Là quốc gia xuất khẩu gạo, vì sao Việt Nam chi tới gần 1 tỷ USD nhập mặt hàng này?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong 9 tháng, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay. Theo các doanh nghiệp, việc chi tới gần 1 tỷ USD để nhập khẩu gạo cho thấy nhu cầu gạo phục vụ cho chế biến ở nước ta hiện rất lớn. 

Vì sao nhập khẩu gạo tăng mạnh?

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 7 triệu tấn với trị giá 4,37 tỷ USD. Nếu tính về kim ngạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5%.

Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta cũng tăng rất mạnh. Trong 9 tháng, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV - cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Campuchia để phục vụ chế biến và tiêu dùng trong nước.

Năm nay, các doanh nghiệp tăng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, xuất phát từ nhu cầu sử dụng gạo cho nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (gia súc, thủy sản) và chế biến bột, bánh, bún, thực phẩm… tăng mạnh. Những loại gạo này thuộc phẩm cấp thấp, thường có giá rẻ.

Cùng với đó, thói quen của người dân và doanh nghiệp trong nước thường bán lúa tươi, sản xuất đến đâu bán đến đó và chưa chú trọng việc dự trữ do yêu cầu phải có nguồn vốn lớn. Điều này khiến các doanh nghiệp ít mặn mà. Nhiều doanh nghiệp chọn cách nhập khẩu gạo giá rẻ để tối ưu hiệu quả và đỡ tốn chi phí dự trữ.

Là quốc gia xuất khẩu gạo, vì sao Việt Nam chi tới gần 1 tỷ USD nhập mặt hàng này? ảnh 1

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm.

Theo ông Thành, dòng gạo được sản xuất phổ biến và năng suất tốt và giá rẻ tại Ấn Độ, tương tự như lúa IR50404. Trước đây, trong cơ cấu giống lúa của Việt Nam, diện tích trồng dòng IR50404 vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhờ năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, nhưng vì bị đánh giá là gạo phẩm cấp thấp nên giờ các địa phương trồng không nhiều.

Tuy nhiên, việc Việt Nam chi tới gần 1 tỷ USD nhập khẩu gạo sẽ có ảnh hưởng nhất định với thị trường lúa gạo trong nước và gây áp lực với nông dân.

“Người dân trồng lúa chất lượng thấp, bình thường sẽ khó cạnh tranh với gạo ở nước ngoài nhập về buộc họ phải chuyển sang trồng lúa chất lượng cao. Điều này không phải ai cũng có khả năng trồng được, chưa kể áp lực đầu ra cho lúa chất lượng cao khi các nước như Pakistan, Thái Lan, Myanmar, Campuchia đều có thể trồng được”, ông Thành nói.

Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành chế biến trong nước, ngành lúa gạo nên tận dụng cả thị trường này, tránh trường hợp mải lo xuất khẩu nhưng bỏ quên thị trường sân nhà. Con số 1 tỷ USD nhập khẩu gạo không hề nhỏ trong khi chúng ta hoàn toàn đủ và dư thừa năng lực sản xuất.

“Chính phủ và các bộ, ngành cần phải có biện pháp bảo vệ người nông dân. Chúng ta vẫn cho phép nhập nhưng nhập số lượng nào để phù hợp. Các địa phương cần có quy hoạch những khu vực sản xuất gạo chất lượng thấp, ở mức vừa phải để đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu chế biến trong nước”, ông Thành cho hay.

Giảm áp lực từ giá gạo nội địa

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu gạo từ nhiều năm qua và đặc biệt tăng nhập từ năm 2020.

Ông Bình đánh giá, việc nhập khẩu lúa và gạo có tác động một phần tới giá gạo nội địa. Ở mặt tích cực, lúa gạo nhập khẩu có vai trò quan trọng là bổ sung vào nguồn cung gạo Việt Nam ra thế giới, đặc biệt vào giai đoạn giữa các vụ mùa của Việt Nam.

"Nhập khẩu gạo cũng giảm áp lực cho các nhà sản xuất các sản phẩm từ gạo phải mua nguyên liệu với giá cao, nhất là trong bối cảnh giá gạo nội địa liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Điều này góp phần ổn định giá cả các mặt hàng, làm giảm áp lực đối với vấn đề lạm phát", ông Bình nói.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, nhu cầu gạo thấp cấp trong nước ngày càng lớn, trong khi Việt Nam đang theo đuổi chương trình cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng tăng diện tích các giống lúa chất lượng cao nên việc tìm nguồn gạo giá rẻ để phục vụ chế biến là điều dễ hiểu.

Hiện trung bình giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng năm nay là 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, gạo nhập khẩu về Việt Nam có giá dao động 480 - 500 USD/tấn.

MỚI - NÓNG