỉ nổi tiếng với quần thể hang động kỳ vĩ, Khu du lịch cầu kính Rồng Mây ở Lai Châu những năm gần đây còn thu hút hàng vạn khách du lịch. Cầu được xây dựng từ vách núi đá sa thạch trên dãy Hoàng Liên Sơn nên khi đến đây vào mùa hè, du khách sẽ được tận hưởng không khí se se lạnh như ở Sa Pa hay Đà Lạt trong làn mây núi.

Nơi hội tụ của xòe Thái, hát Then

Hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phủ khắp mảnh đất Lai Châu bồi đắp thêm bề dày về văn hóa lịch sử, cũng nuôi dưỡng và hình thành những di sản văn hóa phi vật thể quý báu. Lai Châu có tới 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: nghệ thuật múa xòe, trò chơi kéo co của dân tộc Thái, lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao, lễ hội Gầu Tào của người Mông và nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Đặc biệt, nghệ thuật xòe Thái, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật múa xòe Thái cũng là một nét duyên níu chân du khách mỗi khi đặt chân đến Lai Châu. Những điệu xòe Thái trở thành điểm nhấn trong các phiên chợ vùng cao. Chợ đêm San Thàng - chợ phiên vùng cao San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) là một địa điểm xòe hội tụ đông đảo khách du lịch về Lai Châu. Cuối tuần, phiên chợ rộn ràng hơn nhờ chương trình giao lưu văn nghệ. Khép lại đêm giao lưu, du khách luôn được mời hòa mình vào vòng xòe đoàn kết cùng bà con.

Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 04 NQ - TU về về Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu đã sưu tầm 1.197 hiện vật các dân tộc Cống, La Hủ, Hà Nhì, Si, khôi phục quy trình sản xuất nghề thủ công truyền thống các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Hà Nhì, Mảng. Tỉnh hỗ trợ tổ chức hằng năm 10 lễ hội truyền thống của các dân tộc Thái, Khơ Mú, Giáy, Si La, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Dao, Mông và tái hiện một lễ hội truyền thống dân tộc Dao.

Không riêng sinh hoạt xòe Thái, người Lai Châu còn tự hào với di sản hát Then, đàn tính. Ở xứ Mường này, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Sơi là một trong những người làm tính tẩu giỏi bậc nhất. Căn nhà của ông Sơi là điểm hẹn của người dân Thái xứ Mường Cang say sưa với điệu hát, tiếng đàn. Ông cũng chính là một trong những nghệ nhân tiên phong tập hợp các thành viên cao niên mê hát Then, đàn tính lập ra câu lạc bộ sinh hoạt, lưu giữ và trao truyền di sản.

Nhắc về Lai Châu, người ta không chỉ nhớ đến vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là cảm giác đắm chìm trong không khí của những lễ hội đặc sắc. Và cứ đến dịp 13 tháng 2 âm lịch hằng năm, các cô gái Thái lại làm duyên, chọn những bộ áo váy đẹp nhất dắt nhau đi mừng lễ hội Hoa Ban.

Vài ngày sau, người ta lại kéo nhau về bản Tân An, xã Mường So để dự hội Nàng Han - nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Đây cũng là dịp để bà con cầu mong cuộc sống no ấm, an lành. Và rồi đến dịp 10/3 (âm lịch), người dân Lai Châu lại háo hức tham dự lễ hội Then Kin Pang - linh hồn của người Thái ở huyện Phong Thổ. Tháng 8 là dịp người Si La nô nức làm lễ mừng cơm mới với một gói cơm mới, hai con sóc, hai con cua, hai con cá để cầu cho một vụ mùa mới bội thu, con cháu mạnh khỏe.

Đến với Lai Châu vào những ngày cuối xuân, du khách không khỏi tiếc nuối khi đã bỏ lỡ lễ hội Gầu Tào - một trong những lễ hội đặc sắc nhất của người Mông, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Tôi được nghe kể nhiều về lễ hội Gầu Tào tại Lai Châu nhưng không đi đúng dịp. Mong rằng tôi sớm có dịp trở lại Lai Châu và vào đúng lúc lễ hội đặc biệt này”, anh Vũ Minh Tiến, du khách đến từ Ninh Bình, tiếc nuối. Lễ hội Gầu Tào là dịp tạ trời đất, thần linh, thổ địa ban cho gia chủ và con cháu khỏe mạnh, cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy nhà... Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, vui chơi, hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, say bên những chén rượu đầu xuân.

MỚI - NÓNG