Lai Châu - phên dậu vững bền: Nơi quần tụ 20 dân tộc anh em

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vùng đất Lai Châu quy tụ 20 dân tộc sinh sống. Phong tục, tập quán riêng tạo nên sự đa dạng văn hoá. Nhận diện bản sắc và lợi thế của cộng đồng, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu tích cực tìm giải pháp phát huy di sản và giải quyết bài toán bảo tồn.

Đa dạng bản sắc dân tộc

20 dân tộc gồm: Thái, Tày, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Việt (Kinh), Mường, Khơ Mú, Mảng, Kháng, Hà Nhì, Cống, La Hủ, Si La, Phù Lá, Lô Lô, Mông, Dao và Hoa. Mỗi dân tộc đều mang những nét văn hóa độc đáo tạo nên bức tranh đa màu sắc. Những nét văn hoá của từng dân tộc được thể hiện rõ qua trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở, lễ hội, làng nghề, văn hóa ẩm thực đến tâm linh.

Lai Châu - phên dậu vững bền: Nơi quần tụ 20 dân tộc anh em ảnh 1

Chữ viết của người Thái, Dao có nguy cơ mai một (ảnh: Lộc Liên).

Trang phục của người dân Lai Châu có nhiều kiểu dáng, loại hình, màu sắc, hoa văn... có dân tộc mặc quần áo, có dân tộc mặc váy và tấm choàng. Bộ nữ phục Dao có đủ khăn, yếm, áo, quần, thắt lưng, bộ nữ phục Mảng nổi bật là tấm vải choàng phủ ngoài thân. Hoa văn trên áo, váy của người Lự có khi được dệt mà không thêu như người Dao, còn người Mông lại in sáp ong, chắp ghép vải màu để tạo hoa văn.

Chợ phiên là một trong những địa chỉ thú vị để quan sát bức tranh về đời sống sinh hoạt của bà con. Các mẹ, các chị xúng xính váy áo xuống chợ. “Trang phục dân tộc vẫn được sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và vào các dịp lễ, Tết. Mỗi năm tôi chỉ có thể tự may một bộ trang phục truyền thống. Để may được một bộ trang phục truyền thống mất rất nhiều thời gian”, chị Giàng Thị Xe (20 tuổi, người Mông, bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) tay thoăn thoắt thêu những hoa văn đầu tiên trên mảnh vải may áo kể.

Có thể dễ dàng nhận thấy dù xu thế hội nhập, du lịch tràn đến mảnh đất này vẫn không làm mất đi bản sắc của đồng bào dân tộc. Chẳng hạn với người Mông, những bộ trang phục truyền thống, kể cả những trang phục cách điệu phù hợp với thị hiếu du khách vẫn lưu giữ những hoa văn truyền thống. Đó là những dải hoa văn ngang xuất hiện trên váy, thắt lưng, cổ áo, ống tay áo. Họa tiết nhỏ li ti được phối, sắp đặt khéo léo để nhận diện bộ trang phục dân tộc đặc trưng.

Từ ăn mặc nhìn sang chuyện cư trú dễ thấy kiến trúc nhà ở của người dân Lai Châu cũng vô cùng phong phú. Hầu hết cư dân nhóm Tày - Thái vùng thấp và các cư dân nhóm Môn - Khơme vùng giữa ở nhà sàn. Còn các cư dân nhóm Mông - Dao, Tạng - Miến vùng cao lại chủ yếu ở nhà trệt.

Các giá trị văn hoá truyền thống trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày như múa, hát giao duyên, cồng chiêng, các điệu dân ca, dân vũ… được bảo tồn nguyên vẹn, lưu truyền qua các thế hệ. Với sự đa dạng về văn hoá, tỉnh Lai Châu luôn tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá khác biệt của các dân tộc. Trong chuyến về Lai Châu đầu tháng 3 này, chúng tôi không khó bắt gặp những câu hát giao duyên, những điệu dân ca của các dân tộc tại tỉnh Lai Châu.

Phiên chợ vùng cao là nơi hội họp, giao lưu văn hoá của người dân trong tỉnh. Tại chợ phiên, người dân không chỉ trao đổi mua bán nông cụ mà còn tổ chức múa, hát giao duyên.

