Lạc thú từng 'Hơi thở nhẹ'

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn ký sách Hơi thở nhẹ.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn ký sách Hơi thở nhẹ.
TP - Thở nhẹ vốn là quán niệm của nhà Phật, có xung đột gì với sắc dục, phù phiếm, mà những ngả ngớn thân xác trên khung lụa là ấy tôi nhìn vào chỉ nghe dậy lên “những luồng run rẩy”… 

Về dòng tranh lụa đầy lạc thú này, Tuấn nói, đó là “một Mộng Mị giữa ban ngày”. Mộng mị của những kiếp thân thể, sự cư trú của nó ở đâu. Thân thể là nơi chốn trú ngụ cho những gì thuộc con người? Da thịt, nhan sắc, hơi thở? Ý nghĩ? Khát? Vọng? Cuồng? Chờ?...

Mười năm trước, tôi kết thúc tập thơ “Ma thuật ngón” bằng “Kẻ trú ngụ”: “thân thể tôi chỉ là nơi trú ngụ của một kẻ đào tẩu xa lạ/… xác thân nhìn tôi như kẻ quỵt tiền nhà/ chỉ một phút giây ấy thôi/ rồi cứ thế không đầu không thân thể không màu không mùi vị/ tôi đi với hơi thở nhẹ/ không ngang qua sự cư trú nào nữa”.

Lạc thú từng 'Hơi thở nhẹ' ảnh 1 Sự cám dỗ.

Thì đó cũng là thời gian Tuấn rời bỏ sơn dầu để “sa” vào sắc dục phù phiếm của các “Nàng”. Trên lụa. Với lụa. Tôi nhớ một lần ở Sài Gòn, Tuấn tặng tôi một catalogue mỏng mang tên “Phù phiếm nàng” về dòng lụa này của mình, khi anh đang đà khởi đi mạnh mẽ. Kể từ triển lãm lụa đầu tiên của Tuấn ở Sài Gòn năm 2009. Tôi xao xuyến suốt thời gian dài. Nỗi xao xuyến rong chơi ma quái cùng những thân thể mà tôi cũng đã phóng sinh…

Những thân thể đàn bà đầy đặn, dầy dặn bời bời nhục cảm mà ngổn ngang chia rẽ, xáo trộn của thời Hiện đại, hoàn toàn khác nét mập mạp thuần khối từ đàn bà trong tranh Phục Hưng. Cũng khá xa lạ với phô phang (mà tỏ ra) e dè thuần mị của tranh nuy Á Đông. Những thân thể trên lụa của Tuấn phân cực, không theo một quy luật nào, khởi đi từ “Đàn bà, mặt nạ và bóng tối 1” (acrylic trên lụa, 2010) – giải Bạc tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Hà Nội cùng trong năm ấy đến “Trêu đùa với bóng đêm”, “Giấc mơ trưa”, “Những cô nàng ngả ngớn”, “Hơi thở nhẹ”… của năm 2017. Thân thể kỳ nữ mơ hồ như khối hương ẩn mật ấy họa sĩ đã trao cho người xem – những kẻ dự phần toàn quyền định dạng.

Lạc thú từng 'Hơi thở nhẹ' ảnh 2 Hơi thở nhẹ 1.

Kiểu lưu đày thân xác như một chánh niệm này gần đây tôi cũng gặp một cách đầy ấn tượng ở Lê Minh Phong. Nhưng với Phong, đó là một nỗi nuy khổ hạnh ngập tràn ý nghĩ mọc lên từ những chuốt nhọn thân phận. 

Hơi thở nhẹ. Là hơi thở khơi nguồn của người hoạ sĩ, trước khung lụa trắng. Đem lại cho bao kẻ dự phần những “luồng run rẩy”, hơi thở gấp gáp, dập dồn. Có thể đến gần đây, Tuấn mới tự phát hiện ra rằng, mọi tên gọi của mỗi cuộc triển lãm, mỗi bức tranh của chính mình từ rất lâu trước đó, thực ra đều là “Hơi thở nhẹ”. Tôi hình dung họa sĩ mỗi lần trước khung lụa trắng, đã hít một hơi thật sâu, khẽ nhắm mắt để cho những vũ điệu thân thể dẫn dắt nét vẽ. Chỉ có thể nhắm mắt, kìm hơi thở thật mong manh như có như không mới nhìn thấy được vô biên. Thấy được những vũ điệu không có thực trong cơ chế vận động của thân thể, và tư thế, đường cơ… Để mỗi khi mở mắt ra trút hơi thở gấp gáp, nhận ra “Ồ, Nàng đã đến!”.

Thân thể đàn bà là vẻ đẹp khơi nguồn. Khiến bông hoa, nắng mai, tiếng chim hót đẹp và rộn rã hơn. Thậm chí khiến cả đêm đen cùng bão tố cũng trở thành lãng mạn. Đó (nhiều khi) không còn là vẻ đẹp tự thân như quan niệm của các nhà duy mỹ. Bùi Tiến Tuấn đã nhuần nhị với “sợi chỉ đỏ” mỹ cảm dẫn dắt ấy.   

Tôi lại nghĩ về nơi cư trú của những thân thể đàn bà của Tuấn. Trong đường biên vuông vức mỗi khung tranh. Trong không gian nghệ thuật cộng đồng, trong phòng riêng hoặc kho tranh của nhà sưu tập. Với Tuấn, những chủ thể đó “được đặt để/khoác lên một hình ảnh chỉ như là một cái cớ nhằm mở rộng tính tương tác, soi rọi vào bản chất thị dân của hoàn cảnh”.

Còn với tôi, nó đã phóng sinh “với hơi thở nhẹ/không ngang qua sự cư trú nào nữa”.

Sau gần 30 năm học/sống/sáng tạo tại Sài Gòn, triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại quê nhà Hội An, họa sĩ sinh năm 1971 Bùi Tiến Tuấn đã mang về “Hơi thở nhẹ”. Là tên gọi của dòng tranh mỹ nhân trên lụa độc đáo với biết bao sắc thái phù phiếm, ỡm ờ ngả ngớn của sắc dục thanh tân, cũng là cơn “mộng mị giữa ban ngày” như họa sĩ từng bày tỏ. “Hơi thở nhẹ” đồng thời là tên của vựng tập bề thế nhìn lại 10 năm cầm cọ chuyên nghiệp (2007-2017) vừa ra mắt của họa sĩ trẻ tài danh vốn có hấp lực riêng biệt với giới sưu tập hội họa trong và ngoài nước này.

Triển lãm khai mạc sáng mùng 6 Tết Mậu Tuất (21/2), kéo dài đến hết ngày 25/2/2018 tại Khách sạn Hà An, số 6-8 Phan Bội Châu, thành phố Hội An (Quảng Nam).

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.