Họa sĩ Thành Phong: Tìm hiểu thời bao cấp để lý giải hôm nay

Họa sĩ Thành Phong và trang trong sách Thương nhớ thời bao cấp. Ảnh: Hương Xuân.
Họa sĩ Thành Phong và trang trong sách Thương nhớ thời bao cấp. Ảnh: Hương Xuân.
TP - Thương nhớ thời bao cấp - sách tranh tập hợp những câu cửa miệng cho tới những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp vừa ra mắt. Đồng tác giả - họa sĩ Thành Phong sinh vào năm bắt đầu đổi mới. Dù chẳng được nếm mùi khoai mì, bo bo, tem phiếu, sổ gạo, anh cho rằng đó thật sự là thời kỳ “gây thương nhớ” cho nhiều người.

Thật khó hình dung một người trẻ hoàn toàn không có chút trải nghiệm nào về một thời kỳ lịch sử lại có thể vẽ lại thời kỳ ấy?

Đúng là tôi sinh ra vào thời điểm kết thúc bao cấp. Nhưng một thời đại đi qua nó không giống như việc ta gấp lại một trang sách để mở ra một trang hoàn toàn mới mà vẫn có những hệ quả của thời kỳ cũ tiếp tục ở lại. Thậm chí đến bây giờ vẫn có những nếp nghĩ được truyền lại từ thời bao cấp. Trong đó có những di sản tốt đẹp mình cần duy trì và nỗ lực làm nó hồi sinh. Có những tiêu cực, mình nhìn vào đó để tự rút ra bài học.

Họa sĩ Thành Phong: Tìm hiểu thời bao cấp để lý giải hôm nay ảnh 1

Phong nhìn thấy di sản tốt đẹp nào từ thời bao cấp?

Đó là cách mà người Việt Nam vẫn luôn sống xuyên suốt qua nhiều thời kỳ: sự thích nghi. Người Việt thích nghi rất nhanh. Sự thích nghi đó có thể nhìn theo cách tích cực hoặc tiêu cực. Hướng tích cực là mọi người sẽ vượt qua được những khó khăn không bế tắc. Nhưng đặc tính này cũng có điểm “dở”: đôi khi thích nghi quá nhanh thì mình dễ mất đi những giá trị cốt lõi.

Một di sản nữa đó là người Việt nhìn mọi thứ theo hướng lạc quan. Do vậy, tính tự trào trong sách này rất lớn. Không chỉ châm biếm, đả kích một con người, một sự việc cụ thể nào mà đôi khi nó chỉ là một hình thức tự trào. Trong cuộc sống, thái độ rất quan trọng. Đôi khi thái độ tự trào có thể giúp mình tiếp tục thay đổi theo hướng tốt.

Phong có tự tin mình vẽ đúng tinh thần của thời bao cấp?

Tôi không chắc mình thể hiện được bao nhiêu phần trăm về thời đại ấy. Mỗi người sẽ có một cách cảm nhận khác nhau phụ thuộc vào trải nghiệm riêng. Chính những người từng sống qua thời bao cấp - tôi tin họ cũng có cảm nhận rất khác nhau về thời mà mình đã sống. Công nhân lao động sẽ nhìn thời kỳ đó khác với một người buôn bán, khác với một cán bộ… Nói “đúng tinh thần thời bao cấp” là vô cùng.

Trong cuốn sách này, tôi cố gắng khái quát đầy đủ nhất những góc nhìn. Nhưng cuốn sách chỉ là một lát cắt thuộc về một thời kỳ lịch sử, văn hóa. Nó là một nguồn tham chiếu để mọi người có thể tưởng tượng lại và hình dung thời bao cấp, chứ không thể khái quát lại toàn bộ thời kỳ này. Chính tôi khi làm xong cuốn này cũng hiểu hơn rất nhiều về lối tư duy và cuộc sống của mọi người trong thời kỳ rất đặc biệt này.

Một đội ngũ đông đảo biên tập viên và hai họa sĩ cùng làm sách, vậy mà phải mất 5 năm, sách mới ra đời?

Có nhiều lý do nhưng chủ yếu là sự khó khăn khi xin giấy phép xuất bản. Còn khó như thế nào, phải qua bao nhiêu nhà xuất bản để xin được giấy phép và phải thỏa hiệp những gì thì đơn vị phát hành cuốn sách này mới có câu trả lời cụ thể.

Cuốn Sát thủ đầu mưng mủ có một số phận khá “chật vật” để đến được tay người đọc, vậy trong cuốn sách này Phong có tự “kiểm duyệt” mình trước không?

Tôi không tự kiểm duyệt gì cả. Chỉ có điều tôi sẽ phải lựa chọn những câu mà tôi có thể thị giác hóa. Có những câu mới nghe thôi đã thấy tính hình ảnh rất mạnh rồi. Việc kiểm duyệt, nếu có, là việc đến sau, đó là công việc của biên tập viên hoặc đơn vị cấp phép chứ tôi không tự kiểm duyệt mình trước.

Tên sách là Thương nhớ thời bao cấp? Phong có thực sự thương nhớ thời kỳ này?

Đây là tựa sách được đặt bởi ban biên tập. Và tôi nghĩ đó là lựa chọn thú vị. Nếu hỏi mọi người có muốn trở lại thời bao cấp thì chắc chắn đa số sẽ không muốn, ít nhất là về mặt kinh tế, tiện nghi cuộc sống, trật tự xã hội. Nhưng nhiều người vẫn nhắc nhớ về thời kỳ ấy với những kỷ niệm thân thương. Thường người ta có xu hướng bao dung hơn khi nhìn về quá khứ.

Theo Phong vì sao các bạn trẻ háo hức tìm hiểu thời kỳ bao cấp như vậy?

Cuộc sống là một quá trình được bồi đắp liên tục. Khi ta hiểu về thời kỳ mà bố mẹ đã sống thì mình sẽ lý giải được nhiều thứ cho cuộc sống hiện đại, và hướng tới tương lai.

MỚI - NÓNG