“Những phiên chợ vùng cao như chợ phiên/chợ đêm San Thàng (thành phố Lai Châu), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), chợ phiên Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên Tà Mung (huyện Than Uyên) luôn là địa điểm thu hút du khách bởi sắc màu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực và sản vật vùng cao”, ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lai Châu nói.

Mắt Hảng Thị Mai, cô gái bản Pho Sin Chải (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu) ánh lên niềm vui, sự thích thú sau khi biểu diễn tại chợ đêm San Thàng. “Lần đầu tiên em được tham gia phiên chợ đêm này. Em rất vui vì được múa, hát với các anh chị ở bản làng khác, dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có sự khác biệt. Em mong muốn tiếp tục được tham gia chợ đêm”, Mai vừa ngại ngùng vừa hào hứng chia sẻ.

Nỗ lực giữ gìn tiếng nói, chữ viết

Đa dạng bản sắc văn hoá các dân tộc góp phần tạo nên đặc trưng của vùng đất Lai Châu, là nền tảng văn hóa để phát triển du lịch. Tuy nhiên, còn đó nhiều lo ngại về điều kiện kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, chênh lệch trình độ dân trí, dân cư phân tán dẫn đến việc huy động nguồn lực vật chất của địa phương trong việc duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống còn hạn chế.

Lai Châu - phên dậu vững bền: Nơi quần tụ 20 dân tộc anh em ảnh 2

Khi chợ vắng khách, phụ nữ Mông tranh thủ thêu váy áo Ảnh: LỘC LIÊN

Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu nhận định, cộng đồng dân tộc Thái với đặc điểm sinh sống theo cộng đồng thôn, bản hầu hết còn bảo tồn được tiếng nói. Khi giao tiếp giữa các thế hệ trong gia đình, cộng đồng và khi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, ca hát, thông tin tuyên truyền…người dân vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ và sử dụng song ngữ Tiếng Việt.

“Không ít người dân tộc Thái ngoài tiếng mẹ đẻ còn nghe, nói thông thạo tiếng của một số dân tộc khác trong việc giao tiếp bằng tiếng nói. Các cháu học sinh, kể cả đang học mầm non, tiểu học vẫn biết sử dụng cả tiếng Thái và Tiếng Việt. Trong khi, hầu hết đều không biết chữ của người Thái nhưng họ lại nói rất thành thạo tiếng Thái”, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết.

Thực tế, cộng đồng dân tộc Dao hầu hết đều nói tiếng Dao, tiếng Việt và tiếng Hà Nhì. Khi giao tiếp với những người thân trong sinh hoạt gia đình, họ dùng tiếng Dao, đôi khi nói tiếng Việt. Trẻ em từ bậc tiểu học trở lên đều biết nói tiếng Việt và tiếng Dao.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lai Châu luôn tìm kiếm những nhà đầu tư có tầm nhìn trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng và du lịch Lai Châu.

“Chúng tôi luôn mong các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, đầu tư sẽ giữ gìn tối đa bản sắc văn hoá của Lai Châu, không gian kiến trúc bản làng... Chúng tôi hướng đến thị trường riêng bởi đối tượng khách mong muốn tiếp đón là những vị khách yêu thiên nhiên, tôn trọng văn hoá. Trong suốt quá trình đầu tư, mong các nhà đầu tư chú trọng chất lượng phục vụ du khách, phát triển những sản phẩm tỉnh Lai Châu đang có”, bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Trung tâm nói.

Tuy nhiên, nguy cơ tiếng Thái, Dao bị mai một đang hiện hữu, bởi họ không còn lưu giữ được chữ viết trong cộng đồng và các hoạt động giao lưu văn hóa, thông tin tuyên truyền. Một số dân tộc ở Lai Châu được xác định là có chữ viết như: Dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Dao. Tuy nhiên, số người biết sử dụng chữ viết của dân tộc mình là rất ít (chủ yếu là người cao tuổi).

Nhận diện những thách thức đối với các cộng đồng dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu khẳng định, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.

Ban Dân tộc tỉnh khuyến khích sưu tầm, bảo tồn các tác phẩm văn học, bài hát dân ca, các câu chuyện dân gian bằng tiếng dân tộc thiểu số được kiểm duyệt đưa vào phát hành, in ấn, sử dụng làm tài liệu để dạy và học cho các đơn vị trường học.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG